Áp thuế cao đối với mía đường Thái Lan, mía đường trong nước hưởng lợi thế nào?
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống bán trợ cấp cao đối với mía đường Thái Lan sẽ mang lại tín hiệu tích cực đối với ngành mía đường trong nước, mang lại sự cạnh tranh sòng phẳng cho ngành mía đường Việt Nam.
Mới đây, Bô Công Thương đã chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống bán trợ cấp lên tới 47,64% đối với mía đường nhập khẩu từ Thái Lan.
Bộ Công Thương đánh giá, việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống bán trợ cấp cao đối với mía đường Thái Lan sẽ mang lại tín hiệu tích cực đối với ngành mía đường trong nước, mang lại sự cạnh tranh sòng phẳng cho ngành mía đường Việt Nam.
Việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống bán trợ cấp cao đối với mía đường Thái Lan sẽ mang lại tín hiệu tích cực đối với ngành mía đường trong nước, mang lại sự cạnh tranh sòng phẳng cho ngành mía đường Việt Nam.
Nhằm làm rõ việc áp thuế chống bán phá giá mía đường nhập khẩu từ Thái Lan đã mang lại tín hiệu tích cực như thế nào cho ngành mía đường Việt Nam, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương.
Ông Lê Triệu Dũng khẳng định: Việc Bộ Công Thương áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống bán trợ cấp lên tới 47,64% đối với mía đường nhập khẩu từ Thái Lan, là điều cần thiết để bảo vệ ngành mía đường trong nước.
Ông Dũng phân tích: Trong một thời gian dài, mía đường Thái Lan đã bán phá giá tại thị trường Việt Nam, khiến ngành mía đường trong nước gần như kiệt quệ. Người nông dân không thu lời được từ việc trồng trọt mía đường, các doanh nghiệp sản xuất mía đường thì thua lỗ.
“Cũng vì mía đường nhập Thái rẻ hơn mía đường trong nước, nên trong vài năm qua, giá trị nhập khẩu mía đường tăng rất mạnh và có tính đột biến. Ngay trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,3 triệu tấn mía đường Thái Lan, tăng 330,4% so với năm 2019”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, kể từ khi Bộ Công Thương công bố bản điều tra sơ bộ vào tháng 2/2021, và ban hành chống bán phá giá, chống bán trợ cấp tạm thời đối với mía đường nhập khẩu từ Thái Lan, ngành mía đường trong nước đã dần được “cởi trói”.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết: Kể từ thời điểm ban hành chống bán phá giá tạm thời, cho tới nay, kim ngạch nhập khẩu mía đường Thái Lan đã giảm mạnh.
“Lượng nhập khẩu mía đường Thái Lan từ tháng 3/2021, cho tới nay đã giảm bình quân từ 110.000 tấn, xuống còn 28.000 tấn. Từ đó, giá mía đường trong nước được mua tại vựa, cũng tăng khoảng 20% lên ngưỡng 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Người nông dân trồng mía được hưởng lợi rất nhiều từ hành động này”, ông Dũng khẳng định.
Trước những tín hiệu tích cực từ ngành mía đường trong nước, ông Dũng cho biết: Tại một số địa phương có thế mạnh trồng mía, người nông dân đang có dự tính mở rộng sản xuất mía trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Quá trình điều tra đã được Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%.
Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận,...
Sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung-cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%.
Quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp này có thời hạn 05 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật.