Áp thuế 20% lãi mua bán bất động sản: Cần lộ trình để thị trường không đóng băng

Chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc áp thuế 20% trên lãi mua bán bất động sản là cách tiếp cận đúng, nhưng cần lộ trình để thị trường không quá 'sốc'.

Đừng để bán tống bán tháo

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho rằng việc đánh thuế là hợp lý, là xu hướng phải thực hiện để chống đầu cơ, bảo vệ người mua nhà ở thật.

"Tính thuế trên lợi nhuận là hợp lý. 20% lợi nhuận tôi nghĩ không phải là quá cao, các nước cũng áp dụng. Mức này không gây thiệt hại cho người bán nhà đất, bởi họ có lời mới bán. Thuế tiêu dùng bị đánh cao mới không phù hợp, còn với bất động sản mua đi bán lại đóng trên mức lời thì là đương nhiên.

Điều cần thiết là có cơ sở dữ liệu để xác định đúng giá trị nhà đất với giá mua/bán trên thị trường để tính thuế đúng và đủ. Tất cả đều minh bạch thì chúng ta không lo chuyện tính thuế cao hay thấp", ông Hải nói.

Chuyên gia cho rằng việc áp thuế 20% trên lãi mua bán bất động sản là cách tiếp cận đúng nhưng cần lộ trình để thị trường không đóng băng. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia cho rằng việc áp thuế 20% trên lãi mua bán bất động sản là cách tiếp cận đúng nhưng cần lộ trình để thị trường không đóng băng. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hòa Bình Group cho rằng không nên để tồn tại nạn đầu cơ nhà đất như hiện nay, quá lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, chính sách cần được áp dụng vào thời điểm phù hợp và theo lộ trình điều chỉnh dần, để thị trường có thời gian thích nghi, tránh tạo cú sốc ảnh hưởng đến toàn ngành kinh tế.

Ông Hải nhấn mạnh, mọi quy định chung cần có độ trễ và bước điều chỉnh hợp lý, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi.

"Tình hình bất động sản đang còn khó khăn, chính sách nên được áp dụng dần. Thị trường đang "lạnh" mà mình dội gáo nước quá "nóng" thì dễ gây sốc. Nếu thực hiện đánh thuế theo các đề xuất thì tôi thấy cần cân nhắc thời điểm cho hợp lý, thận trọng đưa ra lúc này. Chống đầu cơ nhưng cũng đừng để người đầu cơ bán đổ bán tháo, dễ gây sụp đổ thị trường", ông Hải nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUB), cho rằng, dự thảo của Bộ Tài chính rất hợp lý để chống đầu cơ, các nước tiên tiến đã áp dụng và Việt Nam cũng phải làm. Ông nhấn mạnh mình ủng hộ nhưng việc này sẽ phù hợp trong tương lai, cần chọn thời điểm để áp dụng.

Còn với hiện tại theo ông là chưa nên. Vì bất động sản chưa hồi phục, lại là đầu tàu kéo nền kinh tế đi lên nên phải ưu tiên phát triển và tạo điều kiện cho thị trường hồi phục trước.

Nên đánh thuế cao với hành vi găm giữ bất động sản

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, một thị trường bất động sản lành mạnh không phụ thuộc vào mức thuế cao hay thấp, mà cần đảm bảo thanh khoản, minh bạch và công bằng cho cả nhà đầu tư và người dân. Muốn vậy, Nhà nước cần tạo cơ chế thúc đẩy nguồn cung, đồng thời áp thuế cao với chủ đầu tư găm giữ quỹ đất không triển khai dự án. Ngân hàng cũng phải định giá tài sản sát thực tế để đảm bảo dòng tín dụng đến đúng đối tượng cả nhà đầu tư và người mua.

Ông Đinh Minh Tuấn, đại diện Tập đoàn Property Guru, nhận định việc đánh thuế bất động sản cao với các giao dịch "lướt sóng" là phù hợp, góp phần xây dựng thị trường ổn định, dài hạn, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực và tăng thu ngân sách.

Người Việt rất thích đầu tư vào bất động sản, nhưng thời gian nắm giữ lại ngắn, có xu hướng “bán khi được giá”.

Người Việt rất thích đầu tư vào bất động sản, nhưng thời gian nắm giữ lại ngắn, có xu hướng “bán khi được giá”.

Thực tế cho thấy, người mua bất động sản thích bất động sản nhưng không thích nắm giữ lâu. Một khảo sát gần đây thực hiện với hơn 1.000 người có nhu cầu tìm kiếm bất động sản cho thấy 59% mua với mục đích đầu tư thay vì để ở. Đáng chú ý, khoảng 39% người đang sở hữu bất động sản cho biết họ có ý định bán trong vòng 1 năm tới.

Thực tế này phản ánh 2 xu hướng rõ nét: Người Việt rất thích đầu tư vào bất động sản, nhưng thời gian nắm giữ ngắn, thường “bán khi được giá” và linh hoạt dịch chuyển dòng vốn sang các tài sản khác có lợi hơn.

Ông Đinh Minh Tuấn cho rằng việc đề xuất mức thuế theo thời gian nắm giữ cao từ 2-5 lần thay vì áp dụng mức thuế cố định 2% như hiện nay nhằm hạn chế đầu cơ, lướt sóng. Tuy nhiên, nhóm "lướt sóng" lại đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cầu, nên chính sách cần cân nhắc để tránh tác động tiêu cực đến thị trường vốn đang phục hồi chậm.

Chuyên gia này tính toán phân khúc đất nền và căn hộ chung cư, nhất là chung cư cao cấp, sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, do đây là loại hình đầu tư ưa thích và được lựa chọn phổ biến của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Song các nhà đầu tư này thường lướt sóng trong vòng 6-18 tháng để tối đa hóa lợi nhuận. Với mức thuế 10% cho thời gian nắm giữ dưới 2 năm, biên lợi nhuận sẽ bị bào mòn đáng kể, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư. Điều này kéo theo nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị loại khỏi cuộc chơi, thanh khoản thị trường sụt giảm.

"Những nhà đầu tư đất nền, căn hộ trong đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bán tài sản vì tâm lý lo ngại đề xuất được áp dụng, họ muốn giao dịch trước thời điểm chính sách mới có hiệu lực thi hành. Giá sản phẩm này có thể giảm và thị trường sẽ rơi vào trạng thái tắc nghẽn thanh khoản, bởi các nhà đầu tư mới cũng trong tâm lý nghe ngóng.

Trong bối cảnh thị trường vẫn đang phục hồi chậm, việc tăng thuế là một cú 'phanh gấp', chưa đúng thời điểm. Thị trường thứ cấp sẽ đóng băng trước khi phục hồi, tác động dây chuyền đến các ngành liên quan cũng chưa kịp phục hồi như xây dựng, vật liệu xây dựng", ông Tuấn e ngại.

Ông Tuấn cho rằng nên áp dụng thuế chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ khi thị trường đã ổn định, cân bằng hơn và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu để xác định được giá bán.

Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ và Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng bất động sản của cá nhân bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.

Thu nhập tính thuế này được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp không xác định giá mua và các chi phí liên quan, thuế thu nhập cá nhân được tính bằng giá bán nhân với thuế suất. Mức thuế suất trong trường hợp này sẽ theo thời gian sở hữu với mức tối đa 10%.

Cụ thể, mức thuế 10% đối với bất động sản có thời gian nắm giữ dưới 2 năm. Mức thuế 6% đối với bất động sản có thời gian nắm giữ từ 2 năm đến dưới 5 năm.

Mức thuế 4% đối với bất động sản có thời gian nắm giữ từ 5 năm đến dưới 10 năm. Đối với bất động sản có thời gian nắm giữ từ 10 năm trở lên và bất động sản có nguồn gốc từ nhận thừa kế, mức thuế là 2%.

Đối với bất động sản có nguồn gốc từ nhận thừa kế không tính theo thời gian nắm giữ, mà việc chuyển nhượng sẽ áp dụng theo thuế suất 2% (như hiện hành).

Hà Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ap-thue-20-lai-mua-ban-bat-dong-san-can-lo-trinh-de-thi-truong-khong-dong-bang-ar956015.html