Armenia bất ngờ hủy cuộc tập trận chung của liên minh do Nga dẫn dắt
Armenia vừa từ chối đăng cai cuộc tập trận chung của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), một liên minh hậu Liên Xô do Nga dẫn dắt. Quyết định phản ánh căng thẳng ngày càng gay gắt giữa Yerevan và Mátxcơva.
Trước đó, Nga thông báo Armenia sẽ là nước chủ nhà cuộc tập trận thường niên của nhóm, gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
“Bộ trưởng Quốc phòng Armenia đã thông báo với Bộ Tổng tham mưu CSTO rằng trong tình hình hiện nay, chúng tôi thấy việc tổ chức cuộc tập trận của CSTO trên lãnh thổ Armenia là không hợp lý. Ít nhất hoạt động như vậy sẽ không diễn ra tại Armenia trong năm nay”, Interfax dẫn lời Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Khi được hỏi về việc hủy cuộc tập trận, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Mátxcơva sẽ đề nghị Yerevan làm rõ quan điểm.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Armenia là một đồng minh gần gũi của chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, bao gồm cả những vấn đề phức tạp nhất”, ông Peskov nói với báo chí.
Năm 2022, Thủ tướng Armenia Pashinyan từ chối ký văn bản kết luận hội nghị các lãnh đạo CSTO ở Yervan, thủ đô của Armenia.
Căng thẳng bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa Armenia với Azerbaijan ở vùng đất Nagorno-Karabakh.
Hai quốc gia hậu Liên Xô vẫn duy trì quan hệ tốt với Nga sau khi Mátxcơva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga có một căn cứ quân sự ở Armenia và Điện Kremlin cũng muốn duy trì quan hệ tốt với Azerbaijan.
Tranh chấp Nagorno-Karabakh
Nagorno-Karabakh nằm trong Azerbaijan nhưng thuộc kiểm soát của lực lượng người gốc Armenia mà Yerevan hậu thuẫn, kể từ cuộc chiến đòi ly khai kết thúc năm 1994. Cuộc xung đột đó không chỉ khiến Nagorno-Karabakh mà cả những dải đất rộng xung quanh rơi vào tay Armenia.
Trong cuộc chiến 44 ngày xảy ra tháng 9/2020, quân đội Azerbaijan đẩy lùi quân Armenia, buộc Yerevan phải chấp nhận thỏa thuận hòa bình do Nga điều phối, để từ đó một phần đất đáng kể của Nagorno-Karabakh về tay Azerbaijan.
Thỏa thuận này cũng buộc Armenia phải trao một dải đất rộng mà họ kiểm soát bên ngoài vùng ly khai cho Azerbaijan.
Ông Pashinyan nhiều lần chỉ trích lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không bảo đảm được sự lưu thông tự do dọc hành lang kết nối Armenia và Nagorno-Karabakh.
Nga điều gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình đến bảo đảm đi lại ở khu vực này và giám sát việc thực thi thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, những người Azerbaijan tự xưng là nhóm hoạt động môi trường đã chặn hoạt động đi lại ở đây từ ngày 12/12/2022, với cáo buộc Armenia có hoạt động khai thác mỏ trái phép ở khu vực.
Armenia kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga khai thông đường đi, nhưng Mátxcơva áp dụng cách tiếp cận ngược đối với tranh chấp, khiến Chính phủ Armenia nổi giận.