Áp thấp nhiệt đới đang ở cường độ mạnh

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại nhiều vùng miền trên cả nước sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mưa dự kiến còn kéo dài từ nay cho đến ngày 18/7, gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

Mưa khắp cả nước đến ngày 18/7

Thông tin tại cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới vào sáng nay (15/7), Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hồi 7 giờ sáng nay, áp thấp nhiệt đới đang ở cường độ mạnh cấp 6.

Trong hôm nay, áp thấp nhiệt đới vẫn duy trì cường độ ở cấp 6, sau đó suy yếu dần. Dự kiến khi vào bờ, vùng áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu dưới cấp 6.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng nhận định, theo phân bố trường mây, toàn bộ khu vực Trung Bộ và mở rộng ra Bắc Bộ sẽ có mưa đến ngày 18/7. Lượng mưa dao động từ 50 - 100mm.

Nguy cơ sạt lở đất tại phía Nam Tây Nguyên, vùng núi Trung Bộ và Bắc Bộ, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu…

Trên các sông từ Thanh Hóa - Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông suối nhỏ, các sông thượng lưu ở mức độ báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị.

Nguy cơ thiệt hại lớn

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Phạm Đức Luận lưu ý dù là áp thấp nhiệt đới có cường độ không lớn, tuy nhiên khả năng gây thiệt hại vẫn rất cao, nhất là nguy hiểm cho tàu thuyền trên biển và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Lấy dẫn chứng từ vụ sạt lở đất khiến 11 người thương vong tại Hà Giang, ông Phạm Đức Luận cho rằng, đối với các tuyến đường đã bị sạt lở hoặc còn nguy cơ sạt lở, Bộ GTVT cần nghiên cứu phương án phân luồng, phân tuyến, không để người và phương tiện đi qua.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Hưng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tối qua (14/7), do sóng to gió lớn trên biển, đã có tàu bị chìm; may mắn là ngư dân được ứng cứu kịp thời.

Tính đến 6 giờ 30 sáng nay (15/7), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 40.000 tàu thuyền với gần 200.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện, đang tiếp tục duy trì chế độ trực ban, phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn cho tàu thuyền.

Thông tin từ Cục Thủy sản cho biết, hiện tại ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có 26.578ha và 5.290 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Cũng theo Cục Trồng trọt, tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện có hơn 1,1 triệu héc-ta lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa. Nguy cơ ảnh hưởng ngập úng cây trồng là đáng lo ngại nếu mưa lớn kéo dài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp sáng 15/7.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp sáng 15/7.

Lo nhất là tâm lý chủ quan

Phát biểu tại cuộc họp sáng 15/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhìn nhận, công tác dự báo đang được thực hiện khá tốt. Dự báo ngắn hạn đang ngày càng chính xác. Tuy nhiên, đáng tiếc là thiệt hại về người vẫn tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Dẫn chứng vụ sạt lở đất tại Hà Giang khiến 11 người chết, khi các phương tiện di chuyển vào ban đêm, trong điều kiện mưa lớn, sạt lở đất, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cần nghiên cứu hạn chế đi đường ban đêm khi có thiên tai; nếu không an toàn thì cần kiên quyết cấm đường.

Liên quan đến áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá dù áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu trước khi đổ bộ đất liền, tuy nhiên, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn rất lớn và vấn đề đáng lo ngại nhất là tâm lý chủ quan.

Trong những giờ tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị cần tiếp tục thông báo, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Bình - Quảng Ngãi thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc vào khu neo đậu. Kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại bến; chủ động cấm biển tùy theo diễn biến thực tế tại địa phương.

Tập trung rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân khi có tình huống. Tổ chức kiểm soát giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ sạt lở…

Về an toàn hồ chứa, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đang chỉ đạo cho phép các hồ Hòa Bình, Sơn La tích nước cao hơn một chút, vừa bảo đảm phòng chống lũ vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý cần lưu ý trước khi xả lũ, cần phối hợp thông báo kịp thời đến chính quyền và người dân, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

“Từ nay đến cuối năm 2024, sẽ có một vài trận bão đổ bộ trực tiếp đất liền Việt Nam, thậm chí mang theo hình thái cực đoan. Chúng tôi rất quan ngại về nguy cơ thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là cứ vào năm Giáp Thìn, ngập lụt thường rất khủng khiếp…” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-thap-nhiet-doi-dang-o-cuong-do-manh.html