Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông
Dự báo áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông khoảng ngày 19/7...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 13h ngày 17/7, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,1°N – 126,9°E, trên vùng biển phía Đông Philippines, đang di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Dự báo vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới lúc 14h sáng 17/7 - Ảnh: NCHMF
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đang mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.
Cơ quan khí tượng dự báo trong ngày và đêm nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20km/h, và có khả năng mạnh lên thành bão (cường độ cấp 8, giật cấp 10).
Với dự báo hiện tại, khả năng rạng sáng 19-7, bão sẽ đi vào khu vực bắc Biển Đông. Nếu vào Biển Đông thì đây là cơn bão số 3 trong năm 2025.
Sau khi vào Biển Đông, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo tây tây bắc, hướng về vùng biển phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Cường độ bão có khả năng liên tục mạnh thêm và có thể đạt cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 13.
Cơ quan khí tượng cho biết với dự báo tới thời điểm hiện tại, trong hai ngày cuối tuần này (19 và 20-7), áp thấp nhiệt đới/bão chưa ảnh hưởng đến khu vực ven biển Bắc Bộ.
Người dân có kế hoạch du lịch tại Cát Bà, vịnh Hạ Long, Cô Tô và các đảo khác ở Quảng Ninh và Hải Phòng cuối tuần này hoàn toàn có thể yên tâm vì biển êm, trời đẹp, thời tiết thuận lợi cho hoạt động du lịch - nghỉ dưỡng.
Hôm qua (16-7), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định sau khi vào Biển Đông, bão có thể di chuyển hướng tây tây bắc, hướng về bắc vịnh Bắc Bộ trong những ngày sau đó với xác suất khoảng 50 - 60%.
Với kịch bản di chuyển tây tây bắc và nếu hướng về khu vực đất liền nước ta thì đề phòng nguy cơ xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25-7. Diễn biến mưa bão còn phức tạp và phụ thuộc vào hướng di chuyển.
Do đó các cơ quan chức năng, người dân và lực lượng hoạt động trên biển cần thường xuyên theo dõi các bản tin cập nhật, chủ động các phương án phòng tránh và ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.
Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ap-thap-nhiet-doi-gan-bien-dong-100414.html