APEC thông qua tuyên bố chung về thương mại giữa lúc căng thẳng vấn đề thuế quan

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hàn Quốc đã thông qua tuyên bố chung, trong đó nêu ra 'những thách thức cơ bản' mà hệ thống thương mại toàn cầu đang phải đối mặt.

Quang cảnh hội nghị tại đảo Jeju (Hàn Quốc). (Ảnh: Reuters)

Quang cảnh hội nghị tại đảo Jeju (Hàn Quốc). (Ảnh: Reuters)

Đây là cuộc họp thương mại đa phương lớn đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế toàn diện đối với hơn một nửa trong số 21 thành viên của khối.

"Chúng tôi quan ngại về những thách thức mà hệ thống thương mại toàn cầu đang phải đối mặt", các thành viên APEC cho biết trong tuyên bố chung.

Các quốc gia cam kết APEC vẫn sẽ đóng vai trò diễn đàn chính cho hợp tác kinh tế khu vực, giải quyết những thách thức kinh tế mà khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Tuyên bố chung cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới. "Chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của WTO trong việc thúc đẩy các vấn đề thương mại, và thừa nhận các quy tắc đã thỏa thuận trong WTO là một phần không thể thiếu của hệ thống thương mại toàn cầu".

Mỹ mới đây đã tạm dừng nguồn đóng góp tài chính cho WTO.

APEC đã cảnh báo khi bắt đầu cuộc họp, rằng xuất khẩu từ khu vực vốn chiếm khoảng một nửa thương mại thế giới sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay sau khi Mỹ áp thuế.

Một số nhà ngoại giao từ các nước thành viên tỏ ra nghi ngờ rằng APEC sẽ có thể thông qua một tuyên bố chung, nhưng Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In-kyo đã thúc đẩy mạnh mẽ để đạt được một số sự đồng thuận.

"Đã có động lực mới được tạo ra thông qua các cuộc họp này để vượt qua tình hình khó khăn, khi APEC thúc đẩy nỗ lực nhằm vượt qua những bất ổn đang nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu", ông Cheong phát biểu trong một cuộc họp báo.

Ông cho biết không có cuộc thảo luận "chính thức" nào về phản ứng chung đối với thuế quan của Mỹ. "Theo quan điểm của chúng tôi, rất khó để cùng nhau phản ứng vì mỗi quốc gia đang ở trong một tình huống hoàn toàn khác nhau", ông nói.

Các cuộc gặp song phương

Đối với nhiều quốc gia thành viên, sự tham dự của Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã làm tăng mức độ quan trọng của hội nghị, trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Vào ngày đầu tiên, nhiều đại diện đã gặp hoặc tìm cách gặp ông Greer, theo các quan chức nước chủ nhà.

Ông Greer đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang vào ngày 15/5, chưa đầy một tuần sau cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của họ tại Thụy Sĩ vào ngày 10-11/5, mà hai nước đã đồng ý giảm đáng kể thuế quan trong 90 ngày.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian phát biểu tại một cuộc họp báo, rằng Trung Quốc luôn sẵn sàng giải quyết mối quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ qua kênh trực tiếp. Nhưng ông không đưa ra thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán mới nhất.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (trái) và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang (phải). (Ảnh: Reuters)

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (trái) và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang (phải). (Ảnh: Reuters)

Ông Greer cũng đã gặp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In-kyo, ba tuần sau khi Seoul và Washington tổ chức vòng đàm phán thương mại đầu tiên, và gặp Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz, người đã bày tỏ sự lạc quan sau cuộc họp hôm 15/5.

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/apec-thong-qua-tuyen-bo-chung-ve-thuong-mai-giua-luc-cang-thang-van-de-thue-quan-post1742838.tpo