Armenia-Azerbaijan 'nướng' cả 100 xe tăng chỉ sau 7 ngày, vua chiến trường đã hết thời?
Theo National Interest, thời đại của xe tăng đã hết, bởi chúng quá dễ tổn thương trước các loại vũ khí tấn công tiên tiến như UAV hay tên lửa chống tăng.
Trong bài phân tích mới đây trên tờ The National Interest, cây bút Peter Suciu cho rằng vai trò của xe tăng và các mẫu xe bọc thép dần trở nên mờ nhạt trong môi trường chiến tranh hiện đại, bởi chúng quá dễ tổn thương trước các loại vũ khí mới.
Peter Suciu còn lấy dẫn chứng từ cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, xung quanh vùng tranh chấp ở Nagorno-Karabakh. Chỉ trong hơn 1 tuần giao tranh, cả hai bên tham chiến đều mất tới hàng trăm phương tiện chiến đấu bọc thép.
Theo Bộ Quốc phòng Armenia và Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh, lực lượng của liên minh này đã tiêu diệt được 137 xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân của Azerbaijan chỉ trong một tuần.
Về phần Azerbaijan, họ cũng tuyên bố tiêu diệt được 130 xe tăng và xe bọc thép các loại của lực lượng Armenia.
Mặc dù, độ chính xác của những tuyên bố trên chưa được kiểm chứng nhưng dựa trên những đoạn video chiến sự được cả Armenia và Azerbaijan ghi lại thì thiệt hại của lực lượng tăng thiết giáp hai bên không hề nhỏ.
Điển hình như Azerbaijan, họ mất ít nhất 10 xe tăng và xe chiến đấu bộ binh trong hai ngày đầu tiên, sau khi chiến sự bùng phát vào ngày 27/9.
Cũng theo Suciu, nếu Armenia sử dụng tên lửa chống tăng, mìn và pháo để ngăn bước tiến của xe tăng Azerbaijan thì ở phía bên kia Baku lại sử dụng máy bay tấn công không người lái (UAV) để vô hiệu hóa lực lượng thiết giáp và pháo binh của Yerevan.
Với những gì đang diễn ra trên chiến trường Nagorno-Karabakh, cây bút Suciu đưa ra nhận định thời đại của xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép đã hết, bởi chúng quá dễ bị tổn thương trước các loại vũ khí tấn công tiên tiến như UAV hay tên lửa chống tăng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự lại cho rằng việc hàng trăm xe bọc thép bị "nướng chín" chỉ trong một tuần ở Nagorno-Karabakh không đơn thuần là do vũ khí mà còn ở cách người ta sử dụng chúng.
Cây bút Peter Suciu cho rằng để có thể sử dụng xe tăng một cách hiệu quả trên một địa hình phức tạp như ở Nam Caucasus cần phải có một chiến thuật đặc biệt, thế nhưng giới chỉ huy Armenia và Azerbaijan lại không nhận thức được điều này.
Mặt khác hầu hết xe tăng được các bên đưa ra tham chiến đều là xe tăng thế hệ cũ và không có khả năng phòng vệ trước các cuộc tập kích bằng UAV. Do đó, nói xe tăng đã hết chỗ đứng trong môi trường chiến tranh hiện đại là có phần hơi thái quá.
Hiện tại, Quân đội nhiều nước trên thế giới vẫn đầu tư mạnh vào việc xây dựng hoặc nâng cấp lực lượng tăng thiết giáp như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp và Đức.