APEC tiếp tục đẩy mạnh liên kết khu vực và phục hồi kinh tế bền vững, bao trùm
Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 31 (AMM 31) trực tuyến trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tối ngày 16/11, các Bộ trưởng Ngoại giao - kinh tế APEC đều khẳng định quyết tâm của các thành viên tiếp tục đẩy mạnh liên kết khu vực và phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm.
Hội nghị AMM 31 trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia - ông Mohamed Azmin Ali - với sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký APEC. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Do tình hình đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, Hội nghị AMM và Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng, tác động sâu sắc, toàn diện trên toàn cầu và gây ra những hậu quả chưa từng có cho tất cả các nền kinh tế, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, một Hội nghị AMM được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo chương trình nghị sự, các Bộ trưởng lắng nghe báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức cao cấp APEC phiên tổng kết (CSOM) 2020, hoạt động và khuyến nghị của Hội đồng Tư vấn doanh nhân APEC (ABAC). Cũng tại phiên làm việc buổi sáng, các Bộ trưởng đã nghe Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Yonov Frederick Agah cập nhật tình hình thương mại thế giới, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương (MTS) và WTO. Các Bộ trưởng cũng thảo luận nhiều nội dung hợp tác quan trọng xuyên suốt năm 2020, cụ thể: hội nhập kinh tế khu vực (REI) bao gồm báo cáo về hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), Kế hoạch tổng thể về Kết nối APEC 2025, Chiến lược APEC về Đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng, ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ và sự tham gia kinh tế của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tăng cường an ninh lương thực và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải cách cơ cấu và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới và thịnh vượng kinh tế, hợp tác khu vực bao gồm tạo thuận lợi cho tiếp cận bình vacxin và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.
Phát biểu tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những mất mát to lớn về con người; ghi nhận những thách thức chưa từng có về kinh tế, sức khỏe và xã hội do đại dịch Covid-19 mang lại, bao gồm tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), phụ nữ và nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Đây là thời điểm để APEC tiếp tục sát cánh cùng nhau để hỗ trợ các nỗ lực của nhau trong việc sớm kiểm soát sự lây lan và giải quyết các hậu quả kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.
Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao trùm và đổi mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã chia sẻ về 4 vấn đề nổi bật của hợp tác APEC trong năm 2020. Đó là kinh tế số, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải cách cơ cấu.
Đối với kinh tế số, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, phát triển nền kinh tế số là xu hướng tất yếu của khu vực APEC và thế giới. APEC cần huy động các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy kinh tế số, tăng cường kết nối và chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số, để doanh nghiệp và người dân của chúng ta có thể tận dụng tối đa lợi ích của nền kinh tế số. Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Chương trình công tác thực thi Lộ trình kinh tế mạng và số APEC (AIDER) của Nhóm chỉ đạo về Kinh tế số APEC (DESG) và mong muốn chương trình công tác này sớm được triển khai.
Về trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế tồn tại từ trước, đồng thời làm tăng mức độ phổ biến và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nhiều nguồn gốc khác nhau như bạo lực trên cơ sở giới, gánh nặng từ công việc chăm sóc không được trả công và ngừng hoạt động của MSMEs do phụ nữ làm chủ. Nhận thấy thực tế này, APEC đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào vai trò trung tâm trong các nỗ lực phục hồi kinh tế. Việt Nam đánh giá cao việc hoàn thiện Kế hoạch thực thi Lộ trình La Serena vì Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm, từ đó định hướng cho công việc của APEC hướng tới đạt được các mục tiêu của lộ trình vào năm 2030.
Về tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong nền kinh tế số, Thứ trưởng chỉ ra sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách số cho phụ nữ tham gia trong nền kinh tế kỹ thuật số thông qua các chính sách tạo điều kiện để tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và đào tạo kỹ năng số cho phụ nữ. Đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức để tận dụng tối đa lực lượng lao động quan trọng này.
Về bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, từ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và những thách thức môi trường khác, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác của APEC để giúp các nền kinh tế thành viên phát triển nông nghiệp thông minh và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nước, rừng và đại dương cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đối với cải cách cơ cấu, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban Kinh tế (EC) trong việc xây dựng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý cách tiếp cận, phạm vi và lộ trình cho các cải cách trong tương lai cần phải thích ứng với giai đoạn bình thường mới.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng APEC nhất trí ra Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm của 21 thành viên APEC tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng và duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong những thập kỷ tới.