APPF-29: VAI TRÒ CỦA NGHỊ VIỆN TRONG VIỆC NÂNG CAO KHẢ NĂNG TỰ CƯỜNG PHỤC HỒI HẬU COVID-19
Với chủ đề ''Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu COVID-19'', Hội nghị APPF-29 nhấn mạnh đến vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đồng chí Vương Đình Huệ vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc với chủ đề “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu COVID-19”.
Thúc đẩy hợp tác nghị viện, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch
Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF) là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Chủ đề của Hội nghị APPF-29 về “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu Covid-19” nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Hội nghị APPF-29 diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã bước qua đỉnh dịch COVID-19 nhưng hệ lụy đối với kinh tế - xã hội và đời sống người dân còn nặng nề. Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và đến nay lan ra khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, ngày 02/12/2021, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc có thư gửi các Chủ tịch Quốc hội thành viên APPF thông báo do diễn biến phức tạp của biến chủng mới virus corona, Hội nghị sẽ được chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn, đặt ưu tiên cao nhất cho sự an toàn và sức khỏe của các đại biểu.
Việc tham dự hội nghị thường niên APPF là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng trong tổng thể chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của Quốc hội Việt Nam. Nhằm chuẩn bị các văn kiện của Hội nghị APPF-29, từ ngày 08 - 19/11/2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự thảo luận 13 dự thảo Nghị quyết của Hội nghị. Trong tháng 11/2021, Quốc hội Việt Nam cùng các nghị viện thành viên APPF đã hoàn thành thảo luận trực tuyến 13 dự thảo Nghị quyết, trong đó bao gồm 4 dự thảo Nghị quyết do Quốc hội Việt Nam đồng bảo trợ, bao gồm: Nghị quyết về Thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối; Nghị quyết về Tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực; Nghị quyết về việc đạt được bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ; Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 đảm bảo yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch. Sơ bộ, về cơ bản dự thảo Nghị quyết phù hợp với những văn kiện quốc tế trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các Tuyên bố và các Nghị quyết của APPF, APEC, góp phần tăng cường hợp tác nghị viện khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác APEC, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển phục hồi sau đại dịch.
Với tinh thần trách nhiệm, chủ động và tích cực, Đoàn Việt Nam đã tham gia đóng góp các Dự thảo Nghị quyết theo các phương châm:
Thứ nhất, tích cực đóng góp nội dung đồng bảo trợ 4 Nghị quyết nêu trên, trong đó giữ những nội dung Quốc hội nước ta đã đề xuất, chỉnh sửa từ ngữ cho phù hợp bối cảnh mới, bảo đảm lợi ích của Việt Nam và hài hòa lợi ích chung;
Thứ hai, tham gia đóng góp ý kiến vào một số Dự thảo Nghị quyết về vai trò của nghị viện trong lĩnh vực hòa bình an ninh, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa đa phương và vấn đề đa dạng văn hóa với tinh thần bảo đảm nguyên tắc chung, các quan điểm chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực, đồng thuận cao trong các nghị viện thành viên và ủng hộ vai trò chủ nhà của Quốc hội Hàn Quốc.
Hội nghị APPF 29 sẽ thông qua văn kiện cuối cùng là Thông cáo chung của Hội nghị và các dự thảo Nghị quyết vào ngày 15/12/2021.
Chủ động, tích cực, thực chất và có trách nhiệm, thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện
APPF-29 là hội nghị thường niên trực tuyến đầu tiên của Diễn đàn, được tổ chức sau gần hai năm kể từ lần họp gần nhất vào tháng 01/2020. Việc Hội nghị ban đầu được dự kiến được tổ chức trực tiếp cho thấy nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà cũng như quyết tâm của các nghị viện thành viên củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch vì một tương lai tốt đẹp hơn, khẳng định sức sống của ngoại giao đa phương trong một thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa đơn phương có xu hướng trỗi dậy trong quan hệ quốc tế.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-29 nhằm khẳng định cam kết tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, qua đó, phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực quan trọng; thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện trên toàn cầu; góp phần vào nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, việc tham dự Hội nghị APPF-29 ở cấp Trưởng đoàn là Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự đầy đủ, rất tích cực tại phần thảo luận các văn kiện trực tuyến tháng 11/2021 thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Hàn Quốc, một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong khu vực; tăng cường quan hệ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước đối với các vấn đề thuộc lợi ích chính đáng cảu Việt Nam.
Phương châm tham dự của Đoàn Việt Nam là chủ động, tích cực, thực chất và có trách nhiệm đóng góp ý kiến vào kết quả chung của Hội nghị với tinh thần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nâng tầm đối ngoại đa phương, tiếp tục phát huy vị thế và vai trò là thành viên tích cực của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới; sẵn sàng hợp tác vì sự phục hồi và phát triển của khu vực sau đại dịch, hướng tới tương lai một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Hội nghị APPF-26 năm 2018.
Việt Nam – thành viên tích cực của APPF
Diễn đàn APPF, thành lập từ 1993, gồm 27 nghị viện của các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường đối thoại giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại và văn hóa nhằm góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng của toàn khu vực.
APPF cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Về nguyên tắc, APPF là một diễn đàn mở cho tất cả các nghị viện và các nghị sỹ quốc gia trong khu vực.
Quốc hội Việt Nam là thành viên chính thức của APPF từ năm 1995, luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của APPF; đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APPF-13 (Hạ Long, 2005), Hội nghị APPF-26 (Hà Nội, 2018). Thành công của Hội nghị APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, góp phần vào những thành công chung về các hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Đóng góp quan trọng của Quốc hội Việt Nam tại APPF-26 là Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương tới năm 2030”, đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF và định hướng tương lai phát triển của Diễn đàn đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội được đánh giá là một trong năm bản Tuyên bố dấu ấn trong 25 năm hoạt động của APPF.
Với Hội nghị APPF-29, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự thảo luận 13 dự thảo nghị quyết của Hội nghị. Trong tháng 11/2021, Quốc hội Việt Nam cùng các nghị viện thành viên APPF đã hoàn thành thảo luận trực tuyến 13 dự thảo nghị quyết, trong đó bao gồm 4 dự thảo nghị quyết Quốc hội Việt Nam đồng bảo trợ. Về cơ bản, các dự thảo nghị quyết phù hợp với những văn kiện quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các Tuyên bố và các nghị quyết của APPF, APEC, góp phần tăng cường hợp tác nghị viện khu vực, thúc đẩy hợp tác APEC vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển phục hồi sau đại dịch.
APPF-29 với dự kiến nội dung chương trình nghị sự tập trung vào một số vấn đề: Sự lãnh đạo của nghị viện với hòa bình, an ninh trong khu vực; tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác đảm bảo an ninh con người; Tăng cường hợp tác để thúc đẩy phục hồi kinh tế bao trùm, tăng cường kết nối và thúc đẩy kinh tế số; vai trò của nghị viện trong hội nhập kinh tế và thương mại trong khu vực; Vai trò của nghị viện trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, kinh tế và quyền con người; nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa ở khu vực; Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Theo chương trình, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Nữ nghị sỹ. Ngoài tham dự Lễ khai mạc và các phiên họp toàn thể, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam mà đại diện là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể 1 về Chính trị - An ninh với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực”; tại Phiên toàn thể 2 về Kinh tế và Thương mại với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực”./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=61216