APEC 2020 và G20: Hiện thực hóa cơ hội
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến vào ngày 20/11 và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, theo lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, nước Chủ tịch G20.
APEC: Các chặng đường và thành tựu
Kể từ khi thành lập năm 1989, qua gần 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác APEC tập trung vào ba trụ cột chính: (i) Tự do hóa thương mại và đầu tư, (ii) Thuận lợi hóa kinh doanh và (iii) Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
Cam kết xuyên suốt và quan trọng nhất đến nay của APEC, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) lần thứ hai (Indonesia, 1994), là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở đối với các nền kinh tế thành viên phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế thành viên đang phát triển vào năm 2020.
Trong giai đoạn triển khai các Mục tiêu Bogor (1994 – 2019), tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại, đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC đã đạt mức tăng trưởng lớn, cụ thể: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ gần như được nhân gấp bốn lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,9%/năm; Mức thuế quan trung bình theo nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) giảm từ 13,9% xuống 5,2% trong năm 2019; Lượng vốn FDI đầu tư vào và ra của các nền kinh tế thành viên APEC tăng trưởng trung bình trên 10%/năm với sự đóng góp ngày càng lớn từ các nền kinh tế đang phát triển; Tăng trưởng GDP thực trong APEC đạt trung bình 3,9%/năm, nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong khi mức tăng trưởng tính trên đầu người đạt 3,1%.
Đến nay, APEC đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả ba trụ cột hợp tác. Bên cạnh những thành tựu về tự do hóa thương mại và đầu tư, về thuận lợi hóa kinh doanh, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua các lần cắt giảm 5% vào các năm 2006, 2010 và 10% vào năm 2015. Về hợp tác kinh tế - kỹ thuật, mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án hợp tác và nâng cao năng lực với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.
Để chuẩn bị cho Diễn đàn bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của Cách mạng công nghệ 4.0, hiện APEC đang triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn.
Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên cũng đã tích cực trao đổi xây dựng tầm nhìn APEC đến năm 2040 nhằm góp phần duy trì vai trò của khu vực là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế diễn đàn kinh tế hàng đầu ở châu Á – Thái Bình Dương, định hướng các hoạt động hướng tới người dân và doanh nghiệp hơn nữa.
Với HNCC APEC 2020, trong vai trò chủ nhà, Malaysia đề xuất chủ đề của Năm APEC 2018 là “Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung” và tập trung vào ba ưu tiên gồm: (i) Cải thiện thương mại và đầu tư; (ii) Kinh tế bao trùm thông qua kỹ thuật và kinh tế số; (iii) Thúc đẩy bền vững sáng tạo.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt đối với APEC, là năm hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor và thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên đề cao vai trò của APEC, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Tầm nhìn sau năm 2020.
Việt Nam với APEC
Năm 2020, Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC với vị thế được nâng cao, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam tích cực ủng hộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Malaysia và các thành viên bảo đảm giữ đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác APEC bị ảnh hưởng và gián đoạn do dịch bệnh bùng phát; thúc đẩy để các Hội nghị APEC ra được Tuyên bố chung, khẳng định tinh thần hợp tác APEC.
Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp tại gần 100 cuộc họp, hội nghị của APEC được tổ chức trong năm 2020 (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến), nhất là tham dự chín Hội nghị/đối thoại cấp Bộ trưởng. Việt Nam đồng thời chủ động, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng của APEC như Tầm nhìn APEC sau 2020, Tầm nhìn năng lượng APEC sau 2020, Chương trình cải cách cơ cấu APEC giai đoạn 2021-2025, các Tuyên bố hội nghị, cũng như các báo cáo quan trọng khác.
Hội nghị Thượng đỉnh G20
Chính phủ Saudi Arabia cho biết với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tập trung vào việc bảo vệ cuộc sống và khôi phục tăng trưởng bằng cách giải quyết những khó khăn trong đại dịch Covid-19 và đặt ra nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Một số nội dung được nước Chủ tịch G20 ưu tiên thúc đẩy năm nay bao gồm: tài chính-kinh tế toàn cầu, đầu tư-thương mại, phát triển bền vững, kinh tế số, năng lượng-biến đổi khí hậu, nông nghiệp, nguồn nước và môi trường, y tế, đào tạo, việc làm.
Đến nay, các nước thành viên G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD để hỗ trợ tài trợ cho y tế toàn cầu. Số tiền cam kết hỗ trợ trên sẽ được sử dụng cho các công tác chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển vaccine, điều trị Covid-19, những hoạt động nghiên cứu và phát triển khác.
Nguồn gốc của cơ chế
Nhóm G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997 - 1998, họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính để thảo luận các vấn đề kinh tế- tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Thành viên bao gồm: G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italy), BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), Các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU). Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% nền kinh tế toàn cầu.
Nhiệm vụ chính của nhóm là thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng cởi mở giữa các quốc gia công nghiệp và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi về các vấn đề liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách góp phần vào việc tăng cường cơ cấu tài chính quốc tế, tạo điều kiện đối thoại về các chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế và các cơ quan tài chính quốc tế, nhóm này đã góp phần quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Việt Nam và G20
Là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia mời tham gia các Hội nghị quan trọng của G20 như: Hội nghị cấp Bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế số, lao động-việc làm, môi trường, năng lượng, thương mại, du lịch…
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị là một hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam trong năm 2020, có ý nghĩa nhiều mặt về chính trị, đối ngoại và kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.
Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự cả hai phiên thảo luận của Hội nghị lần này với các chủ đề: (i) “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm” và (ii) “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu”.
Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm các mục tiêu: (i) Truyền thông điệp về kết quả của Việt Nam trong ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, khẳng định hình ảnh phát triển năng động, khả năng thích ứng, cởi mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (ii) Thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam, thể hiện tinh thần xây dựng và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu; (iii) Góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Quang Đào
(tổng hợp)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/apec-2020-va-g20-hien-thuc-hoa-co-hoi-129534.html