APEC 2006: Xử lý không khéo, một lá phiếu bỏ đi là mình cũng khó khăn
Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Lê Công Phụng chia sẻ những câu chuyện phức tạp, nhạy cảm đằng sau việc tổ chức thành công hội nghị APEC 2006.
Chúng tôi đến gặp nguyên thứ trưởng Lê Công Phụng trong một buổi trưa Hà Nội đầu đông chớm lạnh khi buổi họp báo về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 còn chưa kết thúc. Sau vài lượt thư từ, điện thoại qua lại, ông đồng ý tiếp chúng tôi tại nhà riêng dù dặn trước "không thể nói nhiều vì thời gian gấp gáp quá, cháu thông cảm".
Ông mời chúng tôi uống trà và như thế, cuộc trò chuyện của chúng tôi với người từng là thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, và đồng thời là một trong những người góp phần quan trọng vào thành công của Năm APEC 2006 (trưởng SOM APEC 2006). Những câu chuyện cách đây hơn 10 năm, dù có những điều chúng tôi từng nghe, qua lời kể của ông lại trở nên thấu suốt một cách kỳ lạ.
- Theo tôi, “bài học” từ vai trò chủ tịch SOM (hội nghị quan chức cao cấp, viết tắt của "senior officials' meeting" - PV) có lẽ không đáng nói lắm. Chủ tịch SOM thì trách nhiệm rất nặng nề, nhiều việc, rất vất vả trong quá trình hoạt động, cũng như điều phối, điều hành Năm APEC 2006. Dù vậy, "bài học” từ vai trò này không đáng kể lắm đâu, mà “bài học” lớn nhất để đánh giá là từ vai trò chủ nhà của Việt Nam năm 2006, đặc biệt là tuần lễ cấp cao và những hoạt động bên cạnh.
Có thể nói, Năm APEC và tuần lễ cấp cao là hoạt động đối ngoại lớn nhất của chúng ta từ trước đến năm 2006. Chúng ta chưa từng tổ chức một hội nghị lớn như vậy. Tôi từng tham gia một số hội nghị cấp cao như của ASEAN, rồi Francophonie (Cộng đồng Pháp ngữ - PV), nhưng chỉ là ở một thời điểm và số người tham gia không quá lớn. APEC chúng ta làm cả năm, hơn 100 cuộc họp, quan chức cấp cao là hơn 1.000 người tham dự. Vì vậy vai trò nước chủ nhà là rất quan trọng.
Hội nghị năm 2006 của chúng ta đã thành công tốt đẹp trên cả 3 mặt nội dung, lễ tân và cách thức tổ chức; thành công cả trên bình diện đa phương là trong APEC, và song phương là 5 nước có 5 nguyên thủ mà chúng ta mời. Vai trò chủ nhà của chúng ta trong suốt năm 2006 được các lãnh đạo APEC và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Họ khâm phục trình độ của chúng ta trong tổ chức, xử lý, điều hành, dù đây là lần đầu tiên chúng ta làm. Họ cũng đánh giá rất cao sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội Việt Nam và ấn tượng với cách thức tổ chức, bản sắc văn hóa và tính nhân văn của Việt Nam. Đó là bài học lớn, chúng ta đã làm được như vậy, để thế giới công nhận mình, khen mình, và đáp ứng được sự tin tưởng của họ trước khi họ giao cho chúng ta vai trò chủ tịch.- Sự thành công đó liệu đã tác động như thế nào đến công tác đối ngoại và hình ảnh quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn sau?
- Sau Năm APEC 2006, có một sự kiện là chúng ta gia nhập WTO, trở thành thành viên thứ 150. Dịp đó, tất cả các nước châu Á cũng nhất trí đề nghị Việt Nam làm đại diện cho khu vực để ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Điều này không phải dễ và cũng do tác động phần nào của việc chúng ta tổ chức thành công hội nghị APEC, giúp chúng ta nâng cao uy tín, vị thế và tiếng nói trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bạn bè quốc tế đều nói rằng năm 2006 là “Năm Việt Nam”. Chúng ta chưa bao giờ tổ chức to như thế và thành công lớn như thế. Từ thành công lớn đó, chúng ta có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm cho các hoạt động đối ngoại sau này và ứng dụng phần nào với APEC 2017.
- Theo tôi thì bài học rút ra đầu tiên, là chúng ta đã chuẩn bị hết sức chu đáo, tỉ mỉ, toàn diện, theo tính chiến lược. Sự chuẩn bị này không phải đến năm 2006 chúng ta mới làm, mà từ khi gia nhập APEC năm 1998 chúng ta đã bắt đầu chuẩn bị cho việc tổ chức hội nghị cấp cao. Chúng ta đã đẩy mạnh cải cách mở cửa, phát triển kinh tế - xã hội, liên kết, hội nhập với khu vực cũng như các nước. Vì vậy, cái thế, tiếng nói của Việt Nam, tổng lực của dân tộc Việt Nam được phát huy và đủ mạnh để các thành viên APEC giao cho mình vai trò chủ tịch.
Cái thứ hai, chúng ta có sự đồng thuận, nhất trí tuyệt đối và sự chỉ đạo giám sát sát sao của lãnh đạo cấp cao, chủ tịch nước, thủ tướng, ủy ban APEC quốc gia. Điều này cũng không đơn giản, bởi khi chúng ta làm đơn xin đăng cai APEC, trong nội bộ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nói rằng cố gắng làm, có người lại không biết làm có được không, điều kiện, trình độ mình đủ chưa. Nhưng cuối cùng căn cứ trên thời cuộc lúc đó, chúng ta quyết tâm đăng ký và đạt được sự nhất trí cao và đồng thuận từ trên xuống dưới. Và chúng ta làm, không biết thì học, học để làm cho bằng được.
Cái thứ ba, mà đến bây giờ chúng tôi vẫn có cảm giác là mình không ngờ được, đó là sự quyết tâm, khích lệ, tập trung cao độ của toàn dân. Hội nghị APEC là diễn đàn quá lớn. Nhân dân cũng muốn vai trò của đất nước được đẩy cao, tiếng nói của đất nước được tôn trọng. Vì vậy trong suốt quá trình tổ chức ở Hà Nội cũng như các địa phương, đặc biệt là tuần lễ cấp cao, sự ủng hộ, hưởng ứng, đồng thuận của dân được thể hiện rất rõ. Đó là động lực rất mạnh.
Thực sự hội nghị APEC là một cuộc thử nghiệm ý thức chính trị, tự tôn dân tộc, lòng mến khách và nhân văn của con người Việt. Bài học chính là: Dân không ủng hộ thì không làm được. Không khí hồ hởi từ nhân dân làm cho những người trong cuộc, làm việc vất vả cảm thấy thoải mái, được khích lệ.
Cái thứ tư, là những lực lượng trực tiếp tham gia. Trình độ chưa nhiều, chưa từng tổ chức hội nghị lớn như vậy, nhưng họ đã học, qua các bạn, học từ chủ tịch những năm trước như Hàn Quốc, Chile, và tích lũy dần. Đội ngũ này thực sự có năng lực và có trách nhiệm. Và quan trọng nhất là có kỷ luật. Hội nghị này rất lớn, kéo dài cả năm và có sự tham gia của tất cả các bộ ngành địa phương, nên đội ngũ này hết sức kỷ luật.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết tranh thủ đóng góp của cộng đồng, tranh thủ đóng góp từ các nền kinh tế thành viên, của bạn bè quốc tế, của ban thư ký APEC. Tinh thần của mình là tổ chức làm sao thật hoành tráng, thành công nhưng tiết kiệm. Ngay từ 2006 chúng ta đã vận động được sự đóng góp của dân, gần 80 tỷ đồng. Đương nhiên chi phí còn nhiều hơn, nhưng chúng ta đã biết khai thác những cái mà mình có thể dựa vào được.
- Ông có thể chia sẻ về một kỷ niệm vui khi ông là chủ tịch SOM APEC?
- Tôi đã tham gia các tổ chức đa phương và quốc tế nhiều lần, làm trưởng SOM ASEAN, UNESCO, đàm phán biên giới lãnh thổ... đến khi được giao làm SOM APEC thì chỉ biết lao vào làm hết sức. Ấn tượng là anh em trong ban thư ký APEC, trong các bộ ngành khác đã hỗ trợ mình rất nhiều. Vất vả nhưng vui, khó khăn thì phải tìm cách khắc phục. Không biết cái gì thì học cái đấy.
Khi kết thúc hội nghị, tôi có nói với anh em ban thư ký là “Chúng ta thắng lợi rồi”, có nghĩa là suốt một năm trời lúc nào cũng lo lắng, trăn trở phải xoay sở sao cho các hoạt động không xảy ra trục trặc. Cho đến khi kết thúc hội nghị, tiễn khách xong mình mới thở phào nhẹ nhõm. Sút cân chút, chẳng sao, vì mình cảm thấy sung sướng. Mọi người tham gia đều sung sướng.
- Đương nhiên là những khó khăn phức tạp, những điều gai góc phải xử lý thì cũng nhiều, không hề ít. Thành công lớn của chúng ta là xử lý mọi việc đều tốt đẹp, nhất là những vấn đề nhạy cảm trong quá trình diễn ra hội nghị, cách xử lý của chúng ta ai cũng ủng hộ. Trong đó có vấn đề Đài Loan, đó là vấn đề khó, rất thách thức.
Chúng ta cần tăng cường quan hệ với Trung Quốc, cả trên bình diện song phương và quốc tế vì chúng ta lúc đó muốn vào WTO. Đài Loan cũng là thành viên WTO, nếu xử lý không khéo, một lá phiếu bỏ đi, một ý kiến phản đối, là mình cũng gặp khó khăn. Vì vậy trong xử lý vấn đề này, chúng ta hết sức tuân thủ thông lệ của APEC.
- Tức là chỉ riêng chuyện "ai mời", "mời ai" đã rất phức tạp rồi đúng không thưa ông?
- Đúng vậy, và đó mới chỉ là bước đầu. Có một câu chuyện thế này: Các bạn Trung Quốc muốn tổ chức hội nghị bộ trưởng ngoại giao của APEC. APEC có 21 nền kinh tế, trong đó có 2 nền kinh tế không có bộ trưởng ngoại giao là Hong Kong và Đài Loan. Điều này rất phức tạp. APEC là bình đẳng, APEC là diễn đàn mở, không nên tạo thêm sự chồng chéo.
Vì thế chúng ta phải tính xem Trung Quốc đề nghị thế thì Mỹ, các nước khác có đồng ý không. Cuối cùng, chúng ta phải xử lý theo thông lệ quốc tế và không ảnh hưởng đến không khí chung trong hội nghị cấp cao APEC 2006.
- Phải nói là APEC 2006 và APEC 2017 có rất nhiều cái khác nhau. Một là, 10 năm qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến liên tục, lúc tăng lúc giảm nhiệt rất khó lường. Hai là, các nước lớn trong APEC như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều đang có điều chỉnh chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc bây giờ không còn yếu như năm 2006, họ đã là cường quốc và có ý định trở thành lãnh đạo kinh tế - chính trị khu vực. Năm 2006, Trung Quốc vẫn đang "giấu mình chờ thời" trong ngoại giao, nhưng mấy năm nay đã bỏ rồi. Đại hội đảng vừa rồi Trung Quốc đã quyết không "chờ thời" nữa mà sẽ đi, làm tới. Mỹ rút khỏi TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - PV) thì Trung Quốc đưa ra ngay "Con đường Tơ lụa trên Biển" (tổ chức Diễn đàn Vành đai Con đường hồi tháng 5/2017 - PV).
Mỹ cũng khác trước. Trước đây Mỹ xoay trục trở về khu vực này, bây giờ tổng thống mới lên thì chính sách chưa rõ ràng, phát biểu công khai và phát biểu riêng đôi khi chệch nhau, phát biểu và hành động cũng chưa khớp. Tổng thống mới xung đột với chính sách cũ, rút khỏi TPP, nhưng về mặt quân sự lại hiện diện tại khu vực nhiều hơn Obama... Tất cả những vũ khí hiện đại nhất như tên lửa, máy bay, ông Trump đều đưa đến châu Á, nhưng không ai ý kiến, vì điều đó liên quan đến vấn đề Triều Tiên...
Ba là, các điểm nóng trong khu vực nóng lên, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên. Cũng chính vì vấn đề này mà Mỹ tạm thời ít nói hơn về vấn đề biển Đông, biển Hoa Đông, tập trung vào việc kéo Trung Quốc xử lý vấn đề Triều Tiên. Ở biển Đông thì sóng ngầm đang rất lớn, tình hình quá phức tạp. Nội bộ ASEAN lại bị phân hóa ghê gớm.
- Những chuyển biến đó đặt ra những thách thức nào cho Việt Nam trong vai trò chủ nhà APEC lần này?
- Tất cả những điều đó khiến cho việc tập hợp lực lượng trong quá trình tổ chức APEC của mình lần này trở nên khó khăn. Sự chuyển dịch chiến lược thế này khiến môi trường đối ngoại của chúng ta không thuận lợi. Bên cạnh đó, là những vấn đề ở trong nước...
Trong hội nghị lần này, các vấn đề bàn luận sẽ căng thẳng hơn. Đấu tranh giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga là vấn đề thường xuyên, căng thẳng thường xuyên, và trong hội nghị này sẽ thách thức hơn, tôi nghĩ như vậy. Cố gắng giữ những gì chúng ta đã định hướng với tư cách chủ nhà, với triển vọng của APEC, chúng ta sẽ cố gắng làm tốt, nhưng sẽ thách thức.
- Ông nghĩ sao về kết quả của hội nghị năm nay?
- So với 2006, vị thế Việt Nam đã khác trước, lên rất cao. Kinh tế tốt, xã hội ổn định, và thế chúng ta trong đối ngoại là rất thuận lợi. Năm 2006, các nước châu Á đồng ý cho chúng ta đại diện châu Á để tham gia Hội đồng Bảo an. Năm nay chúng ta cũng có ý định như vậy: ứng cử vào Hội đồng Bảo an năm 2021. Muốn vậy chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ. Và rất có thể hội nghị APEC lần này sẽ giúp chúng ta có thêm lực để đăng ký cho thuận lợi.
Hơn nữa, các nước rất quan tâm đến Việt Nam. Mỹ, Trung Quốc, Canada, Chile thăm chính thức... Điều đó cho thấy các nền kinh tế lớn và chủ chốt trong APEC vẫn đang coi trọng vị thế của Việt Nam. G20 tới đây cũng mời Việt Nam tham dự với tư cách chủ tịch APEC, đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Mặt khác, chúng ta có thể yên tâm vì đã tích lũy được rất nhiều bài học, kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại tại APEC 2006. Sắp tới cũng sẽ như vậy. Chúng ta có thể vận dụng và phát huy những kinh nghiệm đó.
Thêm nữa là không ai phủ nhận việc tất cả các nền kinh tế APEC đến dự hội nghị này đều rất muốn hội nghị thành công. Nước chủ nhà chúng ta phải thuyết phục sao cho họ đi theo mục đích đó. Những yêu cầu chính đáng của họ chúng ta nên chấp nhận và đưa vào, những thông lệ cũ của APEC nếu khắc phục được cũng nên đưa vào, như những gì chúng ta đã xử lý năm 2006 các nước đều rất hoan nghênh, ủng hộ. Nước chủ nhà phải ra dáng nước chủ nhà, không thiên vị ai. Cái khác nhau giữa 2006 và 2017 là ở chỗ đó, có cái thuận lợi, có cái khó khăn.
- Cho đến lúc này, ông đánh giá như thế nào về công tác tổ chức của Việt Nam?
- Phải nói là về mặt tinh thần mình đã chuẩn bị hết sức tích cực, có sự tham gia đầy từ trung ương tới địa phương, các các bộ chuyên ngành, các bộ ban ngành, cũng trôi chảy. Không thể đánh giá sâu hơn được vì tôi không trực tiếp làm.
- Tổng thống Trump nhận lời tham dự hội nghị cấp cao APEC và tới thăm Việt Nam là một thành công của ngoại giao Việt Nam. Chúng ta đã đón ông Bush và ông Obama nhưng 2 ông đều đặt chân đến Việt Nam vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ. Riêng ông Trump sang Việt Nam khi chưa hoàn thành năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Điều này thể hiện sự quan tâm của Mỹ tới Việt Nam trong khu vực.
- Để một nguyên thủ Mỹ nhận lời mời thăm nước ta, đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phải làm những gì thưa ông?
- Cụ thể sứ quán Việt Nam ở Mỹ đã làm gì để mời ông Trump sang thì tôi cũng chưa trao đổi với các anh em bên đó, nhưng tôi nghĩ đóng góp của sứ quán là hết sức quan trọng. Sứ quán là cơ quan đại diện của Đảng và Nhà nước tại Mỹ, sứ quán phải nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo trong nước để lãnh đạo xem xét thời cơ đã thích hợp chưa, nước bạn có muốn thăm mình không...
Vừa rồi chúng ta cũng đã có những bước chuẩn bị hết sức quan trọng, ví dụ như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao thăm Mỹ, Thủ tướng chính phủ thăm Mỹ, để thúc đẩy quan hệ chung nhưng cũng một phần đóng góp vào việc vận động, thăm dò, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ.
Có hai vấn đề hết sức quan trọng mà sứ quán phải làm. Một là nhận định, đánh giá, phân tích về chuyến đi, kiến nghị về nhà xem có đúng yêu cầu và trúng thời điểm hay không. Hai là, phải kiến nghị với Việt Nam thế nào, nói với phía Mỹ những gì, làm sao để chuyến đi, thông qua trao đổi tiếp xúc, lễ tân, đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất. Đó là cái cần thiết, chứ khi đã đạt được thỏa thuận rồi thì cũng không có gì quá phức tạp.
- Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!