Asanzo tự 'minh oan', khẳng định cáo buộc trốn thuế chỉ là đồn thổi
Asanzo khẳng định cáo buộc trốn thuế chỉ là đồn thổi tại cuộc họp báo với chủ đề 'Asanzo được minh oan' sáng nay 17/9.
Cơ quan chức năng chưa kết luận vụ việc, Asanzo tự "minh oan"
Nhiều phóng viên báo chí không khỏi chưng hửng sau khi tham dự cuộc họp báo "Chúng tôi được minh oan" do Asanzo tổ chức sáng nay 17/9.
Cụ thể, giấy mời họp báo ghi rõ: "Họp báo công bố kết luận thanh tra, kiểm tra đối với Asanzo", tuy nhiên, đến thời điểm họp báo, cơ quan chức năng khẳng định vẫn chưa có kết luận về vụ việc. PV Báo Thanh niên hỏi thẳng: "Chưa có kết luận của Bộ tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước, Asanzo đã tổ chức họp báo có khách quan?", đại diện Asanzo đã "xin phép trả lời sau".
Trong buổi họp báo, ông Phạm Ngọc Hưng, người trước đó tự nhận là được Asanzo mời tư vấn, xử lý truyền thông đã dẫn hai văn bản của VCCI và Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) thông tin về việc Asanzo không vi phạm quy định về xuất xứ chứng nhận hàng hóa. Asanzo cho rằng, với hai văn bản này Asanzo sẽ được minh oan, không vi phạm quy định của pháp luật về gian lận xuất xứ hàng hóa như một số báo đã “buộc tội” họ trước đó.
Nhưng hai văn bản này có đủ minh oan cho Asanzo chưa? “Với hai văn bản này chưa có cơ quan nhà nước nào kết luận Asanzo vi phạm xuất xứ hàng hóa như một số tờ báo quy kết. Hai văn bản này khẳng định chưa có cơ quan nào nói anh Tam sai”, ông Trần Đức Hoàng, luật sư cố vấn của Công ty Asanzo nói.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo nói thêm: “Ngay từ đầu báo nói chúng tôi giả xuất xứ. VCCI và Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra thì không phải. Theo luật pháp chúng tôi là phù hợp và không vi phạm. Hy vọng các bộ công bố sớm để chúng tôi còn sản xuất”.
Thông tin thêm, ông Tam cho biết ngay sau khi diễn ra cuộc họp báo với công bố là đã được minh oan, trong cùng ngày hôm nay Asanzo sẽ mở cửa trở lại các nhà máy sẽ hoạt động trở lại sau gần 3 tháng đóng cửa phục vụ điều tra. Đồng thời Asanzo cũng sẽ đi vào hoạt động nhà máy mới với quy mô và công suất (2-2,5 triệu sản phẩm/năm) gấp 4 lần các nhà máy hiện nay để hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn chuyên ngành điện tử và điện tử thông minh trong 5 năm tới; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hơn so với hiện nay.
Về đối tác, “5 năm qua chúng tôi có phần quản lý chưa chặt đầu vào và sẽ phải kiểm soát chặt nhà cung cấp để không còn tình trạng đó xảy ra”, ông Tam nói.
"Chúng tôi cũng khá băn khoăn về các công ty "ma"
Tại họp báo, PV Báo Giao thông đặt một số câu hỏi với Asanzo: "Ngoài cáo buộc gian lận xuất xứ, xâm hại nhãn hiệu Asano của công ty Đông Phương, Asanzo có dám khẳng định không vi phạm gì về thuế không? Asanzo giải thích như thế nào khi các công ty có liên quan đồng loạt biến mất sau khi báo Tuổi trẻ đăng tải loạt bài viết về doanh nghiệp? Dù tuyên bố không liên quan, nhưng hàng chục lãnh đạo các công ty "ma" này được chính Asanzo đóng bảo hiểm? Asanzo nói rằng thời gian qua bị oan và bị thiệt hại cả ngàn tỷ đồng, do việc thanh, kiểm tra khiến mọi hoạt động kinh doanh đình trệ. Vậy, ngoài Báo Tuổi trẻ, Asanzo có kiện các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường... không?"
Tuy nhiên, ông Trần Đức Hoàng, luật sư cố vấn của Công ty Asanzo đề nghị mỗi báo chỉ được đặt một câu hỏi và ông thay mặt Asanzo trả lời câu hỏi về thuế mà Báo Giao thông đặt ra. Theo đó, ông Hoàng khẳng định, thông tin Asanzo có thể bị kiện vì gian lận và trốn thuế chỉ là đồn thổi. “Đồn thổi chỉ là đồn thổi thôi. Hiện tại Công ty đã đóng đầy đủ với cơ quan nhà nước. Trước khi có đoàn kiểm tra công ty đã gửi câu hỏi về các băn khoăn, chúng tôi khẳng định anh Tam và toàn bộ người lao động luôn muốn đóng thuế đầy đủ nhất với nhà nước Việt Nam”, ông Hoàng nói.
Câu hỏi về việc Asanzo có nhiều đối tác là công ty "ma" của Báo Giao thông được một đồng nghiệp tiếp tục đặt nhắc lại. Ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định lại 14 công ty này chúng tôi không có mối quan hệ sở hữu hay điều khiển hay mối quan hệ nào ngoại trừ mối quan hệ mua bán. Những công ty này không chỉ cung cấp hàng hóa cho Asanzo mà còn cho các công ty khác. Chúng tôi cũng khá băn khoăn về các công ty này”.
Ông Tam cũng nêu vấn đề: “Vấn đề là họ có vi phạm bất kỳ quy định nào hay không? Tổng cục Hải quan không có kết luận nào về việc các công ty này vi phạm quy định nào. Các công ty này có mua bán với chúng tôi nhưng xin khẳng định là họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu trách nhiệm với chúng tôi nếu gây ảnh hưởng tới chúng tôi”, ông Hoàng nói.
Còn với trường hợp Công ty Sa Huỳnh đã được chuyển hồ sơ để khởi tố, luật sư cố vấn của Asanzo cũng cho biết: “Khi xảy ra vụ việc, tôi gọi ngay với bên pháp chế và kinh doanh lục ngay các hồ sơ đặt hàng, mua bán xem mình có mua bán hay đặt hàng từ Sa Huỳnh không thì câu trả lời là không”.
Chờ tới khi họp báo kết thúc, PV Báo Giao thông mới tiếp tục trở lại câu hỏi: Ngoài Tuổi trẻ, Asanzo có kiện thêm cơ quan nào khác vì gây thiệt hại cho doanh nghiệp - như trong thông cáo báo chí ngày 31/8 về việc tuyên bố dừng hoạt động? Trả lời bên lề họp báo, ông Phạm Văn Tam cho biết sẽ tiếp tục vụ kiện báo Tuổi trẻ TP.HCM. Trong trường hợp Asanzo được minh oan và được chứng minh không có sai phạm, ông Tam cho biết không có ý định kiện thêm đơn vị nào. Trong trường hợp này Asanzo cũng muốn cảm ơn các cơ quan điều tra đã làm việc để minh oan cho doanh nghiệp.