Armenia - Azerbaijan tái chiến: Hòa giải quốc tế thất bại?

Mới đây, Armenia và Azerbaijan đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và tiến hành tổng động viên sau khi giao tranh 'bùng nổ' tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh do Armenia chiếm đóng từ cuối tuần trước. Lực lượng quân sự 'khổng lồ' đã được cả hai nước đưa đến mặt trận. Truyền thông quốc tế cho biết, giao tranh ác liệt diễn ra với con số thương vong, thiệt hại tài sản, khí tài quân sự không ngừng gia tăng và vẫn là một 'ẩn số' chưa thể thống kê chính xác. Trong đó, số người thiệt mạng ở 2 bên chiến tuyến liên tục gia tăng đang với mức 3 con số, gồm cả thường dân.

Phương tiện quân sự của Azerbaijan bị tấn công trong cuộc chiến mới với Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: AFP

Phương tiện quân sự của Azerbaijan bị tấn công trong cuộc chiến mới với Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: AFP

Vùng Nagorno-Karabakh rộng khoảng 4.400km2 nằm trong lãnh thổ Azerbaijan được quốc tế công nhận. Trong thời kỳ Liên Xô, Azerbaijan được trao quyền kiểm soát khu vực nhưng phần lớn dân số (khoảng 150.000 người Armenia của vùng) bác bỏ sự cai trị này, dẫn đến một loạt các cuộc đụng độ giữa 2 nước khiến hàng vạn người chết. Từ đó, Nagorno-Karabakh dần chuyển thành khu tự trị với sự hỗ trợ của Armenia vào những năm 1990.

Sơ lược về mối quan hệ Armenia và Azerbaijan trong thời kỳ hiện đại, giới chuyên gia chính trị quốc tế cho biết, kể từ khi có lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào năm 1994, Armenia đã chiếm đóng khu tự trị Nagorno-Karabakh của Azerbaijan cùng với 7 quận lân cận của Azerbaijan (tương đương gần 14% lãnh thổ của Azerbaijan). Giới quan sát khu vực đánh giá, giao tranh diễn ra lẻ tẻ trong nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ bùng nổ thành chiến tranh như những ngày này. Cuộc giao tranh mới nhất đã đưa xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh đến một giai đoạn quan trọng sau một phần tư thế kỷ hòa giải quốc tế thất bại.

Giới chuyên gia an ninh khu vực cho rằng, “mồi lửa” châm ngòi cuộc chiến lần này chính là các cuộc đụng độ vào tháng 7 vừa qua khiến dư luận Azerbaijan vô cùng bức xúc. Đặc biệt, sự kiện một chỉ huy quân đội được người dân Azerbaijan mến mộ tử trận được xem là đỉnh điểm của “làn sóng” biểu tình tại thủ đô Baku, Azerbaijan. Dư luận Azerbaijan gia tăng áp lực yêu cầu chính quyền phải leo thang xung đột với Armenia để giành lại lãnh thổ vùng Nagorno-Karabakh. Khi chiến sự nổ ra vào cuối tuần trước, cả 2 bên đều cáo buộc lẫn nhau là thủ phạm “khai hỏa”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Mỹ cảnh báo rằng, sự can thiệp từ bên ngoài có thể làm trầm trọng chiến sự, đặc biệt là tác động từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã khởi động các giải pháp để chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến này.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ là Azerbaijan, Azerbaijan là Thổ Nhĩ Kỳ”, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với Azerbaijan. Bên kia chiến tuyến, Nga đã điều động thiết bị quân sự tới Armenia thông qua không phận Iran. Giới chuyên gia an ninh quốc tế nhìn nhận, khi thương vong càng lớn thì việc đạt được một nền hòa bình lâu dài càng trở nên khó khăn. Nguy cơ chiến tranh lan rộng là khá rõ ràng bởi 2 quốc gia này được xem là “cầu nối” hàng loạt hạ tầng trọng yếu của khu vực Trung Á và châu Âu, như: Hành lang khí đốt, dầu thô; giao thông vận tải đa quốc gia; các tuyến cáp quang chính;... Vì vậy, bất ổn tại khu vực sẽ khiến hàng loạt cường quốc “ngồi trên lửa”.

Theo chuyên gia Janusz Bugajski (Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu có trụ sở tại Mỹ), nỗ lực hòa giải quốc tế trong thời gian qua đã chính thức thất bại và cấp thiết phải thiết lập một nền tảng khác, trong đó, Nga phải đóng vai trò quan trọng trong chủ trì, điều phối. Bởi lẽ, dù hậu thuẫn Armenia nhưng Nga cũng có quan hệ khá tốt với Azerbaijan cũng như có vị thế quan trọng để chi phối tình hình khu vực này. Một hình thức đàm phán hòa bình do Mỹ và EU dẫn đầu cũng phải được thiết lập ngay để tạo điều kiện cho thỏa thuận ngừng bắn và thúc đẩy giải pháp lâu dài, gồm việc xác định lãnh thổ và đầy đủ các quyền lợi.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/armenia-azerbaijan-tai-chien-hoa-giai-quoc-te-that-bai-post433629.html