Armenia đang tìm cách rời xa Nga?

Diễn biến tiếp theo của động thái này sẽ phụ thuộc phần lớn vào các sự kiện bên ngoài và các lựa chọn của các nước láng giềng của Armenia.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Tom de Waal, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie châu Âu, chuyên gia về Đông Âu và khu vực Caucasus mới đây, trong một quá trình bắt đầu vào năm 2018 và tăng tốc vào năm 2022, quan hệ giữa Armenia và Nga ngày càng rạn nứt. Dù quan hệ thể chế chính thức vẫn được duy trì hay các cuộc tiếp xúc cấp cao vẫn tiếp tục và mối quan hệ kinh tế đã trở nên mạnh mẽ hơn kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, nhưng thực tế là Chính phủ Armenia, do Thủ tướng Nikol Pashinyan lãnh đạo, đang tích cực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Moskva.

Trong hai năm qua, Chính phủ Armenia đã thực hiện một loạt các động thái mang tính biểu tượng cao, phản ảnh một phần sự thay đổi này. Armenia đã đóng băng sự tham gia của mình vào hiệp ước quân sự do Nga đứng đầu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Armenia cũng đã chấp nhận một lực lượng giám sát biên giới dân sự do EU đứng đầu, từ chối đề xuất của Nga về lực lượng này. Ngoài ra, Armenia đã gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế và Thủ tướng Pashinyan đã gặp công khai hai trong số những đối thủ của Moskva: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhà lãnh đạo Belarus lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya.

Các quan chức phương Tây đã ủng hộ động thái này. Vào ngày 5/4 vừa qua, một cuộc họp cấp cao tại Brussels có sự tham dự của Thủ tướng Pashinyan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi thông điệp ủng hộ chính trị tới Armenia. Họ cũng cam kết hỗ trợ tài chính bổ sung cho Armenia.

Tuy nhiên, học giả Waal cho rằng diễn biến tiếp theo của động thái này sẽ phụ thuộc phần lớn vào các sự kiện bên ngoài và các lựa chọn của các nước láng giềng của Armenia. Trước hết, đó là Azerbaijan, quốc gia vẫn có ưu thế hơn nhiều về mặt quân sự và chính trị so với Armenia và đã thể hiện sự sẵn sàng sử dụng vũ lực nhiều lần trong vài năm qua; chỉ khi một thỏa thuận hòa bình Armenia-Azerbaijan được ký kết, thì mối đe dọa về xung đột mới giảm bớt.

Yếu tố tác động thứ hai là diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, tình hình ở Gruzia và Iran cũng sẽ ảnh hưởng đối với Armenia.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo CEIP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/armenia-dang-tim-cach-roi-xa-nga-20240720000810157.htm