Apple không tự nghĩ ra khoản phí 30% gây tranh cãi, đây là người đã làm điều đó

Khoản phí nền tảng 30% đã được duy trì trong ngành game từ những năm 80 của thế kỉ trước.

Epic Games đi đầu trong làn sóng phản đối mức phí 30% doanh thu các giao dịch mua vật phẩm, nội dung trong game/ ứng dụng mà các game/ ứng dụng bên thứ ba phải nộp cho Apple và Google. Epic đồng ý rằng mức phí nói trên đã lỗi thời và thiếu công bằng. Ít người biết rằng cơ chế phân chia doanh thu này có nguồn gốc từ những năm 80 thế kỉ trước ở Nhật Bản – thời kì của những cỗ máy chơi game cồng kềnh và còn nhiều hạn chế. Lúc này, câu hỏi đặt ra là liệu khoản phí này có còn hợp lý hay không?

Fortnite bị Apple và Google đồng thời gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng chính thức trên iOS và Android vì tự triển khai kênh thanh toán trong ứng dụng. Ảnh: Bloomberg

Fortnite bị Apple và Google đồng thời gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng chính thức trên iOS và Android vì tự triển khai kênh thanh toán trong ứng dụng. Ảnh: Bloomberg

Vì đâu Epic Games mâu thuẫn với Apple và Google?

Mâu thuẫn giữa Epic và Apple bắt đầu từ khi Epic đưa ra bản cập nhật cho phép người dùng trả phí trực tiếp khi mua những trang phục hoặc vật phẩm trong trò chơi Fortnite trên nền tảng của Apple và sau này là cả trên Google.

Nhờ tính năng này, các khoản thanh toán không còn được thực hiện thông qua hạ tầng thanh toán của Google và Apple và khiến cho cả hai không thu được lợi nhuận gì. Cuối cùng, Apple và Google đồng loạt gỡ Fortnite ra khỏi kho ứng dụng của mình.

Gần như lập tức, Epic đã đệ đơn kiện lần lượt hai ông lớn với lý do rằng Apple và Google đang lạm dụng sự độc quyền của mình để ép buộc các phát triển game. Không dừng ở đó, Epic đã đăng tải một video nhại lại quảng cáo nổi tiếng “1984” của Apple.

Trong phiên bản này, một nhân vật trong game đã chạy tới và ném vũ khí của mình vào màn hình đang chiếu hình ảnh của một vị độc tài “táo khuyết.” Tựa đề của chiếc video là “Đừng để 2020 trở thành 1984” kèm theo hashtag #FreeFortnite (tạm dịch: Trả tự do cho Fortnite).

Trong văn hóa đại chúng phương Tây, 1984 là tựa đề của một đầu sách nổi tiếng của nhà văn George Orwell viết về việc những người dân phải sống dưới quyền kiểm soát của một độc tài.

Apple nói rằng sẽ không có ngoại lệ nào cho Epic và mọi việc có thể giải quyết một cách đơn giản nếu như Epic Games cập nhật Fortnite theo đúng chính sách của Apple và đưa nó trở lại App Store. Trong khi đó, Dan Jackson, người phát ngôn của Google, khẳng định rằng, khác với App Store, Android cho phép người dùng tải về và dùng các ứng dụng được thanh toán bên ngoài Google Play Store mà không yêu cầu các nhà phát triển chịu khoản phí 30%.

Theo Phillip Shoemaker, một cựu nhân viên kiểm tra ứng dụng của Apple, Steve Jobs là người đã đưa quy định về mức phí 30%. Điều duy nhất thay đổi trong quy định này cho đến nay chính là việc mức phí mà nhà phát triển phải trả sẽ được giảm xuống 15% đối với những người dùng đã đăng ký dịch vụ dài hơn 1 năm. Về điều này thì cả Apple và Google đều giống nhau.

Nhưng tại sao lại có mức phí 30% này từ ban đầu?

Khoản phí nền tảng 30% bắt nguồn từ Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Khoản phí nền tảng 30% bắt nguồn từ Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Nintendo Entertainment System là cái tên đầu tiên giới thiệu kiểu “phí nền tảng” này vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước. Nó được bắt đầu khi Namco Ltd., nhà phát hành Pac-Man, đồng thời là một nhà cung cấp dịch vụ trò chơi lớn vào thời điểm đó, muốn mở rộng mạng lưới phân phối của mình thông qua những chiếc máy chơi game của Nintendo. Lúc bấy giờ, những chiếc máy chơi game này có tên Famicon và được trình làng ở Nhật Bản vào năm 1983.

Theo Hisakazu Hirabayashi, một nhà tư vấn trong ngành công nghiệp game, Namco đã hợp tác với công ty Hudson Soft, người tạo ra Bomberman, và cùng thuyết phục Nintendo cho phép các nhà phát triển bên ngoài phát triển game dựa trên hệ máy này.

Hirabayashi cũng cho biết cả hai đều phấn khích về việc hợp tác và mức độ nổi tiếng của Nintendo cũng sẽ đem lại không ít doanh thu. Khi thỏa thuận được lập ra, Namco sẽ trả Nintendo mức phí để được cấp phép sử dụng hệ máy là 10% và Hudson sẽ trả thêm 20% để Nintendo sản xuất các băng game. Điều này đã được Nintendo thông qua và hai mức phí này, phí cấp phép và phí sản xuất, gộp lại trở thành mức “thuế” 30% như hiện nay.

Tuy có thời gian tăng giảm do sự thay đổi trong việc phát hành game từ băng sang đĩa CD, mức phí vẫn được áp dụng trên không ít thế hệ máy chơi game. Thời nay, các công ty như Apple, Google, Nintendo, Sony, Valve và Microsoft đều thu mức thuế tương ứng 30% doanh thu dù game được phát hành dạng đĩa hay dạng điện tử - online. Dù không công khai mức thu của họ nhưng con số 30% đã trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp.

Tập đoàn Sony thông báo với các nhà phát triển phần mềm rằng một phần doanh thu của họ sẽ được Sony giữ để chi trả các phí giao dịch, chi phí bảo trì máy chủ và phí cấp phép sử dụng nền tảng. Tim Cook, CEO Apple, khẳng định công ty của ông cung cấp những hỗ trợ về mặt bảo mật và phát triển cũng như tạo cơ hội cho các công ty nhỏ kết nối với hàng tỷ người dùng thông chương trình nhà phát triển với mức phí 99 đô là/năm.

CEO của Epic Games Tim Sweeney khơi mào cuộc chiến với Apple - Google. Ảnh: WSJ

CEO của Epic Games Tim Sweeney khơi mào cuộc chiến với Apple - Google. Ảnh: WSJ

Tuy nhiên, CEO của Epic Games Tim Sweeney lại không đồng tình với việc này và cho rằng các nhà phát triển nên nhận được nhiều hơn. Vào năm 2018, công ty đã cho ra mắt Epic Games Store - đối thủ của Steam trên hệ máy Windows - và cho phép các nhà phát triển giữ 88% doanh thu từ trò chơi thay vì chỉ nhận được 70%. Theo Tim Sweeney, lý do khiến các mức phí nền tảng được duy trì trên hệ máy chơi game (thường được các công ty sở hữu đầu tư và kiểm soát lớn) không tồn tại trên các nền tảng phổ biến hơn như PC và điện thoại.

Những nhà phát hành game Nhật Bản, nơi khoản phân chia doanh thu 70/30 xuất hiện, không quá lo lắng về cấu trúc phân chia này.

Tuy nhiên, sự thay đổi hướng đi của Apple với dịch vụ trả phí để chơi game Apple Arcade đã khiến cho một số mất niềm tin vào khả năng dẫn dắt của Apple. Thế nhưng, không có nhà phát triển nào dám lên tiếng ủng hộ Epic vì lo sợ sẽ bị Apple “bắt nạt”.

“Tôi không nghĩ các nhà phát triển tại Nhật Bản trông đợi vào việc Apple giảm mức phí. Điều cần làm là Apple đưa ra các dịch vụ tốt hơn để xứng với mức 30% doanh thu đó,” Hirabayashi nói về tình trạng của nhà phát triển Nhật Bản.

Nếu cuộc chiến giữa Epic và tính độc quyền Apple - Google nóng lên, không loại trừ khả năng sẽ có một nền tảng mới ra đời. Tương tự như khi Nintendo tăng giá sản xuất băng trò chơi kéo theo mức phí tăng lên, Sony đã cho ra mắt Playstation và sản xuất các đĩa trò chơi giá rẻ thay cho băng trò chơi để lôi kéo các nhà phát triển.

Thành công gần đây của Nintendo với máy chơi game cầm tay Switch đã chứng minh rằng còn có một thị trường vượt xa cả chiếc điện thoại thông thường. Doanh số bán ra của Switch trong thời điểm COVID-19 được một nhà phân tích ví như “Giáng sinh vào mùa hè.”

Khi doanh thu từ ngành công nghiệp game càng tăng lên thì cách nó được phân chia càng trở nên quan trọng. Apple và Google đang đối mặt với việc có thể mất đi “con gà đẻ trứng vàng” mang tên Fortnite cũng như bị điều tra về tính độc quyền trong các chính sách của mình. Liệu đây sẽ là lúc các ông lớn lựa chọn bỏ đi mức phí đã quá xưa cũ và thay bằng những chính sách tốt hơn?

Tài Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/apple-khong-tu-nghi-ra-khoan-phi-30-day-la-nguoi-da-lam-dieu-do-20200822115923851.html