Apple ngăn chặn AirTag bị lợi dụng xâm phạm quyền riêng tư
Trước những vụ việc sử dụng AirTag vào những mục đích xấu, Apple đã cập nhật nhiều chính sách và tính năng mới, tái khẳng định AirTag 'được thiết kế để định vị đồ đạc, không phải để theo dõi người khác'.
AirTag, một sản phẩm của Apple được thiết kế giúp định vị các đồ đạc. Thiết bị này có thể gắn vào túi, ba lô, ví hay chìa khóa sẽ giúp chủ nhân dễ dàng tìm lại được vật dụng của mình nếu chẳng may bị thất lạc. Thế nhưng, ngày càng nhiều vụ được báo cáo về việc sử dụng AirTag vào mục đích xấu.
AirTag có kích thước bằng đồng xu được Apple bán với giá 29 USD đang khiến nhiều người lo ngại khi chúng được sử dụng vào các mục đích xấu như gắn vào xe ô tô để đánh cắp thông tin di chuyển của chủ xe hoặc bí mật theo dõi người khác.
Apple cho biết họ “đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp khi được yêu cầu xử lý các vụ việc liên quan đến sử dụng AirTag” để thực hiện những hành vi trái phép. Công ty quả quyết những trường hợp sử dụng AirTag với mục đích xấu là “rất hiếm”, nhưng các vụ việc này luôn nhận về sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
Hơn nữa, mỗi chiếc AirTag đều có một số định danh độc nhất và được ghép nối với một tài khoản Apple. Khi nhận được yêu cầu hợp lệ từ cơ quan có thẩm quyền, Apple sẽ cung cấp thông tin chủ nhân của thiết bị.
Không dừng lại ở đó, Apple đã làm việc với nhiều nhóm an toàn và cơ quan thực thi pháp luật nhằm đưa ra đáp án chung trong việc cải tiến các chính sách của AirTag và hệ thống Tìm (Find My) để ngăn chặn các hành vi phạm pháp.
Trước đó, Apple đã tung ra một ứng dụng cho người dùng Android có tên Tracker Detect để tìm kiếm những chiếc AirTag không xác định. Trong tương lai, các mẫu iphone mới sẽ được trang bị tính năng cảnh báo chủ sở hữu về sự xuất hiện của một phụ kiện lạ khi điện thoại có thể dễ dàng phát hiện thiết bị AirTag không xác định trong tầm hoạt động.