Ðáp ứng vốn phát triển sản xuất, kinh doanh
Những năm qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm huy động vốn cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Mở rộng mạng lưới gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ
Ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai khẳng định: Thời gian qua, hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn bám sát chủ trương, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các ngân hàng chủ động tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp, các dự án để có giải pháp cấp tín dụng phù hợp. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành ngân hàng Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp để hiện đại hóa hệ thống, phát triển các tiện ích mới nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, hoạt động tín dụng trong hệ thống ngân hàng luôn ổn định và tăng trưởng khá, nợ xấu được kiểm soát, chất lượng tín dụng được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 16 chi nhánh ngân hàng thương mại (tăng 3 chi nhánh so với năm 2018), 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 2 quỹ tín dụng nhân dân, với 97 điểm giao dịch trực tiếp (chi nhánh, phòng giao dịch) bố trí khắp các huyện, thành phố. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại, có 98 máy ATM và 810 thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS).
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn không ngừng mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu về vốn. Ông Phạm Việt Phương, Giám đốc HDBank Chi nhánh Lào Cai cho biết: HDBank Chi nhánh Lào Cai thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013 với 1 phòng giao dịch tại hội sở (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai), đến nay đơn vị đã xây dựng được hệ thống với 3 phòng giao dịch, đáp ứng tiêu chuẩn ngân hàng hiện đại, cung cấp đầy đủ các tiện tích cho khách hàng như dịch vụ tiền gửi, tiết kiệm; cho vay sản xuất, kinh doanh cho vay tiêu dùng, cho vay du học; dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trong và ngoài nước... HDBank Chi nhánh Lào Cai định hướng kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, đồng thời tập trung vào mảng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, phấn đấu hết năm 2019 đạt dư nợ khoảng 900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn giữ ở mức dưới 1%.
Đáp ứng nhu cầu vốn vay
Theo đánh giá của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh ổn định với tổng nguồn vốn huy động đạt 50.090 tỷ đồng, tăng 1.825 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2018. Trong đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 23.319 tỷ đồng, tăng 1.253 tỷ đồng; huy động ngoài địa bàn và nguồn vốn khác đạt 26.771 tỷ đồng, tăng 572 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư cho vay đối với các thành phần kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tổng dư nợ đến hết tháng 6/2019 đạt 47.505 tỷ đồng, tăng1.694 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2018. Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng thương mại là 2,08%.
Dòng vốn tín dụng của các ngân hàng tập trung đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho vay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ doanh nghiệp, xóa đói, giảm nghèo... Tính đến nay, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 13.100 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng hơn 8.030 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách hơn 2.800 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp gần 26.100 tỷ đồng (hiện 831 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng); cho vay theo chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch gần 46,82 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất có 6.019 khách hàng vay, còn dư nợ 306 tỷ đồng...
Ông Đinh Công Đình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Công cho biết: Trước đây, công ty tập trung vào sản xuất gạch tuynel và thùng, dụng cụ chứa đựng bằng kim loại. Ðể mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương, năm 2018, công ty đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng trạm trộn bê tông tươi với công suất 60 m3/giờ. Việc duy trì sản xuất gạch tuynel cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh của công ty như hiện nay là nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh - Trương Thanh Xuân, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư tín dụng, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tăng cường chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất huy động và cho vay. Tập trung đầu tư tín dụng đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, xuất - nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn giải quyết khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; chú trọng thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, tăng cường thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ thu thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định 923 ngày 9/5/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...