Ảrập Xêút và Trung Quốc hình thành quan hệ đối tác chiến lược

Nếu là trước kia, người ta hiếm có thể hình dung được một chiếc máy bay chiến đấu F-15 do Mỹ sản xuất lại hộ tống chuyên cơ của Chủ tịch Trung Quốc hạ cánh xuống thủ đô của một trong những nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - thường được biến đến như là đồng minh trung thành bậc nhất của Mỹ. Ấy vậy mà đó lại chính xác là những gì đã diễn ra cuối tuần trước. Những những diễn biến đáng kinh ngạc ở Riyadh có thể là bằng chứng nữa về sự định hình ngày càng rõ nét của trật tự đa cực.

Thái tử Ảrập Xêút Mohammed Bin Salman chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Riyadh. Nguồn: Getty Image

Thái tử Ảrập Xêút Mohammed Bin Salman chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Riyadh. Nguồn: Getty Image

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm Riyadh kéo dài 3 ngày. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Trung Quốc - Ảrập Xêút mà còn có thể tạo động lực mới cho hội nhập Á - Âu và mở rộng phạm vi ra cả Trung Đông.

Xét về vẻ bề ngoài, có vẻ như Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố ý để mắt tới các chiến lược gia Anh - Mỹ, những người đã học hỏi từ cuốn sách của Halford Mackinder về địa chiến lược, nhằm mục đích châm ngòi xung đột và chia rẽ trên khắp Á - Âu bằng cách ngăn chặn phát triển các tuyến đường thương mại trên bộ, mà họ tin rằng sẽ đi ngược lại lợi ích của các cường quốc hàng hải phương Tây.

Ông Tập Cận Bình hiểu rằng dòng chảy đáng tin cậy của khí đốt, dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của Trung Quốc. Và Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman Al Saud biết rất rõ rằng vị khách Trung Quốc rất hiểu điều này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thái tử Ảrập Xêút Salman đã “vai kề vai” nói chuyện, thảo luận về triển vọng chiến lược của họ trước những gì là sự xuất hiện của một trật tự địa chính trị đa cực. Ảrập Xêút và các quốc gia vùng Vịnh khác sẽ tăng cường liên minh chiến lược tương ứng với Trung Quốc trước triển vọng bất ổn thị trường và tiến trình phi đôla hóa.

Tiến trình này sẽ là một nguy cơ đối với “trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”, được Bắc Kinh (và nhiều nước ở Nam bán cầu) cho là một uyển ngữ cho chế độ độc tài của phương Tây. Các quốc gia vùng Vịnh, Ấn Độ, Iran, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ đều có chung một nhìn nhận như vậy.

Điểm này được nhấn mạnh trong tuyên bố của ông Tập Cận Bình về chuyến thăm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với Tầm nhìn 2030 của Ảrập Xêút, làm sâu sắc hơn và củng cố sự hợp tác thiết thực trong mọi lĩnh vực”.

3 hội nghị thượng đỉnh trong một chuyến thăm

Trong bối cảnh địa chính trị đang phát triển năng động, Thái tử Salman cảm nhận được một bước ngoặt trong quan hệ đối ngoại với phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Vì lý do này, ông dường như không muốn đặt tất cả trứng của mình vào một giỏ địa chính trị. Ông đang theo đuổi chính sách đối ngoại đa chiều và đa dạng hóa nền kinh tế của Ảrập Xêút.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm cấp nhà nước của vị khách Trung Quốc, Quốc vương cùng với Thái tử, đã chủ trì ba hội nghị thượng đỉnh khi ông Tập ở Riyadh: Hội nghị Thượng đỉnh Ảrập Xêút - Trung Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia Ảrập - Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, một nhóm bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất.

Các hội nghị thượng đỉnh bàn về các vấn đề liên quan đến năng lượng, thương mại và đầu tư. Xuất khẩu gần 1/4 lượng dầu của mình sang Trung Quốc - 17% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Ảrập Xêút - Chính quyền Ryadh có lý do để tiếp đón trọng thể Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cũng trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai nước đã ký kết các thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá hàng tỷ đôla về các vấn đề như vận tải, hậu cần, phát triển tài nguyên thiên nhiên và an ninh, trong đó có một thỏa thuận Riyadh ký với Huawei.

Chính sách thực dụng

Các quốc gia vùng Vịnh cảm thấy rằng các cường quốc phương Tây đang ngày càng rút ngắn các cam kết an ninh của họ trong khu vực, một phần là do cuộc xung đột ở Ukraine. Vì lý do này, Trung Quốc và Ảrập Xêút đã thảo luận các vấn đề quân sự và an ninh sau cánh cửa đóng kín - điều có thể khiến Brussels, London và Washington phải sửng sốt.

Có thông tin cho rằng Riyadh đang liên doanh sản xuất một số thiết bị quân sự của Trung Quốc - một tín hiệu cho thấy việc đa dạng hóa trên mọi mặt trận sẽ tốt hơn là phụ thuộc vào một nhà cung cấp.

Vai trò của đồng đôla Mỹ cũng được thảo luận - có rất nhiều nghi ngờ về khả năng tồn tại lâu dài của nó. Có vẻ như Bắc Kinh đã thuyết phục Riyadh (và những nước khác) giao dịch một số giao dịch dầu mỏ của họ bằng đồng Nhân dân tệ thay vì đôla. Xu hướng phi đôla hóa, mặc dù không sắp xảy ra, nhưng đang diễn ra và ngày càng trở thành chủ đề thảo luận tại các thủ đô ở Trung Đông và châu Á.

Người Ảrập Xêút hiểu rõ rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể cản trở dòng đôla lưu thông tự do, do đó, việc áp dụng các cơ chế phòng ngừa rủi ro cũng như các hệ thống thanh toán thay thế là điều khôn ngoan.

Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc về kinh tế và an ninh, Ảrập Xêút có kế hoạch đầu tư khoảng 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và các dự án khác trong thập kỷ tới. Điều này sẽ rất hấp dẫn đối với các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc có thể giúp Ảrập Xêút hiện thực hóa thành phố Neom “thời đại không gian” được đề xuất trên biển Đỏ, trong số các sáng kiến khác.

Việc các quốc gia Ảrập ở vùng Vịnh sử dụng công nghệ và hệ thống viễn thông thế hệ thứ năm (5G) của Trung Quốc cũng như các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng nhạy cảm như cảng và các trung tâm giao thông khác cũng là hướng đi trái với mong muốn của Hoa Kỳ, và do đó, làm nảy sinh một mâu thuẫn khác giữa hai đồng minh Riyadh và Washington.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang làm việc trên nhiều mặt trận để giữ cho dòng chảy dầu mỏ vào Trung Quốc không thể bị gián đoạn. Dầu của Ảrập Xêút đến Trung Quốc phải được chất lên các tàu chở dầu ở vịnh Ba Tư, đi qua Ấn Độ Dương và đi qua eo biển Malacca trước khi vào biển Đông. Điều này vốn đã rủi ro đối với Trung Quốc.

Các nhà phân tích cũng không loại trừ giả thuyết ông Tập Cận Bình đang cùng với Hoàng tử Salman thăm dò khả năng về một đường ống dẫn dầu giữa Ảrập Xêút và Iran kết nối với Trung Quốc, có thể thông qua Afghanistan. Điều này sẽ tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc bằng cách bỏ qua Ấn Độ Dương, nơi có sự hiện diện mạnh mẽ của hải quân phương Tây.

Trong khi quan hệ giữa Ảrập Xêút và Iran, vốn nhạy cảm sau một thời gian thù địch kéo dài, đang được cải thiện, vẫn còn phải xem liệu hai quốc gia hàng đầu của vịnh Ba Tư có thể thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào như vậy hay không.

Trong mọi trường hợp, mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc của Riyadh và Bắc Kinh làm gia tăng khả năng biến vùng vịnh Ba Tư và Trung Đông rộng lớn hơn trở thành đối tác thân thiết của Trung Quốc và là một nhân tố chủ chốt ở Á - Âu. Những diễn biến ở Riyadh có thể là bằng chứng rõ ràng hơn về sự phát triển của chủ nghĩa đa cực.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/arap-xeut-va-trung-quoc-hinh-thanh-quan-he-doi-tac-chien-luoc-i311247/