Áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp: Tại sao khổ thế?
Chỉ còn thời gian ngắn nữa, học sinh sẽ bước vào kỳ tuyển sinh đầu cấp vào lớp 1, lớp 6, lớp 10. Nhiều phụ huynh đang trong tâm trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên.
Lâu nay tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội luôn là cuộc chạy đua khốc liệt. Mới đây, nhiều phụ huynh đã xếp hàng tại Trường Marie Curie từ 0h sáng để mua hồ sơ vào lớp 1 cho con. Thông tin này thu hút nhiều ý kiến tranh cãi.
Phụ huynh thấp thỏm
Con chị Nguyễn Hoài Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) năm nay vào lớp 1. Không còn nhiều thời gian nữa năm học đầu tiên của con sẽ bắt đầu nhưng đến thời điểm này con vẫn chưa thuộc mặt bảng chữ cái. Lo lắng con không theo kịp các bạn, từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, chị Linh đôn đáo tìm lớp tiền tiểu học cho con.
Thế nhưng, dịch bệnh nên việc tìm giáo viên kèm trực tiếp cho con không dễ dàng, chị Linh buộc phải cho con học online.
Chị Linh chia sẻ: “Tôi đọc báo thấy các cô giáo cứ khuyên cha mẹ không nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Nhưng thực tế, nếu không học trước thì khi bước vào năm học con sẽ không thể theo kịp. Như con gái lớn nhà tôi, năm lớp 1, tuần thứ 2 đi học, cô giáo đã cho các con chép chính tả rồi. Thế nên, con mà không học trước thì đuổi theo các bạn thế nào”.
Lo lắng của chị Linh cũng là lo lắng chung của nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Mới đây, hình ảnh nhiều phụ huynh xếp hàng tại Trường Marie Curie từ 0h sáng để mua hồ sơ vào lớp 1 cho con thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều phụ huynh cho rằng: “Sao phải khổ thế”, “Mới lớp 1 đã tạo áp lực cho các con rồi”.
Đấy là học sinh lớp 1, với phụ huynh có con vào lớp 6, để con học được ở các trường hot, ngay từ khi con học lớp 3, lớp 4, cha mẹ đã bắt đầu cho con vào đường đua. Nhiều con trong tình trạng học thêm quá tải trong tuần.
Ước muốn của chị Hoàng Diệu Thúy (quận Ba Đình) là con sẽ thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, thế nên từ khi con chị Thúy học lớp 3, chị đã tìm thầy cô luyện thi cho con.
Chị Thúy cho biết: “Mọi năm trường có tỉ lệ chọi rất cao, căng thẳng hơn thi đại học. Bởi vậy, không học thêm nhiều thì con không thể đỗ được. Song song với đó, con phải cố gắng học bạ toàn điểm 10. Nhiều khi thấy con học nhiều cũng thương nhưng vì tương lai, tôi luôn động viên con, học cùng con để con phấn đấu”.
Đừng tạo áp lực lên con
Cha mẹ thức trắng đêm, xếp hàng mua hồ sơ cho con vào lớp 1 của Trường Marie Curie không phải là chuyện hiếm. Còn nhớ những năm học trước, đã có tình trạng hàng trăm phụ huynh đạp đổ cổng sắt Trường PTCS Thực Nghiệm để tranh mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm, một bộ phận phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp thường ấn định lựa chọn của mình vào một số trường có tiếng nên dẫn đến tình trạng quá tải trong tuyển sinh đầu vào.
Qua kinh nghiệm tư vấn của ông Sơn, nhiều cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, khiến áp lực học hành nặng nề hoặc dẫn đến tình trạng con học lệch.
“Một số trường hiện nay, chương trình môn Tiếng Anh và Toán rất nặng. Học sinh muốn vào lớp chuyên Anh lớp 8 phải học cuốn Ngữ pháp Destination C1, ngang bằng với trình độ thạc sĩ. Đó chính là áp lực quá đối với con trẻ”, ông Sơn cho hay.
Vì vậy, ông Sơn đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh cần cân nhắc rằng ngoài việc học tập, con còn có phát triển nhân cách, thói quen tốt vào tiểu học và phát triển những hành vi có trách nhiệm và biết chịu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi vào bậc THCS. Vậy cha mẹ cần xem cách nhà trường đó sẽ đồng hành với con mình thế nào để đảm bảo đầu ra một ngôi trường thân thiện, hạnh phúc giúp con mỗi ngày đến trường là một niềm vui.
Cũng theo ông Sơn, một trong những yếu tố giúp phụ huynh chọn lựa trường phù hợp nhất với con là cha mẹ cần hiểu biết năng lực học tập, tiếp thu của con ở đâu để sao chọn trường cho con.
“Đặc biệt đối với học sinh lớp 9 bước vào 10 là thời điểm các con đang trong giai đoạn độc lập thử nghiệm nên phụ huynh cần tìm hiểu môi trường học tập tương tác và định hướng khối ngành cho tương lai. Khi đó phụ huynh có thể chọn lựa những trường mình muốn mà lại bỏ qua những nhu cầu cần của con trẻ. Điều này sẽ tạo ra hệ lụy khiến các con sẽ chọn khối ngành học lên cao bị chệch hướng”, ông Sơn nêu quan điểm.