Apple bên bờ vực khủng hoảng trước khi ông Trump miễn thuế đối ứng với iPhone, iPad, Mac, Watch

Apple đã tạm thời tránh được cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Thuế quan đối ứng 125% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Apple nghiêm trọng không kém gì cơn đau đầu do COVID-19 gây ra cách đây 5 năm. Song hôm 12.4, ông Trump đã bất ngờ mang đến cho Apple niềm vui lớn khi miễn trừ thuế với nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng phổ biến, trong số đó có iPhone, iPad, Mac, Apple Watch và AirTag.

Một niềm vui khác cho Apple: Thuế 10% với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng bị loại bỏ với những sản phẩm này.

Dù một loại thuế mới theo ngành thấp hơn vẫn có thể được áp dụng với các mặt hàng chứa chip bán dẫn và thuế 20% với hàng hóa từ Trung Quốc vẫn giữ nguyên, nhưng thay đổi nêu trên vẫn là chiến thắng lớn cho Apple và ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào cường quốc châu Á này để sản xuất.

"Đây là sự nhẹ nhõm lớn với Apple. Thuế quan sẽ đã khiến chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh", nhà phân tích Amit Daryanani của hãng Evercore ISI viết trong một ghi chú hôm 12.4. Ông dự đoán cổ phiếu Apple sẽ tăng trở lại vào ngày 14.4 sau khi đã giảm 11% trong tháng này.

Trước khi có lệnh miễn trừ thuế đối ứng với nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng phổ biến, Apple đã lên kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng để sản xuất nhiều iPhone dành cho thị trường Mỹ tại Ấn Độ, nơi mức thuế sẽ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Các lãnh đạo Apple tin rằng đây sẽ là giải pháp ngắn hạn để tránh mức thuế cao ngất ngưởng của Mỹ với Trung Quốc và ngăn chặn việc phải tăng giá mạnh sản phẩm.

Khi các nhà máy tại Ấn Độ đang đạt tiến độ sản xuất hơn 30 triệu iPhone mỗi năm, sản lượng từ quốc gia này có thể đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu từ Mỹ. Hiện tại, Apple bán khoảng 220 – 230 triệu iPhone mỗi năm, trong đó khoảng 1/3 được tiêu thụ tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch như vậy sẽ rất khó thực hiện trơn tru, nhất là khi Apple đã gần đến giai đoạn sản xuất iPhone 17, vốn chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong nội bộ Apple, các bộ phận tài chính và tiếp thị đã bắt đầu lo ngại về những tác động đến đợt ra mắt dòng iPhone 17 vào mùa thu, với cảm giác bất an rõ rệt.

Chỉ trong vài tháng, Apple sẽ cần phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là chuyển thêm sản xuất dòng iPhone 17 sang Ấn Độ hoặc nơi khác. Điều này có thể khiến Apple phải tăng giá và phải thương lượng gắt gao với các nhà cung cấp để cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, bộ máy tiếp thị nổi tiếng của Apple sẽ phải thuyết phục người tiêu dùng rằng những thay đổi đó (giá tăng, thay đổi nơi sản xuất) là xứng đáng.

Dù vậy, cảm giác bất ổn vẫn chưa biến mất. Chính sách của Nhà Trắng có thể sẽ thay đổi một lần nữa và Apple buộc phải thực hiện các thay đổi quyết liệt hơn. Ít nhất là hiện tại, ban lãnh đạo công ty có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm.

Apple bán khoảng 220 đến 230 triệu chiếc iPhone mỗi năm, trong đó có khoảng 1/3 tại Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Apple bán khoảng 220 đến 230 triệu chiếc iPhone mỗi năm, trong đó có khoảng 1/3 tại Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Mối lo khác

Nếu Apple đẩy nhanh việc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, quốc gia này sẽ phản ứng thế nào? Apple hiện tạo ra khoảng 17% doanh thu từ Trung Quốc và vận hành hàng chục cửa hàng tại đây, khiến họ trở thành ngoại lệ trong số các công ty Mỹ. Một người phát ngôn của Apple từ chối bình luận.

Trung Quốc đã từng mở cuộc điều tra cạnh tranh với các công ty Mỹ và có thể gây khó dễ cho Apple qua các thủ tục hải quan. Những năm gần đây, Trung Quốc đã cấm sử dụng iPhone và nhiều thiết bị do Mỹ thiết kế trong các cơ quan chính phủ. Đây là động thái được xem là phản ứng lại việc Mỹ trừng phạt Huawei, hãng công nghệ lớn Trung Quốc.

iPhone là sản phẩm sinh lời lớn nhất của Apple và khoảng 87% trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc, theo ước tính của tập đoàn tài chính Morgan Stanley. Khoảng 4 trong 5 chiếc iPad cũng được sản xuất tại Trung Quốc, cùng với 60% máy Mac.

Tổng cộng, những sản phẩm đó chiếm khoảng 75% doanh thu hàng năm của Apple. Tuy nhiên, công ty hiện sản xuất gần như toàn bộ Apple Watch và AirPods tại Việt Nam. Một số iPad và máy Mac cũng được sản xuất ở Việt Nam. Việc sản xuất máy Mac đang được mở rộng sang Malaysia và Thái Lan.

Công ty thu về khoảng 38% doanh thu từ iPad tại thị trường Mỹ, khoảng 1/2 doanh thu từ Mac, Apple Watch và AirPods cũng đến từ nước này, theo Morgan Stanley.

Việc tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc, trung tâm sản xuất của Apple trong nhiều thập kỷ, là điều khó xảy ra ngay lập tức. Với gần 200 nhà cung cấp và sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, việc Apple chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác có thể mất nhiều năm mới hoàn tất.

Dù ông Trump từng thúc ép Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, nhưng việc thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và cơ sở hạ tầng trong nước khiến điều đó gần như không khả thi ngắn hạn.

Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, nhiều lần ca ngợi kỹ năng sản xuất trình độ cao tại Trung Quốc trong việc chế tạo những thiết bị chủ lực của công ty. Năm 2022, Bloomberg Intelligence ước tính sẽ mất 8 năm để dịch chuyển chỉ 10% năng lực sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc.

Bloomberg Intelligence là bộ phận nghiên cứu và phân tích dữ liệu thuộc tập đoàn tài chính Bloomberg.

Quy mô và hiệu suất của các nhà máy tại Trung Quốc vẫn chưa có đối thủ. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng với doanh thu của Apple tại các thị trường ngoài Mỹ. Công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino thu về gần 60% doanh thu từ các khu vực ngoài châu Mỹ.

Kể từ khi làn sóng thuế quan được công bố vào ngày 2.4, các nhà vận động hành lang từ Apple và các hãng công nghệ khác đã liên tục tác động lên Nhà Trắng để được miễn trừ thuế.

Những cuộc thảo luận này đã trở nên cấp bách hơn vài ngày gần đây sau loạt động thái trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến việc ông Trump áp mức thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên tới 145% trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình.

Tác động tiềm tàng cho Apple càng trở nên rõ rệt hơn sau khi ông Trump tạm ngưng áp thuế cao hơn với hơn 75 quốc gia (không có Trung Quốc). Điều đó đồng nghĩa Samsung Electronics, đối thủ của Apple, sẽ có lợi thế vì sản xuất smartphone bên ngoài Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg News, Apple và các công ty khác đã nhấn mạnh với chính quyền Trump rằng, dù sẵn sàng tăng đầu tư tại Mỹ, việc chuyển khâu lắp ráp cuối cùng về nước này không mang lại nhiều lợi ích. Thay vào đó, họ lập luận rằng Mỹ nên tập trung vào việc mang trở lại các công việc có giá trị cao hơn và khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn.

Số iPhone trị giá 22 tỉ USD được lắp ráp ở Ấn Độ trong 12 tháng

Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3.2025, các đối tác cuaẢpple đã lắp ráp số iPhone trị giá 22 tỉ USD tại Ấn Độ, tăng sản lượng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc của Apple đang tiếp tục.

Theo các nguồn tin thân cận của Bloomberg News, Apple hiện sản xuất khoảng 20%, tức 1 trên 5 chiếc iPhone, tại Ấn Độ. Con số 22 tỉ USD phản ánh giá trị xuất xưởng ước tính của lượng iPhone đó, không phải giá bán lẻ đã được điều chỉnh tăng.

Sự gia tăng này cho thấy Apple và các nhà cung cấp của họ đang tăng tốc chuyển hướng sang Ấn Độ, quá trình bắt đầu khi các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 của Trung Quốc làm gián đoạn sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Phần lớn iPhone sản xuất tại Ấn Độ được lắp ráp tại nhà máy của Foxconn ở miền nam nước này. Tata Group (Ấn Độ) đã mua lại các nhà máy của Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại Ấn Độ. Pegatron Corp cũng là đối tác lắp ráp iPhone quan trọng cho Apple.

Apple đã xuất khẩu số iPhone trị giá hơn 1.500 tỉ rupee (tương đương 17,4 tỉ USD) từ Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025, Bộ trưởng Công nghệ của nước này cho biết hôm 8.4

Việc vận chuyển iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ gia tăng sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng vào tháng 2, theo các nguồn tin. Sản lượng và xuất khẩu trung bình của Apple từ Ấn Độ đã tăng đều trong suốt năm tài chính tính đến tháng 3.

Theo hãng tin ReutersThe Times of India, Apple đã vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ sang Mỹ trước khi mức thuế mới của ông Trump có hiệu lực.

Khoảng 6 chuyến bay chở hàng, mỗi chiếc có sức chứa 100 tấn, đã cất cánh kể từ tháng 3, trong đó có một chuyến tuần này, nguồn tin và một quan chức chính phủ Ấn Độ xác nhận.

Theo số liệu đo lường của Reuters, trọng lượng đóng gói một chiếc iPhone 14 kèm cáp sạc vào khoảng 350 gram, cho thấy tổng hàng hóa 600 tấn tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone, sau khi đã tính thêm phần trọng lượng bao bì.

Apple xuất khẩu số iPhone trị giá khoảng 17,4 tỉ USD từ Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025 - Ảnh: Bloomberg

Apple xuất khẩu số iPhone trị giá khoảng 17,4 tỉ USD từ Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025 - Ảnh: Bloomberg

Chính quyền Trump vừa miễn trừ thuế đối ứng với các mặt hàng điện tử tiêu dùng phổ biến, gồm cả smartphone, máy tính và chip. Đây là tin tốt với các công ty như Apple và Nvidia, dù mức thuế 20% riêng biệt áp lên hàng hóa Trung Quốc, vẫn còn hiệu lực.

Điều này cũng đồng nghĩa iPhone sản xuất tại Ấn Độ hiện chưa phải chịu mức thuế nào.

Hiện tại, Apple đã lắp ráp toàn bộ dòng iPhone tại Ấn Độ, gồm cả các mẫu cao cấp Pro vỏ titanium. Thành công trong sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp từ chính phủ, gắn liền với tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu.

Ông Narendra Modi đang nỗ lực mở rộng ngành sản xuất linh kiện điện tử với gói hỗ trợ tài chính mới trị giá 2,7 tỉ USD và tập trung phát triển tham vọng sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Apple hiện chiếm gần 8% thị phần smartphone tại Ấn Độ, với doanh thu (phần lớn từ iPhone) đạt gần 8 tỉ USD trong năm tài chính 2024.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/apple-ben-bo-vuc-khung-hoang-truoc-khi-ong-trump-mien-thue-doi-ung-voi-iphone-ipad-mac-watch-231500.html