Áp thấp nhiệt đới mới hướng vào Biển Đông, khả năng mạnh lên thành bão
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão Atsani (bão số 11) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Hồi 16 giờ ngày 7-11, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 22,7 độ vĩ bắc; 118,9 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía tây nam đảo Đài Loan (Trung Quốc). Dự báo trong 12 giờ sau đó, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 8-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 21,0 độ vĩ bắc; 117,3 độ kinh đông, cách đảo Đài Loan khoảng 350 km về phía tây nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão Atsani (bão số 11) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Hồi 16 giờ ngày 7-11, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 22,7 độ vĩ bắc; 118,9 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía tây nam đảo Đài Loan (Trung Quốc). Dự báo trong 12 giờ sau đó, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 8-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 21,0 độ vĩ bắc; 117,3 độ kinh đông, cách đảo Đài Loan khoảng 350 km về phía tây nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Chiều 7-11, ở vùng biển phía đông miền trung Phi-li-pin xuất hiện ATNĐ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tiếp đó, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và đi vào Biển Đông. Đến 19 giờ hôm nay 8-11, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 12,5 độ vĩ bắc, 119,2 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 550 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Vùng nguy hiểm do ATNĐ trên Biển Đông trong 24 giờ tiếp đó: từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 118,5 đến 120,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 25 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 160 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Sáng nay 8-11, mực nước trên các sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống mức 6,5 m, ở mức báo động (BĐ)1; Thu Bồn tại Câu Lâu xuống mức 2,3 m, trên BĐ1 0,3 m. Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, đặc biệt tại các huyện: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn. Tình trạng ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, các khu đô thị vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt tại các huyện: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, TP Hội An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, sạt lở đất: Cấp 1.
Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 7-11, chỉ số tia cực tím (UV) cao nhất phổ biến trên cả nước đều ở mức cao, riêng TP Huế (Thừa Thiên Huế) ở mức trung bình. Chỉ số này ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) và TP Cần Thơ ở mức rất cao và có hại nhất vào khung giờ 11 đến 13 giờ. Trong ba ngày tới (từ ngày 8 đến 10-11), chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng tại các thành phố hầu hết đều có nguy cơ gây hại cao. Tại các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long, Huế, Nha Trang ngày 9-11; TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang ngày 10-11, tia cực tím có nguy cơ gây hại trung bình và TP Cần Thơ ngày 9-11 có nguy cơ gây hại rất cao.
Ngày 7-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai ban hành Văn bản số 495/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Theo đó, đề nghị các địa phương theo dõi, cập nhật diễn biến ATNĐ; thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền…
Sáng 7-11, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, người dân và lực lượng chức năng huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Tuân (SN 1960, ở xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn) bị nước lũ cuốn trôi mất tích trong lúc cứu người vào chiều 6-11 tại cống Câu, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn. Cũng trong sáng 7-11, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đến thăm hỏi, trao năm triệu đồng hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Lành, ở thôn An Kim, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, có nhà bị sập vào đêm 6-11 làm bốn người bị thương.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 6-11, tàu hàng Thành Trung 08 gồm tám thuyền viên đang trên đường chở 5.300 tấn Clanh-ke từ cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh), dự kiến cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi tàu di chuyển cách bờ biển cảng Kỳ Hà khoảng 1,5 hải lý thì bị phá nước, dẫn đến tàu chìm. Nhận được tin báo, Cảng vụ hàng hải Quảng Nam đã huy động lực lượng cùng với đó liên hệ năm tàu cá khác đang di chuyển gần khu vực tàu bị nạn tìm kiếm, cứu vớt thuyền viên. Hiện, các lực lượng tìm kiếm đã cứu được bảy thuyền viên, một thuyền viên còn mất tích. Hiện, sức khỏe bảy thuyền viên đã ổn định.
Trưa 6-11, tàu QNa 90269 TS đang khai thác hải sản ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi thì một thuyền viên trên tàu bất ngờ bị tai biến, liệt nửa người bên phải và hôn mê. Nhận được tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam điều động tàu SAR 412 đang ứng trực tại Quy Nhơn lên đường cứu nạn. Sau nhiều giờ di chuyển trong điều kiện biển động, lực lượng chức năng tiếp cận được tàu QNa 90269 TS. Sáng 7-11, thuyền viên được đưa về đến Đà Nẵng an toàn và chuyển vào điều trị tại bệnh viện địa phương.
Tiếp tục các hoạt động hỗ trợ người dân vùng lũ
Ngày 7-11, UBND xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, trên địa bàn xảy ra vụ việc ba người phụ nữ đi nhận hàng cứu trợ về, khi qua cầu Nguồn Rào (thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn) thì bị nước lũ cuốn trôi. Ngay khi xảy ra sự việc, rất may một số người dân địa phương đã kịp thời ứng cứu và đưa được ba người này lên bờ an toàn.
Chiều 7-11, UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn huyện có mưa lớn, mực nước sông Leng dâng cao gây sạt lở, hư hại và cuốn trôi 14 nhà ở tại khu vực thôn 2, xã Trà Leng. Trước đó, UBND xã Trà Leng đã kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Hiện UBND huyện đã cử lực lượng đến thôn 2, xã Trà Leng để kiểm tra tình hình sạt lở đất, thống kê thiệt hại tại khu vực này.
Ngày 7-11, đoàn công tác Sư đoàn Không quân 372 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã vận chuyển hàng cứu trợ bằng đường bộ từ TP Đà Nẵng lên huyện vùng núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để hỗ trợ nhân dân các xã bị cô lập do bão lũ, sạt lở đất. Hàng hóa cứu trợ gồm tám tấn gạo, 520 tấm chăn màn, 64 thùng mì ăn liền, quần áo ấm cùng các nhu yếu phẩm khác.
Tỉnh Long An quyết định xuất năm tỷ đồng hỗ trợ nhân dân năm tỉnh gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, khôi phục cuộc sống sau bão, lũ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 10 tấn gạo cho mỗi địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tiếp nhận nguồn đóng góp từ các địa phương trong tỉnh hơn ba tỷ đồng và đang tiếp tục kêu gọi công đoàn viên đóng góp hơn hai tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền trung.
Tỉnh Thái Bình quyết định chuyển về Quỹ Cứu trợ trung ương (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) số tiền ủng hộ của tỉnh Thái Bình là 1,5 tỷ đồng và hàng hóa trị giá hơn 800 triệu đồng hỗ trợ đồng bào tỉnh Quảng Bình. Hàng hóa hỗ trợ gồm: 10,88 tấn gạo, 3.177 thùng mì ăn liền, 405 thùng nước lọc, 156 thùng sữa và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm,…
Ngày 7-11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức trao tặng 250 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân thị xã Sông Cầu, Phú Yên bị ảnh hưởng nặng trong bão số 9 vừa qua. Trong đó, các xã Xuân Lộc 100 người, Xuân Cảnh 70 người, Xuân Hải 80 người được nhận hỗ trợ thẻ BHYT. Đối tượng được tặng thẻ BHYT là những người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình tại các địa phương này (nhưng chưa tham gia).
Phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, khôi phục sản xuất
Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài suốt thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hơn 30.400 con trâu, bò; hơn 100 nghìn con lợn và 2,1 triệu con gia cầm bị chết và lũ cuốn trôi. Sau mưa lũ, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất lớn, ngành thú y tỉnh Quảng Bình đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân các biện pháp khử trùng, tiêu độc môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn của Bến Tre bị giảm gần 40%. Ngành chăn nuôi của tỉnh đã triển khai kế hoạch tái đàn, đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn và phân công cán bộ quản lý, hướng dẫn tái đàn, tập trung kiểm soát về an toàn dịch bệnh cho từng địa phương.
Tỉnh Trà Vinh đã có hàng chục nghìn hộ nông dân chăn nuôi gia cầm, với hơn 7,9 triệu con, đạt 106% so kế hoạch phát triển đàn gia cầm năm 2020 của tỉnh. Sau dịch tả lợn châu Phi, giá lợn giống, thức ăn đều tăng cao trong thời gian dài, nên rất nhiều hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh không còn đủ nguồn vốn để tái đàn. Để tháo gỡ khó khăn, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động, khuyến khích hộ nông dân tận dụng chuồng trại chuyển sang nuôi gia cầm.
Từ đầu tháng 9 đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã xuất hiện ba ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Yên Đồng, Yên Thịnh (huyện Yên Mô) và xã Yên Sơn (TP Tam Điệp) với số lượng gia cầm buộc phải tiêu hủy gần 6.000 con. Hiện, mới có ổ dịch tại xã Yên Đồng đã qua 21 ngày. Ngành nông nghiệp tỉnh đã cấp tạm ứng hai triệu liều vắc-xin, 370 tấn vôi bột và 10.000 lít hóa chất Bencocit để cung ứng kịp thời cho các địa phương vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.