Hoàn thiện kế hoạch hành động tổng thể cho sự phát triển chiến lược của ngành đường sắt Việt Nam
Tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc bảo đảm các yếu tố then chốt để ngành đường sắt phát huy hiệu quả như tạo ra hiệu quả cụ thể, duy trì ổn định hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, bảo đảm kết nối liên vùng, đồng thời phát triển các mô hình phát triển sáng tạo mới...

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo số 3 của Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025 - 2030, chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: VGP)
Ngày 17/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo số 3 của Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025 - 2030, chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - An toàn - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho nhiệm kỳ 2025 - 2030; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XII; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, văn kiện Đại hội lần thứ I Đảng bộ Chính phủ; bàu Ban Chấp hành nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I.
XÂY DỰNG TƯ DUY MỚI CHO ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM: HIỆN ĐẠI, XANH VÀ TỰ CƯỜNG
Đại hội sắp tới dự kiến sẽ có chủ đề là “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đoàn kết, kỷ vương; nỗ lực, tự cường; hợp tác hiệu quả; tinh gọn, đột phá; kiến tạo phát triển hiện đại, bền vững”.
Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo chính trị đề xuất các phương hướng chính bao gồm: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ Tổng công ty, tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ; Tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm bứt phá; Chủ động cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng và Đảng ủy cấp trên, phát huy nội lực, tinh thần tự cường, vững bước trong tiến trình hiện đại hóa và hội nhập.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khẳng định tư duy phát triển đường sắt trong thời gian tới phải gắn với yêu cầu phát triển xanh, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời chuyển đổi mô hình quản trị theo hướng hiện đại, tự động hóa và nâng cao năng lực thi công xây dựng.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP)
Các định hướng lớn của Tổng công ty bao gồm nghiên cứu các dự án cầu cạn tại miền Trung, ứng dụng công nghệ mới trong thi công hạ tầng, phát huy lợi thế vận tải khối lượng lớn, an toàn, thân thiện với môi trường.
“Tổng công ty xác định nhiệm kỳ tới là nhiệm kỳ có tính lịch sử, là bước ngoặt quan trọng với các thay đổi lớn về tư duy, mô hình phát triển, cơ cấu tổ chức và định hướng đầu tư”, ông Mạnh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp, phân vai giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong vận hành hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, cảng hàng không, đảm bảo khai thác hiệu quả tiềm năng chung, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái vận tải đa phương thức gắn với phát triển thương mại và đô thị.
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC VÀ TẠO GIÁ TRỊ DÀI HẠN CHO NGÀNH ĐƯỜNG SẮT
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá đặc thù của Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là có nhiều Đảng bộ, chi bộ hoạt động ở các địa bàn khác nhau trải dài trên địa bàn cả nước. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Tổng công ty đã triển khai và thực hiện tốt công tác tổ chức Đại hội ở các cấp cơ sở. Công tác chuẩn bị văn kiện đã bám sát chỉ đạo của Trung ương. Công tác nhân sự đã hoàn tất.
Theo Phó Thủ tướng, đối với một Đảng bộ trong doanh nghiệp, việc xây dựng Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Công tác cán bộ, nhân sự phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, vì con người là điểm khởi đầu cho mọi thành công. Công tác chính trị, tư tưởng, đoàn kết là cốt lõi, là nền tảng dẫn dắt.
Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng ngày, thường xuyên, xuyên suốt của một Đảng bộ doanh nghiệp chính là phải tính toán đến sự phát triển, điều hành doanh nghiệp hiệu quả, tạo ra tăng trưởng, phát triển và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Các đại biểu tại cuộc làm việc cho ý kiến về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. (Ảnh: VGP)
Đồng thời, cần phải tính đến hiệu quả, lợi nhuận trên mỗi đồng tài sản, đồng vốn mà Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Từ nguồn lực công, phải tạo ra hiệu quả cụ thể để duy trì ngành đường sắt, thực hiện yêu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, bảo đảm kết nối và giảm chi phí vận tải.
“Từ nhiệm vụ chính trị, phải tạo ra lợi nhuận, sản lượng, giá trị tăng trưởng cụ thể cho toàn ngành, đóng góp trực tiếp vào phát triển đất nước, vào hiệu quả xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong quá trình xây dựng văn kiện, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra tư duy dẫn dắt mới cho sự phát triển ngành đường sắt, đặt trọng tâm vào các vấn đề như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, quản trị hiệu quả, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò chủ lực, tiên phong, có khả năng cạnh tranh và thích ứng trong bối cảnh mới. Những nội dung doanh nghiệp không làm được thì phải kiến nghị Đảng, Nhà nước hỗ trợ hoặc thể chế hóa qua các nghị quyết, luật pháp như Luật Đường sắt, hoặc luật riêng cho kinh tế đường sắt, đường sắt tốc độ cao, công nghiệp đường sắt, công nghiệp cơ khí chế tạo…
“Văn kiện phải là sản phẩm trí tuệ, xác lập rõ các mục tiêu phát triển, bước đi chiến lược và đột phá cần thiết để ngành đường sắt Việt Nam đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế và xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nêu gợi mở định hướng phát triển mới cho ngành đường sắt về công nghiệp đường sắt, đào tạo nhân lực; du lịch, lưu trú, trải nghiệm văn hóa - ẩm thực vùng miền, quảng bá thương hiệu quốc gia… gắn với mô hình “một con tàu, bốn điểm đến”, tạo ra giá trị mới cho ngành đường sắt.