Áp thuế chống trợ cấp với tôm xuất khẩu từ Việt Nam - một quyết định không hợp lý
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố phán quyết cuối cùng trong điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ nước ta và một số quốc gia khác. Nhưng có thể thấy, việc đổ lỗi cho tôm nuôi nhập khẩu từ nước ta và một số quốc gia khác làm giảm sức cạnh tranh của người nuôi tôm Mỹ là thiếu logic và thiếu cơ sở khoa học.
Bộ Thương mại Mỹ vừa chính thức công bố phán quyết cuối trong điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ nước ta. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ khẳng định các nhà sản xuất, chế biến một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam có nhận được sự trợ cấp từ phía Chính phủ nên quyết định áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ nước ta. Mức thuế mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trong phán quyết cuối cùng nhìn chung đã giảm hơn so với mức được đưa ra trong phán quyết sơ bộ hồi cuối tháng 5/2013.
Theo phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ, với 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Minh Quý bị áp mức thuế 7,88%, tăng so với mức 5,08% trong phán quyết sơ bộ; mức thuế dành cho sản phẩm của Công ty Nha Trang Seafoods giảm xuống còn 1,15% so với mức 7,05% trong phán quyết sơ bộ. Mức thuế chung cho tất cả các công ty khác của Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 6,07% xuống còn 4,52%. Mức thuế này sẽ được chính thức thực hiện từ ngày phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ được đăng Công báo Liên bang. Bộ Thương mại Mỹ cũng đã chính thức ra lệnh cho Tổng cục Hải quan và Bảo vệ biên giới của nước này tiến hành thu khoản tiền ký quỹ, tương ứng với mức thuế suất chống trợ cấp từ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ kể từ sau ngày 4/6/2013.
Hiện nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ cũng song song tiến hành điều tra về vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nhập khẩu từ nước ta và 6 quốc gia khác. Nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế kết luận trợ cấp của Chính phủ Việt Nam không gây thiệt hại về vật chất hoặc đe dọa thiệt hại về vật chất cho các doanh nghiệp Mỹ, vụ kiện sẽ được chấm dứt hoàn toàn và toàn bộ các khoản tiền ký quỹ đã thu hoặc dự định sẽ phải thu của doanh nghiệp nước ta sẽ được hoàn trả hoặc bãi bỏ. Nhưng nếu Ủy ban này quyết định ngược lại, dự kiến ngày 3/10 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra lệnh về thuế chống trợ cấp.
Như vậy, vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nhập khẩu vào Mỹ chưa kết thúc. Song ngay từ khởi nguồn của vụ kiện này là do Liên minh công nghiệp tôm vùng vịnh của Mỹ có đơn kiện tôm nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia khác gây tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc Liên minh này đã cho thấy sự không hợp lý. Bởi ngành khai thác tôm của Mỹ hiện đáp ứng cho khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này, 90% nhu cầu tôm của người Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong đó có hàng nhập khẩu từ nước ta.
Ngoài ra, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam và chính các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ cũng khẳng định việc Liên minh công nghiệp tôm vùng vịnh đổ lỗi cho tôm nuôi nhập khẩu từ nước ta và một số quốc gia khác làm giảm sức cạnh tranh của họ là thiếu cơ sở khoa học. Bởi lẽ, tôm nuôi ở Việt Nam và tôm khai thác ở Mỹ là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau, với điều kiện sản xuất khác nhau, chất lượng và đối tượng tiêu dùng khác nhau. Do đó, không cần và không thể cạnh tranh với nhau trên thị trường, cũng như không thể trở thành đối tượng kiện nhau. Giá thành tôm xuất khẩu ở nước ta thấp là do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ hơn tại Mỹ. Mặt khác, quyết định áp thuế chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ nước ta cũng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ giảm cơ hội được sử dụng các sản phẩm khác từ tôm, với giá bán hợp lý hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế đang còn khó khăn thì cơ hội tiêu dùng này giảm đi cũng có nghĩa người dân Mỹ sẽ phải căn cơ hơn trong chi tiêu.
Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ đợi, nhưng một điều dễ thấy là quyết định này sẽ ảnh hưởng đến đông đảo người nuôi tôm ở nước xuất khẩu, cũng như chính dân Mỹ. Cơ quan chức năng phải xem xét cẩn trọng để đưa ra kết luận chính xác, hợp tình, thuyết phục được các đối tượng bị ảnh hưởng bởi quyết định này.