ASEAN BIS 2020: Công nghệ số sẽ là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp phát triển
Chiều 13/11, cuộc thảo luận về Công nghệ và Tương lai việc làm tại ASEAN, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS 2020), cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay thế công nhân nhưng đồng thời tạo ra nhu cầu sử dụng lao động mới. Trong khi đó, một số công việc sẽ mất đi thì một số công việc khác lại xuất hiện, đòi hỏi những kỹ năng tay nghề mới.
Công nghệ đang thay đổi các nền kinh tế Đông Nam Á theo những cách khác nhau. Vậy, tương lại việc làm sẽ như thế nào? Làm thế nào các doanh ngiệp ASEAN có thể thích ứng để nâng cao khả năng cạnh tranh? Cần thực hiện những gì để có lao động với kỹ năng phù hợp được đào tạo cho các công việc của tương lai là những vấn đề được đề cập tại phiên thảo luận về Công nghệ và Tương lai việc làm tại ASEAN.
Cuộc cách mạng số phải mang tính bao trùm
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Tổng thống Indonesia Ir. H. Joko Widodo nhấn mạnh, tiềm năng kinh tế số của khu vực ASEAN lên tới 200 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện kinh tế số mới chỉ chiếm 7% trong tổng GDP của ASEAN.
Theo Tổng thống Ir. H. Joko Widodo, 56% việc làm của các nước ASEAN đang chịu rủi ro từ tự động hóa. Đồng thời, khoảng cách số giữa các quốc gia ASEAN cũng khá lớn, kinh tế số phân bố không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN.
Hiện tại, chỉ có 3 nước tại khu vực ASEAN sở hữu độ phủ song Internet mức trên 80%. Đây là những thách thức phải được dự liệu trước và có giải pháp đột phá, tăng tốc chuyển đổi số tại ASEAN.
Do dó, Tổng thống Indonesia cho rằng, cần đảm bảo cuộc cách mạng số mang tính chất bao trùm. Phải thúc đẩy quá trình cách mạnh số, phát triển hạ tầng số giữa các khu vực từ đô thị đến làng bản xa xôi, chi phí vừa túi tiền, tăng hiểu biết và kỹ năng về kinh tế số, tái bồi dưỡng kỹ năng.
“Chúng ta phải là 1 người chơi, Chính phủ các nước phải tham gia hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi các doanh nghiệp này sẽ là xương sống cho các nước ASEAN, sự tăng tốc chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong các quốc gia ASEAN, biến ASEAN thành khu vực kinh tế thân thiện về kinh tế số”, ông Widodo khẳng định.
Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ Thương mại quốc tế Myanmar U Thaung Tun chia sẻ, sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mọi thứ sẽ khác, đổi mới sáng tạo khu vực công, sự gia tăng mạnh mẽ của các thiết bị di động, trong bối cảnh ngày nay, cơ quan công quyền cũng cần gia tăng năng lực, bắt kịp thời đại.
Theo đó, cần tạo ra việc làm có chất lượng, các Chính phủ sẽ là bên thúc đẩy, định hướng về kinh tế số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, giảm hàng rào gia nhập thị trường.
Ông U Thaung Tun cho hay, cũng như các quốc gia ASEAN, Myanmar nỗ lực tạo ra sự phát triển song hành để tạo ra những cơ hội cho kinh tế xã hội phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo an toàn cho người lao động.
Còn theo Nghị sĩ Elizabeth Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, công nghệ đang thay đổi tất cả các nền kinh tế khác nhau trong đó các nền kinh tế Đông Nam Á cũng như kinh tế Việt Nam theo những cách khác nhau.
Theo đó, sự xuất hiện của công nghệ đã góp phần đem lại số công việc khổng lồ tại ASEAN. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng công nghệ vào trong quá trình vào trong đời sống sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ nhanh chóng phát triển mà còn giúp đảm bảo công việc cho nhân viên.
"Nước Anh đã hỗ trợ 6,3 triệu bảng cho quỹ thịnh vượng của ASEAN. Sự thịnh vượng của các quốc gia ASEAN sẽ giúp các nước có thể chống chọi với các cú sốc trong tương lai, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung”, Nghị sĩ Elizabeth Truss nói.
Lấy con người làm trọng tâm
Nhấn mạnh nguyên tắc khi phát triển kinh tế số, ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho rằng, con người là quan trọng, là trọng tâm trong phát triển kinh tế số.
Lấy ví dụ tại Nhật Bản, ông Sasaki Nobuhiko cho biết, ASEAN là địa điểm đầu tư lớn ở châu Á, thậm chí vượt Trung Quốc. Trong đó, trọng tâm là các lĩnh vực như xe hơi, điện tử. Các công ty Nhật cũng cam kết lan tỏa công nghệ, kinh nghiệm cho người lao động. Trong quá trình này các công ty Nhật sẽ đề cao việc chuyển giao đào tạo giúp lao động tại các quốc gia ASEAN thích nghi với thay đổi công nghệ.
Nguyên tắc thứ 2 là liên kết phát triển. Kinh tế số mới chỉ được áp dụng tỷ trọng nhỏ ở y tế, giáo dục... Do đó, JETRO đã tạo cơ hội hợp tác với các tổ chức, công ty. Các công ty Nhật Bản cũng chuyển giao kỹ năng và cung cấp nhân lực.
"Trong một thế giới có nhiều biến đổi thì các yếu tố như công nghệ số sẽ là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp cũng như các quốc gia phát triển. Chìa khóa cạnh tranh của ASEN là đưa ra tiêu chuẩn đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ nhân lực", ông Sasaki Nobuhiko khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch, Ban Quan hệ Chính phủ và Chính sách Công, Google châu Á-Thái Bình Dương Ted Osius cho biết, chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng sâu rộng chưa từng có ở các quốc gia, quá trình chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ, năm nay, nền kinh tế số sẽ tăng 100 triệu USD năm 2020.
Ông Ted Osius cho biết, hậu Covid-19, người sử dụng Internet đang mang lại cơ hội hồi phục cho các nước ASEAN, các công ty công nghệ có cơ hội sống sót, đồng thời hỗ trợ các quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng tĩnh, thông minh.
“Các nguồn lực tài năng số giúp chúng ta xây dựng hệ sinh thái số. Các công nghệ không thể không có ích khi chúng ta không biết dùng nó. Phát triển kỹ năng là yêu cầu then chốt trong phục hồi kinh tế, các quốc gia xây dựng được năng lực này sẽ phát triển và tăng trưởng nhanh chóng”, ông Ted Osius nói.
Còn ông Kevin Aluwi, CEO GoJek chia sẻ, số hóa có thể gặt hái lợi ích hiệu quả khi dữ liệu số hóa được sử dụng để tự động hóa các quy trình và cho phép khả năng truy cập tốt hơn - nhưng số hóa không tìm cách tối ưu hóa các quy trình hoặc dữ liệu.
“Số hóa giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đây là vấn đề mà doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm”, ông Kevin nhấn mạnh.