Áp thuế thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc từ 15,67% đến 37,13%

Thuế chống bán phá giá tạm thời của Việt Nam đối với thép mạ cao nhất 37,13% được áp dụng cho sản phẩm từ Trung Quốc, trong khi thép Hàn Quốc tối đa 15,67%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 1/4, Bộ Công Thương Việt Nam chính thức công bố quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sản phẩm thép mạ bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời được phân loại theo các mã HS 7210.41.11, 7210.41.12, 7210.41.19, 7210.49.11, 7210.49.14, 7210.49.15, 7210.49.16, 7210.49.17, 7210.49.18, 7210.49.19, 7210.50.00, 7210.61.11, 7210.61.12, 7210.61.19, 7210.69.11, 7210.69.19, 7210.90.10, 7210.90.90, 7212.30.11, 7212.30.12, 7212.30.13, 7212.30.14, 7212.30.19, 7212.50.14, 7215.50.19, 7212.50.23, 7212.50.24, 7212.50.29, 7212.50.93, 7212.50.94, 7212.50.99, 7212.60.11, 7212.60.12, 7212.60.19, 7225.92.20, 7225.92.90, 7226.99.11, 7226.99.91.

Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời để phù hợp với mô tả hàng hóa bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).

Đáng chú ý, với các doanh nghiệp thép Trung Quốc, Baosteel Zhanjiang Iron & Steel Co., Ltd. cùng các công ty liên quan phải chịu mức thuế 37,13%. Còn với doanh nghiệp thép Hàn Quốc, Hyundai Steel Company bị áp mức thuế 13,7%, và các nhà sản xuất, xuất khẩu khác từ Hàn Quốc phải chịu mức thuế 15,67%.

Mặt khác, một số công ty vẫn được hưởng mức thuế 0%. Tại Trung Quốc, Boxing Hengrui New Material Co., Ltd. và Yieh Phui (China) Technomaterial Co., Ltd. là hai công ty được mức thuế 0%. Với các sản phẩm từ Hàn Quốc, POSCO, KG Dongbu Steel và Dongkuk Coated Metal được hưởng mức thuế 0%.

Đây là quyết định áp thuế chống bán phá giá thứ 2 với các mặt hàng thép, tính từ đầu năm nay. Trước đó, ngày 21/2, nhà điều hành cũng áp thuế này với thép cuộn cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc, dựa trên đơn khởi kiện của Tập đoàn Hòa Phát và Formosa.

Giới phân tích cho rằng Tập đoàn Hoa Sen sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất khi các sản phẩm tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế chống bán phá giá. Tập đoàn này hiện có thị phần số 1 trong mảng tôn mạ, chiếm khoảng 27,6%, theo số liệu cập nhật tháng 2 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Tương tự, các nhà sản xuất thép mạ khác như Nam Kim và Tôn Đông Á cũng hưởng lợi khi áp lực cạnh tranh nội địa giảm bớt, giá bán được hỗ trợ.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ap-thue-thep-ma-trung-quoc-va-han-quoc-tu-1567-den-3713-97579.html