APEC 2020: Các nhà lãnh đạo kêu gọi thương mại mở và đa phương
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã kêu gọi thương mại mở và đa phương nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 19/11 đã kêu gọi thương mại mở và đa phương nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 do Malaysia chủ trì theo hình thực trực tuyến, dự kiến khai mạc ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định toàn cầu hóa là xu thế "không thể đảo ngược." Việc gia tăng chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ cũng như các bước đi chống lại toàn cầu hóa kinh tế đã làm tăng thêm rủi ro và sự không chắc chắn đối với kinh tế thế giới.
Do đó, Bắc Kinh sẽ duy trì cởi mở và hợp tác, cũng như tiếp tục giữ vũng cam kết với chủ nghĩa đa phương và nguyên tắc tham vấn.
Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ mong muốn có thêm nhiều sự hỗ trợ từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và APEC. Theo ông, chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald trump đã khiến tiến triển của APEC trong những năm gần đây "rất chậm."
Với chính sách "Nước Mỹ trước tiên," Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2017, sau đó hiệp định này đã được đổi tên là hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2018, các nền kinh tế đã lần đầu tiên trong lịch sử không nhất trí được tuyên bố chung do bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và đầu tư.
Về phần mình, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Muhyidin Yassin cho biết các nền kinh tế APEC đang nỗ lực hướng tới tầm nhìn "hậu 2020", đồng thời khẳng định sự cần thiết của thương mại tự do và đa phương trong phục hồi kinh tế.
Trong lần thứ hai đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC, nước chủ nhà Malaysia đã chọn chủ đề cho năm 2020 là "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường và thịnh vượng chung", tập trung vào 3 ưu tiên gồm: Xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; Cải thiện thương mại và đầu tư; Bao trùm, Kinh tế số và Bền vững sáng tạo, trong đó các sáng kiến thúc đẩy chương trình nghị sự về kinh tế và công nghệ số là nội dung được các thành viên đặc biệt quan tâm./.