App 'Công dân số TP.HCM' tương tác 'một chạm' ra mắt người dân
App 'Công dân số' là ứng dụng di động thông minh, là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính quyền TP.HCM và người dân bằng tương tác 'một chạm' dễ dàng, thuận tiện.
Chiều 14-11, UBND TP.HCM đã ra mắt ứng dụng Công dân số TP.HCM (gọi tắt là “app Công dân số”) với mục đích kết nối công dân và chính quyền.
Tại buổi ra mắt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, đã cùng đặt tay vào màn hình led để thực hiện nghi thức ra mắt ứng dụng này.
Theo UBND TP.HCM, app Công dân số là ứng dụng di động thông minh, là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính quyền TP và người dân bằng tương tác "một chạm” dễ dàng, thuận tiện.
Thông qua app Công dân số, người dân có thể phản ánh các sự việc, gửi ý kiến góp ý, hiến kế các vấn đề mà mình quan tâm. Đồng thời, theo dõi sát sao tiến độ xử lý của cơ quan chức năng.
Người dân cũng có thể tiếp cận, tra cứu và sử dụng các tiện ích dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện, trên nhiều lĩnh vực thiết thực với đời sống.
Về phía chính quyền, app Công dân số là một kênh hiệu quả để ghi nhận, quản lý và xử lý các sự việc từ thực tế cuộc sống phát sinh trên địa bàn, căn cứ trên dữ liệu được cung cấp minh bạch.
Qua đây, chính quyền cũng có thể cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân các thông tin về hoạt động của TP; tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới ban hành; đăng tải các tin tức, thông báo, cảnh báo khẩn cấp…
Để thuận tiện cho người dân nắm bắt và quan sát, app Công dân số sẽ hiển thị thông báo mỗi khi có kết quả giải quyết phản ánh, giải quyết hồ sơ, hoặc có diễn tiến mới trong quá trình giải quyết; có thông báo “nóng” khẩn cấp từ cơ quan chức năng.
Để cài đặt ứng dụng app Công dân số của TP.HCM, người dân tìm kiếm và tải ứng dụng trên Google Play (đối với hệ điều hành Android) và App Store (đối với hệ điều hành IOS) với tên ứng dụng “Công dân số thành phố Hồ Chí Minh”.
Người dân đăng nhập chỉ một lần duy nhất thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (tài khoản VNeID).
UBND TP.HCM cho biết trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục lắng nghe thông tin phản hồi, góp ý của các sở, ban, ngành và người dùng để cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ, tính năng, tiện ích của app, đảm bảo ứng dụng vận hành ổn định, thông suốt, đem lại nhiều tiện ích nhất cho người dân.
12 nhóm tính năng chính
Theo UBND TP.HCM, trong giai đoạn đầu tiên (từ nay đến ngày 31-12-2024), app Công dân số cung cấp 12 nhóm tính năng chính, được hiển thị trong mục Công dân số, bao gồm:
(1) Phản ánh kiến nghị giúp người dân có thể gửi phản ánh kiến nghị tới hệ thống 1022 về các vấn đề như sự cố hạ tầng kỹ thuật; các vấn đề phát sinh về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh; hiến kế xây dựng phát triển Thành phố...;
(2) Giáo dục hỗ trợ người dân tra cứu thông tin trường học, địa chỉ chi tiết của trường học, phân loại theo cấp mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên;
(3) Y tế giúp người dân tra cứu thông tin về các cơ sở khám chữa bệnh như địa chỉ, giấy phép hoạt động;
(4) Du lịch – bản tin giúp tra cứu các các thông tin liên quan đến lễ hội, sự kiện, các tin tức về du lịch liên quan đến thành phố;
(5) Giao thông hỗ trợ người dân tra cứu và tìm kiếm các thông tin liên quan đến xe bus trên địa bàn thành phố cùng tiện ích theo dõi camera tại các tuyến đường;
(6) Xây dựng giúp người dân tra cứu các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, chứng chỉ hoạt động hành nghề liên quan đến bất động sản, môi giới;
(7) Cơ quan nhà nước hỗ trợ người dân tra cứu danh sách các thông tin về đường dây nóng và danh bạ liên hệ của các cơ quan chính quyền tại nơi mình đang sinh sống;
(8) Dịch vụ công - Tra cứu hồ sơ giúp người dân truy cập vào kho hồ sơ cá nhân, tra cứu thủ tục hành chính, tra cứu hồ sơ hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính ở các lĩnh vực; tính năng này tiếp tục được cập nhật để tiến tới người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến ở các lĩnh vực;
(9) Bản đồ cho phép người dân sử dụng tính năng tìm kiếm vị trí, định vị và hướng dẫn đường đi hoặc tìm kiếm các địa điểm trên địa bàn thành phố ngay trên bản đồ;
(10) Tài khoản chung người dùng có thể tạo lập tài khoản, thực hiện các hành động cá nhân hóa, lưu trữ dữ liệu, các dịch vụ tiện ích theo cá nhân và các chính sách chung của App;
(11) VNeID để người dân đăng nhập thông qua hệ thống định danh điện tử quốc gia (VNeID);
(12) Tương tác thông báo - tin tức - lấy ý kiến người dân cung cấp các thông báo, tin tức và cảnh báo từ cơ quan nhà nước đến người dân và có thể lấy ý kiến người dân thông qua các biểu mẫu khảo sát.
Bên cạnh 12 tính năng trên trong mục Công dân số, app Công dân số còn cung cấp tới người dùng một số tính năng khác trong mục Dịch vụ của tôi.