Áp thấp nhiệt đới có thể thành bão, Hải Phòng lên phương án khẩn
Hải Phòng đã lên phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, người dân để chủ động phòng chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Thực hiện các Công điện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, các ngành, địa phương, đơn vị đang chỉ đạo, tổ chức công tác ứng phó, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo kế hoạch để phòng chống áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho chủ phương tiện, tàu thuyền về diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai chỉ đạo các Hạt Quản lý đê tổ chức kiểm tra đê điều, đảm bảo an toàn các công trình đê điều thi công và mới hoàn thành.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đơn vị đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.357 phương tiện/7.323 lao động đang hoạt động, neo đậu tại các bến; 457 lồng bè/1.282 lao động; 312 chòi canh/313 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.
Trong đó, có 585 phương tiện/1.891 lao động đang hoạt động; 1.772 phương tiện/5.432 lao động đang neo đậu tại bến.
Quan sát của Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, Trạm Radar Hải Quân, có 83 phương tiện đang hoạt động cách đảo Bạch Long Vĩ từ 1 dến 15 hải lý. Tại Cảng Hải Phòng có 124 phương tiện/1.336 lao động, trong đó có 47 tàu nước ngoài/454 lao động nước ngoài…
Thành phố đã lên kế hoạch, phương án huy động 41.570 người, 1.216 ô tô các loại; 285 tàu xuồng; 202 máy phát điện, hàng chục m3 đá, cát, đất các loại… tham gia xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Áp thấp nhiệt đới có thể trở thành cơn bão số 1 và dự báo sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Tuy sức gió không lớn nhưng phạm vi ảnh hưởng rộng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian dự kiến đổ bộ vào đất liều là chiều mai, trùng với đỉnh của triều cường gây khó khăn cho công tác phòng chống; hoàn lưu gây mưa khá rộng.
Theo đó, Hải Phòng tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng, thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; phát hiện, xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy. Kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công và bố trị lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ đầu.
Ngoài ra tăng cường thông tin tới chính quyền địa phương, người dân về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, để chủ động ứng phó, chủ động đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch, bảo vệ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo vệ các công trình nhà dân, công sở, công cộng, khu công nghiệp, khu kinh tế…