Apple chỉ còn là cái bóng của chính mình

Vào giữa tháng 8, Apple lần đầu vượt qua cột mốc 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa. Cột mốc này đánh dấu sự thành công của Táo khuyết, nhưng liệu có ý nghĩa với người dùng trung thành?

Bài viết là quan điểm của phóng viên Luke Dormehl từ trang tin chuyên về Apple CultOfMac.

Là công ty Mỹ đầu tiên đạt mức giá trị 2.000 tỷ USD, Apple từ một trong những công ty năng động nhất giờ đây đã trở nên khá nhàm chán. Chiến lược đem lại thành công chưa từng có cho Apple lại làm cho họ khó có được những sản phẩm cực kỳ đột phá trong tương lai.

Tôi hiểu có một sự mâu thuẫn ở đây. Bằng bất cứ thước đo nào, Apple cũng là một công ty với lợi nhuận rất cao. iPhone, sản phẩm bán chạy nhất của Apple, đạt tới thành công mà nhiều thập kỷ mới lặp lại được.

 Apple giờ đây có rất nhiều tiền, nhưng họ sẽ ngày càng ổn định và nhàm chán hơn. Ảnh: BI.

Apple giờ đây có rất nhiều tiền, nhưng họ sẽ ngày càng ổn định và nhàm chán hơn. Ảnh: BI.

Là người hâm mộ Apple lâu năm, nhìn thấy Apple đạt được thành công như vậy khiến tôi rất mừng. Tuy nhiên, liệu có ai dám nói Apple ngày hôm nay thú vị? Tôi e là không.

Apple có còn thú vị?

Mặc dù tầm nhìn máy Mac dùng chip Apple thiết kế cũng khá thú vị, những chiếc máy tính mà Apple ra mắt vài năm qua gần như không thay đổi.

Tất nhiên, họ vẫn ra một số mẫu sản phẩm mới như iMac Pro, nhưng chừng đó là quá ít so với sự thay đổi của những sản phẩm như Microsoft Surface Studio. Surface Studio giống như đến từ tương lai khi nó được giới thiệu năm 2016. iMac thì gần như chẳng thay đổi từ mẫu mới năm 2012.

Sự thay đổi lớn nhất đối với dòng MacBook mấy năm qua là bàn phím "cánh bướm" mà mọi người đều ghét.

 Sự thay đổi lớn nhất của các dòng MacBook là quyết định sử dụng bàn phím "cánh bướm", sau đó quay lại bàn phím thông thường. Ảnh: iFixit.

Sự thay đổi lớn nhất của các dòng MacBook là quyết định sử dụng bàn phím "cánh bướm", sau đó quay lại bàn phím thông thường. Ảnh: iFixit.

Các dòng sản phẩm khác của Apple cũng vậy. iPhone vẫn rất tuyệt, nhưng không còn vượt trội ở vị trí smartphone tốt nhất thế giới. Nhiều nhà sản xuất sản xuất khác đã ra mắt những mẫu máy thú vị hơn, sáng tạo hơn cả về kiểu dáng và tính năng.

Apple thì luôn chờ đợi xem tính năng nào hiệu quả, và vài năm sau mới giới thiệu phiên bản của họ. Dù iPhone vẫn bán rất chạy, đỉnh cao doanh số của sản phẩm này đã từ năm 2015, tức là nửa thập kỷ trước.

iPad thì liên tục thay đổi về kích thước và những chi tiết thiết kế nhỏ, nhưng nhìn chung kiểu dáng vẫn luôn như vậy. iPad cũng không thay đổi cách mọi người dùng máy tính như từng được kỳ vọng.

Tất nhiên, Apple cũng có những điểm sáng. Apple Watch mỗi năm càng hấp dẫn hơn. AirPods thì được đánh giá cao và bán rất chạy. Tuy nhiên, đây chỉ là những phần nhỏ trong cỗ máy Apple.

Trò chơi độc quyền của Apple

Apple hiện nay tập trung vào mảng dịch vụ. Giống như IBM hay Microsoft, Apple kiếm được rất nhiều tiền từ những phí thuê bao hàng năm.

Bối cảnh giờ đây rất giống như trong nửa cuối của trò chơi Cờ tỷ phú, khi mà doanh thu tăng nhanh chóng từ những hạ tầng người chơi đã xây. Một người dùng iPhone có thể dùng thêm Apple Card, Apple TV+, Apple Music, mua thêm 2 TB bộ nhớ iCloud và cả gói nâng cấp iPhone. Đó là một khoản lớn với Apple.

 Mảng dịch vụ sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định cho Apple, trong khi họ không cần quá đột phá. Ảnh: Cnet.

Mảng dịch vụ sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định cho Apple, trong khi họ không cần quá đột phá. Ảnh: Cnet.

Từ góc nhìn của Apple, dễ hiểu tại sao đây lại là một giai đoạn hấp dẫn. Hướng đi tập trung vào dịch vụ có thể nghe nhàm chán, nhưng nhàm chán đồng nghĩa với ổn định, và nhà đầu tư thì cần sự ổn định. Nếu Apple quá mạo hiểm, mọi thứ có thể không trong tầm kiểm soát.

Trong những năm thú vị nhất của Apple, khi Steve Jobs còn là CEO, thế giới công nghệ phát cuồng vì những sản phẩm của họ. iMac G3 là một lời tuyên bố rằng Apple đã trở lại. iBook, iPod, MacBook Air hay iPhone đều khiến mọi người phấn khích. Apple khi đó đã là ông lớn công nghệ, nhưng vận hành như một startup.

Vì sao Apple cần sự ổn định?

Jobs là thiên tài trong việc đưa ra các sản phẩm mạo hiểm, nhưng ông không phải lúc nào cũng thành công. Ông cũng nhiều lần thất bại, như hãng máy tính NeXT Computer hay chiếc Power Mac G4 Cube. Cả 2 đều là những sản phẩm thú vị nhưng không bán được.

Những thất bại đó cho thấy vấn đề của các sản phẩm quá đột phá: chúng có thể mang lại lợi nhuận cực lớn, nhưng cũng phải đủ hấp dẫn với những người dùng phổ thông. Và tạo ra một sản phẩm như vậy sẽ dễ dàng hơn nếu như công ty của anh có thể chấp nhận mạo hiểm. Khi giá trị lên tới 2.000 tỷ USD, mạo hiểm là điều rất khó.

 Dám đột phá cũng đồng nghĩa chấp nhận với một số sản phẩm thất bại, như chiếc G4 Cube. Ảnh: Apple.

Dám đột phá cũng đồng nghĩa chấp nhận với một số sản phẩm thất bại, như chiếc G4 Cube. Ảnh: Apple.

Mạo hiểm là thứ rất hấp dẫn nếu bạn còn trẻ, nhưng khi cần ổn định thì không. Nhà đầu tư vào Apple năm 1998, ngay sau iMac G3, sẽ không hình dung được công ty này sau 10 năm. Nhưng những nhà đầu tư hiện tại có thể dễ dàng đoán được rằng Apple vẫn sẽ có lợi nhuận rất lớn 10 năm nữa.

Đó là bởi Apple đã dần tránh xa những thay đổi quá lớn và tập trung vào dịch vụ, nơi họ có thể kiếm tiền từ khách hàng mà không phải mạo hiểm. Các dòng sản phẩm cũng dần ổn định, và Apple sẽ không đem lại một loạt thay đổi lớn chỉ để mạo hiểm.

Sự ổn định này đã đem lại tình hình tài chính tốt hơn bao giờ hết cho Apple trong 10 năm qua. Tuy nhiên, từ góc nhìn của một người hâm mộ yêu thích Apple vì những sản phẩm đột phá của họ, tôi nghĩ rằng những ngày mà chúng ta có thể phát cuồng vì đồ Apple đã hết.

Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/apple-chi-con-la-cai-bong-cua-chinh-minh-post1126442.html