APG luôn đồng hành, sát cánh hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chiều ngày 6/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi làm việc giữa Đoàn công tác cấp cao của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) và Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền chủ trì buổi làm việc.
Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các đơn vị của NHNN; về phía APG, có ông Mitsutoshi Kajikawa - Đồng Chủ tịch APG, ông David Shanon - Phó Tổng thư ký thường trực APG cùng các lãnh đạo cấp cao của APG, các chuyên gia chính sách về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (PCRT,TTKB),....
Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ, tư vấn tích cực của APG. Trên cơ sở ý kiến tư vấn của APG, NHNN với tư cách là Cơ quan Thường trực giúp việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo, và tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (kèm theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ) với 17 hành động chi tiết do FATF chỉ định.
Từ khi triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đưa nhiệm vụ này lên hàng ưu tiên, trọng tâm của bộ, ngành; tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý thích đáng những trường hợp sai phạm để đảm bảo tính răn đe; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho các cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật và các đối tượng báo cáo… Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các cam kết là một quá trình dài và phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ nhiều phía cũng như cần nhiều nguồn lực. Để triển khai một cách toàn diện các nhóm hành động này, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Các yếu tố tác động có thể kể đến như: phạm vi nội dung trải rộng của 17 hành động được chỉ định; đảm bảo sự tương thích về pháp lý giữa khuôn khổ pháp luật trong nước so với chuẩn mực của FATF; việc thiếu hụt nguồn lực, năng lực và nhiều mặt hạn chế quá trình thực hiện kế hoạch…
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đã chia sẻ về các kết quả đã đạt được, những nỗ lực của Việt Nam về xây dựng chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý,.. cũng như những khó khăn trong quá trình thực hiện từng nhiệm vụ, từ đó gợi mở những vấn đề chuyên môn cần thảo luận trong các buổi làm việc với đoàn công tác của APG trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị APG tiếp tục có các hướng dẫn cụ thể, gợi ý triển khai hiệu quả nhóm hành động phục vụ cho công tác PCRT/TTKB và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; tích cực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm quốc tế; cân nhắc điều chỉnh thời gian báo cáo để có thể rà soát, đánh giá tổng quan, khách quan về những nội dung đã được ban hành, thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mitsutoshi Kajikawa - Đồng Chủ tịch APG cho biết buổi làm việc này có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để hai bên trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của APG và kế hoạch hỗ trợ Việt Nam của APG trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch hành động về PCRT/TTKB và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo cam kết với FATF.
Bên cạnh đó, ông Mitsutoshi Kajikawa cũng nhấn mạnh vai trò của NHNN trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ chế chính sách liên quan đến PCRT/TTKB và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như giữ vững cam kết và triển khai các biện pháp chiến lược cần thiết để bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế, xã hội nói chung.
Trên tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, ông David Shanon - Phó Tổng thư ký thường trực APG khẳng định APG luôn đồng hành, sát cánh hỗ trợ NHNN cũng như Việt Nam, trao đổi thảo luận liên quan đến cơ chế, tiến độ quy trình của Nhóm xem xét các vấn đề về hợp tác quốc tế (ICRG).
Phó Tổng thư ký APG đánh giá cao cách tiếp cận “lấy người dân làm trung tâm” của Việt Nam trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động đã đặt ra. Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng đất nước thịnh vượng, phát triển mạnh mẽ, phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh, ổn định xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Do đó, các cơ quan chức năng cần tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan đến PCRT/ TTKB. Bên cạnh các đối tác hỗ trợ kỹ thuật, Việt Nam cũng cần tăng cường các hoạt động quốc tế khác thông qua việc hợp tác với các cơ quan giám sát trong khu vực, phối hợp điều tra tội phạm xuyên quốc gia để đảm bảo hiệu quả nhiệm vụ PCRT và bảo vệ an ninh quốc gia.
Kết thúc buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những góp ý và chia sẻ của đại diện APG đối với từng nội dung cụ thể được trao đổi, đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn kiên quyết trong việc thực hiện các cam kết hành động về PCRT/TTKB, NHNN và các bộ ngành có liên quan đều nhận thức được tầm quan trọng của hành động này đối với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô và kết quả chung của công tác PCRT/TTKB và tài trợ phổ biến các vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thống đốc hy vọng APG và đoàn đại biểu sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực trong việc góp ý, hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật cho Việt Nam để công tác triển khai thực tế đạt hiệu quả rõ rệt. Thống đốc cho biết, tiếp thu các ý kiến từ phía APG và các chuyên gia cấp cao, trong thời gian tới NHNN sẽ có chỉ đạo cụ thể với các đơn vị chuyên trách của NHNN, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chủ chốt để hoàn thiện báo cáo, đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng tới triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia một cách chặt chẽ và có hiệu quả, thể hiện được quyết tâm của Việt Nam đối với nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố như đã cam kết.