Archegos và hàng tỷ USD bị thổi bay khi sử dụng công cụ phái sinh
Việc buộc phải bán hơn 20 tỷ USD cổ phiếu nắm giữ có liên quan đến công ty đầu tư của Bill Hwang đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư đến các công cụ phái sinh mà ông sử dụng để tích lũy phần lớn cổ phần tại các công ty niêm yết.
Theo những người có kiến thức trực tiếp về các giao dịch này, phần lớn đòn bẩy được Archegos Capital Management của Bill Hwang sử dụng là do các ngân hàng Nomura Holdings và Credit Suisse Group cung cấp thông qua hợp đồng hoán đổi (swap) hay còn gọi là hợp đồng chênh lệch (CFD).
Trong khi các nhà đầu tư nếu nắm giữ hơn 5% cổ phần trong một công ty niêm yết tại Mỹ sẽ phải công bố thông tin trước khi thực hiện mua bán, nhưng đối với cổ phần nắm giữ thông qua loại công cụ phái sinh được Archegos sử dụng thì không cần công bố thông tin.
Do đó, các sản phẩm được tạo ra từ sàn giao dịch phái sinh cho phép các nhà quản lý như ông Hwang tích lũy cổ phần trong các công ty niêm yết mà không cần phải công bố số cổ phần nắm giữ.
Sự bùng nổ nhanh chóng của Archegos từ việc bán lô lớn cổ phiếu đã thu hút sự chú ý trên thị trường chứng khoán toàn cầu sau khi các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley buộc công ty ông Hwang phải bán hàng tỷ USD cổ phiếu đang nắm giữ do sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Việc bán tháo đã khiến cổ phiếu Baidu và ViacomCBS giảm mạnh và Nomura cùng với Credit Suisse tiết lộ rằng họ phải đối mặt với khoản lỗ đáng kể có thể xảy ra.
Chuỗi sự kiện bắt đầu bởi sự bán tháo khổng lồ này là một lời nhắc nhở khác về vai trò của các quỹ đầu cơ trong thị trường vốn toàn cầu. Việc một quỹ đầu cơ ngắn hạn trong thời gian diễn đàn Reddit điên cuồng vì cổ phiếu Gamestop vào đầu năm nay đã tạo ra khoản lỗ 6 tỷ USD cho Melvin Capital và đẩy mạnh sự giám sát từ các nhà quản lý và chính trị gia Mỹ đối với thị trường chứng khoán.
Việc một công ty có thể tích lũy số lượng lớn cổ phiếu mà không cần công bố thông tin thông qua sử dụng các công cụ phái sinh có thể gây ra một làn sóng chỉ trích khác nhắm vào các công ty được quản lý lỏng lẻo và có khả năng gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Trong khi các cuộc “margin call” vào thứ Sáu (26/3) đã gây ra khoản sụt giảm lên tới 40% ở một số cổ phiếu nhưng chúng không có dấu hiệu lây lan trên các thị trường vào thứ Hai (29/3).
Nhiều thông tin về các giao dịch của ông Hwang vẫn chưa rõ ràng, nhưng những người tham gia thị trường ước tính tài sản của ông đã tăng từ 5 tỷ USD lên 10 tỷ USD trong những năm gần đây và tổng số vị thế cổ phiếu đang nắm giữ có thể lên đến 50 tỷ USD.
CFD và hợp đồng hoán đổi là một trong số các công cụ phái sinh mà các nhà đầu tư tự thỏa thuận riêng với nhau hoặc mua bán qua quầy (OTC) thay vì thông qua các sàn giao dịch công khai. Yếu tố không rõ ràng như vậy đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và các nhà quản lý đã đưa ra một loạt các quy tắc mới về quản lý tài sản kể từ đó.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các hợp đồng hoán đổi và hợp đồng kỳ hạn liên quan đến cổ phiếu có tổng giá trị thị trường là 282 tỷ USD vào cuối tháng 6/2020. Trong khi đó, các hợp đồng hoán đổi lãi suất có tổng giá thị thị trường là 10,3 nghìn tỷ USD và 2,4 nghìn tỷ USD cho các giao dịch hoán đổi và kỳ hạn liên quan đến tiền tệ.
Các cơ quan quản lý đã bắt đầu kiểm soát CFD trong những năm gần đây vì họ lo ngại các công cụ phái sinh quá phức tạp và quá rủi ro đối với các nhà đầu tư cá nhân. Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu vào năm 2018 đã hạn chế việc phân phối CFD cho các cá nhân và giới hạn đòn bẩy. Ở Mỹ, CFD phần lớn cũng bị cấm đối với các nhà giao dịch nghiệp dư.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn cung cấp các công vụ này vì họ có thể kiếm được lợi nhuận lớn mà không cần phải trích lập nhiều vốn so với giao dịch chứng khoán cơ sở. Trong số các quỹ đầu cơ, hợp đồng hoán đổi cổ phiếu và CFD ngày càng phổ biến vì chúng được miễn thuế ở các khu vực pháp lý có thuế cao như nước Anh.