Apple mở cửa hàng trực tuyến ở Việt Nam chưa ảnh hưởng nhà bán lẻ Việt
Đa phần các nhà bán lẻ được ủy quyền của Apple trong nước cho biết, việc hãng mở cửa hàng trực tuyến ở Việt Nam không ảnh hưởng nhiều đến họ, mà thậm chí còn giúp cho người tiêu dùng dễ lựa chọn hơn.
Apple vừa thông báo ra mắt cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam từ ngày 18/5, cung cấp các dòng sản phẩm Apple và hỗ trợ tiếng Việt trực tiếp cho khách hàng toàn quốc. Theo thông tin của Apple, cửa hàng trực tuyến cung cấp dịch vụ khách hàng và cá nhân hóa tương tự cửa hàng vật lý. Ngoài ra, còn có một đội ngũ chuyên gia hỗ trợ bằng tiếng Việt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này của Apple sẽ đe dọa đến các nhà bán lẻ trong nước, khi hiện nay giá iPhone trên thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí nhiều chuỗi bán lẻ còn bán lỗ từ vài trăm đến cả triệu đồng. Tuy nhiên, theo các nhà bán lẻ ủy quyền của Apple (AAR), thực tế việc này không ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh của họ.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động của hệ thống FPT Shop, cho biết doanh nghiệp này không thay mặt cho hãng để bình luận, nên chỉ cung cấp thông tin ở vai trò của nhà bán lẻ Apple chính hãng tại Việt Nam.
Theo đó, FPT Shop đang chờ đợi việc ra mắt của trang bán hàng trực tuyến Apple tại Việt Nam, đây là dấu mốc đánh giá sự đầu tư lớn, toàn diện của hãng Apple vào thị trường trong nước. Chính việc này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng cho toàn thị trường trong đó có đối tác lớn như FPT Shop & F.Studio by FPT. Người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng Việt, khi có nhiều sự lựa chọn, ưu đãi mua sắm sản phẩm Apple. Việc mở cửa hàng trực tuyến tại thị trường trong nước là động thái tốt, cho thấy Apple đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, Apple Store trực tuyến tại Việt Nam sẽ đưa ra một khung giá chuẩn chỉnh, có thể làm cơ sở tham chiếu, đặc biệt trong bối cảnh giá bán sản phẩm Apple đang biến động liên tục trong nước. Ngoài ra, động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.
Vị đại diện FPT Shop cũng tự tin cho rằng, chuỗi cửa hàng của công ty vẫn mang lại trải nghiệm vượt trội với khách hàng Việt, ngoài việc hiểu khách hàng, giá cả luôn cạnh tranh trên thị trường, thì còn các lợi thế về nền tảng đã được xây dựng nhiều năm.
Trong khi đó, ông Huy Nguyễn, đại diện cho chuỗi cửa hàng CellPhoneS cho rằng, việc xuất hiện cửa hàng Apple Store trực tuyến thực tế không phải là vấn đề lớn, nếu so với các kênh online của các chuỗi bán lẻ chính hãng trong nước, hay các kênh bán lẻ thuần online như các sàn thương mại điện tử hiện nay.
Với tỷ trọng doanh số online của các chuỗi hiện đang ở mức trung bình 15 - 20%, có thể nói để cửa hàng trực tuyến của hãng thành công, phụ thuộc nhiều vào mức giá các sản phẩm được đưa ra, so với các nhà bán lẻ lớn trong nước. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam hiện đang loạn giá iPhone, điều này xuất phát từ cuộc chiến về giá của nhà bán lẻ có thị phần lớn nhất, thậm chí giá bán lẻ đang thấp hơn giá gốc, nên có xuất hiện cửa hàng trực tuyến của hãng cũng không có ảnh hưởng nhiều đến các đối tác.
Đồng thời ông Huy Nguyễn cũng cho biết, việc này sẽ tốt cho người tiêu dùng, khi họ sẽ có kênh chính thức để so sánh giá và chọn nơi mua cho phù hợp.
Đại diện các chuỗi cửa hàng AAR khác như Di Động Việt, Minh Tuấn Mobile, ShopDunk, hay thậm chí là chuỗi lớn như Thế Giới Di Động cũng nhận định, động thái của Apple sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Nhiều khả năng hãng làm hình ảnh là chính, giống như các nước khác là Singapore hay Thái Lan, tại đây họ cũng mở cửa hàng Apple Store, nhưng cũng không ảnh hưởng đến các Mono Store (hình thức đại lý cao nhất của Apple, như một cửa hàng Apple Store thu nhỏ - PV) hay các chuỗi bán lẻ đang tồn tại.
Tuy nhiên, trái ngược với các hệ thống bán lẻ khác, theo ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động chính hãng Mai Nguyên, cũng là cửa hàng AAR, động thái này của Apple chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ trong nước, nhưng mức độ thế nào thì chưa thể đo lường. Thực tế hiện nay Samsung cũng đang đẩy mạnh các cửa hàng ở Việt Nam và kể cả bán hàng trực tuyến, nhiều nhà bán lẻ đang chết dần chết mòn, mặc dù mọi người không thấy.
Trong khi đó, Apple sẽ rất khác, khi họ dịch chuyển rất nhanh và tiến hành thâm nhập từng bước. Chẳng hạn như với cửa hàng trực tuyến này, sắp tới sẽ có chương trình đặt trước (pre-order) iPhone 15, người dùng đặt hàng thành công sẽ bảo đảm 100% có hàng và số lượng rõ ràng. Trong khi đó, năm ngoái nhiều cửa hàng bán lẻ ủy quyền trong nước khoe lượng đặt hàng rất “khủng”, nhưng sau đó lại không có hàng để giao, khiến người dùng chán nản.
Theo ông Mai Triều Nguyên, những người mua iPhone hầu hết là người có tiền và muốn được sở hữu sớm nhất nên sẽ đặt trước (pre-order), với nhóm này thì ai có đủ hàng để giao là thắng trên thị trường, bất chấp các đối thủ phá giá mà không đủ hàng. Lợi thế này xem như nằm trong tay Apple, cho dù họ chỉ làm online nhưng đủ hàng là nhà bán lẻ trong nước thua cuộc.
Lúc này các đại lý bán lẻ sẽ nằm im và sau khi hàng ế không bán được sẽ thay nhau hạ giá để hòa vốn hay chấp nhận lỗ để cạnh tranh. Lúc đó, giá bán tại đại lý sẽ rẻ hơn so với Apple 2-3 triệu đồng, nhưng khách hàng có tiền họ đều đã mua sản phẩm, vì thế đại lý bán được lượng hàng không đáng kể. Hiện nay điện thoại cao cấp của Samsung cũng vậy, bán được 2-3 tuần đầu là hết khách mua, lúc đó cùng nhau đại hạ giá và kết quả là đại lý thua trắng và hãng cũng không còn quan tâm, muốn bán sao thì bán.
Ông Mai Triều Nguyên cho rằng, online chỉ là bước đầu, sau này sẽ có các cửa hàng Apple Store vật lý nữa, mặc dù chưa thể thay đổi cục diện ngay, nhưng sẽ là mối đe dọa tiềm tàng. Bởi Apple là hãng công nghệ triển khai mảng bán lẻ thành công nhất toàn cầu, trong khi nhiều hãng khác từng làm đều thất bại hoặc chưa thành công.