Argentina: Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai viện Quốc hội

Giống phần lớn các nước ở khu vực châu Mỹ, cơ quan lập pháp của Argentina hoạt động theo mô hình lưỡng viện với một Hạ viện hiện có 257 nghị sĩ, đại diện trực tiếp cho cử tri và Thượng viện gồm 72 thượng nghị sĩ, đại diện cho 23 tỉnh, thành phố.

Quốc hội lưỡng viện

Trước kia, mỗi tỉnh được bầu hai thượng nghị sĩ từ hội đồng lập pháp của tỉnh vào Thượng viện tại Quốc hội. Riêng tại Buenos Aires, cử tri bầu ra một hội đồng bầu cử để chọn ra những thượng nghị sĩ. Hiến pháp sửa đổi đặt ra một sự chuyển giao sang hình thức bầu cử trực tiếp đối với tất cả các thượng nghị sĩ, đồng thời, thủ đô và mỗi tỉnh sẽ được bầu thêm một thượng nghị sĩ nữa là người đại diện của phe thiểu số nhận được số phiếu bầu nhiều nhất tại hội đồng bầu cử của tỉnh hoặc thành phố đó.

Cung điện Quốc hội Argentina. Nguồn: britannica

Cung điện Quốc hội Argentina. Nguồn: britannica

Hiến pháp sửa đổi cũng đã giảm nhiệm kỳ của một thượng nghị sĩ từ 9 năm xuống còn 6 năm và cứ hai năm cử tri bầu lại 1/3 số nghị sĩ. Để được chọn làm thượng nghị sĩ thì ứng cử viên phải trên 30 tuổi, có 6 năm là công dân của Argentina với mức thu nhập là trên 2.000 peso (650 USD)/tháng và bắt buộc phải là người bản địa của địa phương hoặc tối thiểu là 2 năm sinh sống tại nơi mà ứng cử viên đó đại diện. Khóa Thượng viện hiện nay bắt đầu từ ngày 10.12.2019.

Theo thông lệ cũ thì Phó Tổng thống đồng thời cũng sẽ là Chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện không có quyền biểu quyết trừ phi tỷ lệ phiếu ủng hộ phản đối ngang nhau, khi đó, quyết định của Chủ tịch Thượng viện sẽ là quyết định cuối cùng. Một điều thú vị đó là Thượng nghị sĩ sẽ làm chủ tọa phiên tòa xét xử Tổng thống nếu vị Tổng thống phạm tội hoặc bị nghi ngờ phạm tội. Phiên tòa đó sẽ chỉ có chức năng bãi nhiệm Tổng thống đó và xóa bỏ tất cả các đặc quyền mà một nguyên thủ quốc gia được nhận sau khi không còn là người đứng đầu đất nước nữa.

Trong khi đó, các hạ nghị sĩ được bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ 4 năm theo phương pháp đại diện tỷ lệ tức là khu vực nào, tỉnh nào đông dân thì số hạ nghị sĩ tương ứng tại hạ viện cũng sẽ nhiều hơn và ngược lại. Mỗi hạ nghị sĩ sẽ đại diện dưới 33.000 cử tri và không ít hơn 16.500 cử tri. Điều kiện để trở thành một hạ nghị sĩ là phải trên 25 tuổi trong đó 4 năm là công dân Argentina và phải là người bản địa của địa phương hoặc tối thiểu là 2 năm sinh sống tại nơi mà ông ta đại diện giống như các thượng nghị sĩ. Khóa Hạ viện hiện nay bắt đầu từ tháng 8.2022.

Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo và phê chuẩn các đạo luật, các bộ luật cơ bản như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Lao động, Luật Hàng không dân dụng, Luật Công nghiệp khai khoáng.

Trong mỗi khóa lập pháp, Quốc hội Argentina hình thành nên những khối chính trị gồm các nhà lập pháp thuộc cùng một đảng hoặc khác đảng phái nhưng có chung mục tiêu và lợi ích. Việc hình thành nên các khối chính trị là một trong những truyền thống lâu đời của Quốc hội Argentina. Mục tiêu của các khối chính trị này là duy trì được tiêu chí và chiến lược chính trị chung trước những vấn đề và sáng kiến lập pháp được đưa ra thảo luận. Ngoài ra, các khối chính trị còn giữ vai trò trung gian, là cầu nối giữa nhân dân và nhà nước, giữa Quốc hội và các đảng phái chính trị. Phần lớn các vấn đề trước khi được thảo luận ở ủy ban đều được đưa ra thảo luận ở các các khối chính trị.

Cơ chế liên kết chặt chẽ

Hàng năm, hai viện tiến hành một kỳ họp thường từ ngày 1.3 đến ngày 30.11. Cả hai viện sẽ cùng bắt đầu và kết thúc khóa họp của mỗi viện vào cùng một thời điểm và trong nhiệm kỳ của mình, không một thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ nào bị truy tố, buộc tội, thẩm vấn hoặc bị quấy rối vì bất kỳ một phát biểu nào mà ông ta phát ngôn.

Cơ chế liên kết giữa hai viện là rất chặt chẽ. Khi một bộ luật được thông qua tại một viện thì nó sẽ được gửi tới viện còn lại để thảo luận kỹ lưỡng. Nếu đạt được sự đồng thuận ở cả hai viện thì dự luật được phê chuẩn để trở thành một bộ luật chính thức áp dụng trên toàn quốc. Cơ chế liên kết này còn được thể hiện rõ hơn tại điều 83, chương 5 Hiến pháp Argentina, trong đó ghi rõ: nếu như một đạo luật bị một viện bác bỏ toàn phần hoặc từng phần thì đạo luật đó sẽ được gửi trả lại cho viện nơi cho ra đời đạo luật này; viện đó sẽ tái xem xét và nếu đạo luật được chấp nhận với 2/3 số phiếu thuận thì đạo luật đó sẽ được một lần nữa chuyển tới viện còn lại để thảo luận. Nếu cả hai viện đều thông qua với cùng 2/3 số phiếu thuận thì đạo luật đó sẽ trở thành luật và được chuyển tới cho cơ quan Hành pháp để cơ quan này ban hành.

Đứng giữa hai viện này có một người giám sát với quyền lực độc lập. Người này được chỉ định và bãi miễn theo số phiếu 2/3 tại mỗi viện và phục vụ theo một nhiệm kỳ 5 năm. Qua đây ta có thể thấy được quy trình làm việc của Quốc hội Argentina mà thực chất ở đây chính là cơ chế trao đổi thông tin giữa hai viện nhằm giúp hoạt động lập pháp được tiến hành chặt chẽ. Cơ chế lưỡng viện cũng là một nét truyền thống mang tính điển hình của sự đa dạng trong hệ thống nghị viện ở các nước Mỹ Latinh.

Hoài Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/argentina-su-phoi-hop-chat-che-giua-hai-vien-quoc-hoi-i324246/