Áp lực tỷ giá khó 'nhấn chìm' VN Index

Ngày 11-3 vừa qua, NHNN khởi động lại nghiệp vụ phát hành tín phiếu để hút bớt tiền đồng trong hệ thống, như một động thái can thiệp khi tỷ giá tăng nóng. Hành động này diễn ra đúng thời điểm thị trường đang quay lại đỉnh tháng 9-2023.

Tương quan diễn biến tỷ giá USD/VNĐ (màu xanh, đậm) với giá vàng thế giới (màu vàng), Bitcoin (màu đen) và chỉ số USD Index (màu đỏ). Giai đoạn tháng 9 tới tháng 11-2023 không có sự tăng tốc chóng mặt của vàng và bitcoin lên ngưỡng lịch sử mới. Đồng thời USD Index hiện tại đã thấp hơn nhiều so với đỉnh tháng 10 năm ngoái. Khung màu xanh nhạt là giai đoạn Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút tiền về. Nguồn: Tradingview.

Bối cảnh đã “dễ thở” hơn

Sự trùng hợp này khiến nhà đầu tư (NĐT) có một phiên sợ hãi hoảng loạn và bán tháo với thanh khoản cao kỷ lục trong ngày 18-3, do lo ngại kịch bản cũ lặp lại. Cụ thể, trong đợt tỷ giá tăng nóng hồi tháng 9 đến 11-2023, NHNN phát hành tín phiếu, VN Index đã có nhịp điều chỉnh mạnh gần 18% và tỷ giá tăng USD/VNĐ đạt đỉnh 24.760 đồng ngày 26-10 (theo giá bán của Vietcombank). Tuy nhiên, đợt tăng tỷ giá nóng lần này, tỷ giá thậm chí còn cao hơn, đạt xấp xỉ 25.000 đồng ngày 21-3.

NĐT trên TTCK luôn thuộc nằm lòng câu châm ngôn “lịch sử luôn lặp lại trên TTCK”. Tuy nhiên, trên thực tế không có giai đoạn nào lặp lại hoàn toàn, thậm chí luôn có những điểm khác biệt.

Sự khác biệt có thể đến từ yếu tố định lượng như tỷ giá, lãi suất, thông điệp chính trị của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed. Khác biệt còn đến từ các yếu tố định tính như tâm lý NĐT, cảm nhận về thông tin hỗ trợ, thậm chí cả mức lời lãi tại thời điểm đó. Từ sự phản ứng của TTCK tuần qua, dù tỷ giá đang có phần nóng hơn năm ngoái (có đỉnh cao hơn) nhưng tâm lý NĐT lại tốt hơn.

Trong 2 tuần phát hành tín phiếu vừa qua, VN Index lại tăng khoảng 2%, khác biệt hoàn toàn so với 2 tuần đầu tiên của đợt phát hành tháng 9-2023 khi chỉ số lao dốc hơn 8%. Có thể nói, đây là một dạng hiệu ứng “trơ lì cảm xúc” trước một sự kiện được lặp lại. Phản ứng trong lần đầu tiên luôn mạnh mẽ vì mọi yếu tố còn mơ hồ, có nhiều luồng phân tích khác nhau. Từ lần thứ 2 trở đi, khả năng phân tích cũng như bài học trong quá khứ được cảm nhận rõ nét hơn và các hành động cảm tính cũng giảm bớt.

Áp lực tỷ giá không còn nhiều

Có thể nói, xu hướng tăng mạnh của đồng USD trong nước hiện tại, có sự tương quan rất nhiều tới biến động của giá vàng thế giới và giá tiền điện tử mà tiêu biểu là Bitcoin. Mặc dù việc giao dịch các loại tiền điện tử và phái sinh trên giá vàng (CFD - Contracts for Difference) không được chấp nhận ở Việt Nam, nhưng trên thực tế giới đầu cơ Việt Nam tham gia rất phổ biến.

Thậm chí theo báo cáo của công ty phân tích chuỗi khối Mỹ Chainalysis, các NĐT tiền ảo tại Việt Nam năm 2023 còn lãi tới 1,18 tỷ USD. Việt Nam là một trong 5 thị trường châu Á có mặt trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có lợi nhuận từ tiền ảo lớn nhất thế giới trong năm 2023.

Với giá vàng, chênh lệch quá rộng giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước cũng khuyến khích nhập lậu. Ngoài ra, còn có các nhân tố mang tính thời điểm như khối doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước và hoạt động đầu cơ chênh lệch lãi suất giữa tiền VNĐ và USD.

Dù khá nhiều yếu tố tác động đến tỷ giá trong nước tương tự 2 quý giữa năm 2023, nhưng bối cảnh hiện tại đã không còn quá nóng. Đáng kể nhất là việc chúng ta không còn đi ngược thế giới về lãi suất trong bối cảnh khó dự đoán nữa. Lãi suất tiền đồng giảm liên tục từ tháng 3 tới tháng 6-2023, trong khi tới tận tháng 11-2023 các phát ngôn của Fed vẫn rất cứng rắn về lãi suất.

Năm 2024, Fed đã vạch lộ trình giảm lãi suất khá rõ, dù không được như thị trường mong đợi ngay từ tháng 3, nhưng xu hướng giảm về cuối năm là chắc chắn. Điều này đồng nghĩa với áp lực lên tỷ giá sẽ không còn mơ hồ dựa trên yếu tố kỳ vọng như năm 2023.

Ngoài ra tình hình xuất khẩu khả quan trong 2 tháng đầu năm 2024 với mức xuất siêu 4,72 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái là 3,5 tỷ USD. Tháng 11 năm ngoái thậm chí cũng đã có các phân tích dự đoán NHNN phải bán USD để can thiệp, nhưng cuối cùng cũng chỉ cần dùng đến công cụ tín phiếu. Do vậy, nguồn lực dự trữ ngoại tệ vẫn được bảo toàn.

Rủi ro điều chỉnh vẫn có

Cuộc họp của Fed ngày 21-3 vừa qua đã tiếp tục xác nhận ý định cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm. Đây là quan điểm đã được xác nhận từ kỳ họp tháng 12-2023. Ngay sau khi có thông tin chính thức từ cuộc họp, chỉ số USD Index sụt giảm mạnh. Như vậy trong thời gian tới sức ép lên tỷ giá trong nước có thể nhẹ bớt.

Mặc dù giá USD thế giới khó tăng mạnh do lộ trình giảm lãi suất của Fed đã rõ ràng, và chỉ số USD Index khó quay trở lại đỉnh cũ tháng 10-2023. Thế nhưng, sức ép nội tại lên tỷ giá trong nước vẫn còn. Xu hướng tăng của vàng, bitcoin và chênh lệch lãi suất USD/VNĐ là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, TTCK sẽ đặt trọng tâm quan sát vào các tín hiệu này, hơn là chú ý vào biến động của USD Index.

Tuy có nhiều yếu tố làm giảm nguy cơ thị trường lặp lại kịch bản điều chỉnh sâu như giai đoạn cuối năm 2023, nhưng khả năng VN Index giảm vẫn tồn tại. Lý do đơn giản là không có xu hướng tăng nào kéo dài mãi được, thị trường cần những nhịp điều chỉnh để cân bằng. Điểm khác biệt là một nhịp điều chỉnh kỹ thuật nội tại không nên đánh đồng với nhịp điều chỉnh do lo ngại các rủi ro vĩ mô.

Cuộc họp của Fed ngày 21-3 vừa qua đã tiếp tục xác nhận ý định cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm. Đây là quan điểm đã được xác nhận từ kỳ họp tháng 12-2023. Ngay sau khi có thông tin chính thức từ cuộc họp, chỉ số USD Index sụt giảm mạnh. Như vậy trong thời gian tới sức ép lên tỷ giá trong nước có thể nhẹ bớt.

NGUYÊN HÀ

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ap-luc-ty-gia-kho-nhan-chim-vn-index-post112787.html