APEC 2021 chính thức khởi động: Thúc đẩy phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng
Hội nghị các Quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), lần thứ nhất năm 2021 (SOM 1) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra từ ngày 18/2-12/3, dưới hình thức trực tuyến, do chủ nhà New Zealand năm APEC 2021 chủ trì.
Với chủ đề “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng” và 3 ưu tiên hợp tác về chính sách kinh tế, thương mại đẩy mạnh phục hồi, đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng bền vững và bao trùm, và thúc đẩy sáng tạo và số hóa, năm APEC 2021 đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn hợp tác mới khi là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai; trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và tác động nhiều mặt tới tăng trưởng và ổn định xã hội của khu vực.
Đẩy mạnh triển khai các biện pháp cụ thể nhằm phục hồi kinh tế và thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương là ưu tiên hàng đầu
Nhằm tiếp tục duy trì vai trò tiên phong và là lực đẩy chính của châu Á-Thái Bình Dương đối với kinh tế toàn cầu, tại Hội nghị, các thành viên APEC đặc biệt nhấn mạnh và đề cao ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn APEC trong việc thúc đẩy phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, cũng như tăng cường đóng góp thúc đẩy các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Nhiều nền kinh tế phát triển và ASEAN tích cực đề xuất các lĩnh vực hợp tác cần ưu tiên thúc đẩy trong năm 2021.
Trong đó, sự đồng thuận cao tiếp tục dành cho các nội dung hợp tác cốt lõi của APEC hiện nay về tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm, ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Chia sẻ nhận thức về sự phụ thuộc của quá trình phục hồi kinh tế đối với khả năng kiểm soát dịch bệnh, trong đó có phân phối, tiếp cận vaccine một cách công bằng, hiệu quả với chi phí hợp lý đóng vai trò quan trọng, Hội nghị đặt ưu tiên cao đẩy mạnh triển khai các biện pháp cụ thể thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng của hàng hóa thiết yếu, nhất là các hàng hóa liên quan đến vaccine, cũng như tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Vai trò “vườn ươm ý tưởng” của APEC cũng được đặc biệt nhấn mạnh trong giai đoạn củng cố và định hình các khuôn khổ, luật lệ mới điều tiết kinh tế, thương mại và nền kinh tế số hiện nay, và trước mắt là thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hướng đến kết quả tích cực của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 được dự kiến tổ chức trong năm nay.
Theo đó, nhiều sáng kiến cụ thể đã được đề xuất và thảo luận rộng rãi tại Hội nghị để tiếp tục được phát triển và có thể trở thành những “điểm nhấn” trong năm nay.
Giai đoạn hợp tác mới với nhiều kỳ vọng mới
Đặt trọng tậm vào việc xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 trong năm 2021, các thành viên APEC dành nhiều thời gian thảo luận sôi nổi về lộ trình, cấu trúc và các nội dung quan trọng của Kế hoạch triển khai Tầm nhìn. Các thành viên thống nhất cần xây dựng những định hướng rõ ràng với kỳ vọng về các mục tiêu lượng hóa cụ thể thay thế các mục tiêu Bogor trước đây, trên cơ sở bám sát Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC được thông qua hồi tháng 11/2020.
Nhiều nội dung ưu tiên đã được đưa ra song một điểm chung của các nền kinh tế là đều rất chú trọng đến sự phát triển của khoa học công nghệ, của quá trình số hóa và phát triển kinh tế số, coi đây là nền tảng quan trọng để triển khai Tầm nhìn trong 2 thập niên tới.
Các nền kinh tế APEC một lần nữa nhắc lại và đánh giá cao những khuyến nghị của Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC (AVG), trong đó Việt Nam đã tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng với vai trò là Phó Chủ tịch; Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); và Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC); và khẳng định đây sẽ là những nguồn tham khảo quan trọng trong quá trình xây dựng Kế hoạch triển khai sắp tới. Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả quản trị của Diễn đàn; nhất trí tiếp tục cải cách hoạt động để hợp tác APEC ngày càng trở nên hiệu quả, phục vụ triển khai các định hướng hợp tác trong thời gian tới; qua đó khẳng định vai trò dẫn dắt của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và là cái nôi của những ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Để tăng cường sự tham gia và đóng góp của các giới doanh nghiệp, học giả, cũng như tăng cường kết nối với các cơ chế hợp tác khác tại khu vực, trong các Phiên thảo luận của Hội nghị đều có sự tham gia tích cực của đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), đại diện Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).
Đại diện Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham dự Hội nghị tiếp tục có những đóng góp tích cực trong thảo luận, trong đó chú trọng thúc đẩy các ưu tiên hiện nay về phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và nhất là các chủ trương, chính sách mới của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.