Armenia cáo buộc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-25 của nước này
Trang Armenpress (Armenia) ngày 29/9 dẫn nguồn tin quân sự Armenia cáo buộc nhóm máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một chiếc Su-25 của không quân Armenia trên không phận nước này.
Quân đội Armenia cho biết, các máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/9 đã được triển khai chống lại Armenia và bắn hạ một chiến đấu cơ Su-25 của nước này trong cuộc tấn công vào khu vực Artsakh.
Nguồn tin cho biết, phi công của chiếc Su-25 đã thiệt mạng. Chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc đã vào sâu lãnh thổ Armenia 60 km khi xảy ra vụ việc.
"Hôm nay, bắt đầu từ 10h30, những chiếc F-16 Không lực Thổ Nhĩ Kỳ đã cất cánh từ sân bay Gyanja tại Azerbaijan, được yểm trợ bởi Su-25 của Azerbaijan và máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo từ sân bay Dalyar, Azerbaijan, đã tấn công các khu định cư của người Armenia và các vị trí của Lực lượng vũ trang Armenia đóng tại vùng Vardenis, Mets Masrik và Sotk của Armenia" - Armenpress dẫn nguồn tin cho biết.
Cùng ngày, theo trang RT (Nga), Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ cáo buộc trên. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng phủ nhận thông tin F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Armenia.
Diễn biến nói trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Armenia - Azerbaijan và có nguy cơ biến thành một cuộc chiến toàn diện.
Đụng độ lớn giữa quân đội Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn bất chấp kêu gọi của cộng đồng quốc tế về thiết lập ngừng bắn tức thời. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia, bà Shushan Stepanian, quân đội Azerbaijan đã nối lại các cuộc tiến công nhằm vào Nagorno-Karabakh trong sáng ngày 28/9, huy động cả xe tăng và pháo hạng nặng. Tuy nhiên, các đơn vị chiến đấu của Armenia đáp trả “tự tin” trước đòn tấn công của phía Azerbaijan.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói rằng các đơn vị quân đội nước này ở tiền tuyến vẫn tiếp tục chiến dịch phản công sau khi chiếm được một số điểm cao gần một ngôi làng ở Nagorno-Karabakh. Hãng thông tấn nhà nước của Azerbaijan cho biết Bộ Quốc phòng cáo buộc phía Armenia pháo kích vào địa điểm gần thị trấn Terter của Azerbaijan, đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.
Trước đó, ngày 27/9, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cho hay Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các bên ngay lập tức chấm dứt giao tranh, giảm căng thẳng và trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Tổng Thư ký LHQ lên án việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc trước những mất mát về người do xung đột. Tuyên bố nêu rõ Tổng Thư ký Guterres muốn thảo luận với Tổng thống Azerbaijan và Thủ tướng Armenia về vấn đề này.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tìm cách chấm dứt bạo lực giữa Armenia và Azerbaijan. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã liên lạc với hai nước để hối thúc các bên ngay lập tức chấm dứt thù địch, sử dụng các kênh liên lạc trực tiếp hiện nay để tránh leo thang căng thẳng.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay (29/9, theo giờ New York) có cuộc họp khẩn theo yêu cầu của Pháp và Đức để thảo luận về tình hình khu vực. Nhiều quốc gia cũng lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt các hành động bạo lực.
Armenia và Azerbaijan - hai nước từng thuộc Liên bang Xô viết - đã vướng vào xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.