ASEAN BIS 2020: 'Thức tỉnh' sau Covid-19, tương lai định hướng đầu tư vào khu vực
Sáng 13/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN BIS 2020, các đại biểu đã tham gia phát biểu và thảo luận về Tương lai định hướng đầu tư ESG vào ASEAN.
Tại phiên thảo luận về Tương lai định hướng đầu tư ESG vào ASEAN, (xu hướng đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt), dưới sự điều hành của ông Christophe Bahuet - Phó Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình phát triển triển Liên hợp quốc (UNDP), các đại biểu đến từ Aberdeen Standard Investments, Tập đoàn Premier, Sintesa Group, Quỹ đầu tư Patamar Capital... đã tham gia thảo luận về định hướng đầu tư vào khu vực.
Chính phủ và doanh nghiệp nên làm gì cùng nhau để thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản trị tốt? Làm thế nào ASEAN có thể tăng cường sự phát triển của Fintech trên tất cả các quốc gia thành viên? Làm thế nào công nghệ có thể hỗ trợ đầu tư xanh hơn?... là những vấn đề được đặt ra.
ASEAN hướng tới phát triển bền vững và bao trùm
Thảo luận về tương lai định hướng đầu tư ESG vào ASEAN, ông Christophe Bahuet – Phó Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh, các nước ASEAN đang trên chặng đường phát triển kinh tế bền vững và mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng xu thế chung của ASEAN vẫn là tăng trưởng.
Ông cho biết, các quốc gia ASEAN đang có nhiều cơ hội phát triển từ các đối tác. Bên cạnh đó, các vấn đề phát triển của các nền kinh tế cũng được đặt ra, đồng thời là vai trò tham gia của các Chính phủ, giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch, các vấn đề khía cạnh xã hội như độ bình đẳng trong thu nhập, tính minh bạch trong khuôn khổ pháp lý...
“Liên hợp quốc và UNDP quan tâm tới vấn đề này, đã có các mục tiêu phát triển đặt ra, chúng tôi cũng đang làm việc với các doanh nghiệp để phát triển mô hình kinh tế xanh... tìm hiểu những gì đang diễn ra chúng tôi mong muốn tận dụng được các cơ hội để ASEAN phát triển xanh và bền vững hơn”, ông Christophe Bahuet cho biết.
Phát biểu trực tuyến, chia sẻ về ASEAN số hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, ông Tan Sri Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Malaysia cho rằng, Covid-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có, một thế giới hoàn toàn mới đã vượt ra mọi vấn đề về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đến cách thức sống và làm việc đã thay đổi...
Các hoạch định chính sách cũng đã phải thay đổi thích ứng với Covid-19, theo đó, tập trung vào đưa lao động trở lại thị trường, giảm đứt gãy của hoạt động sản xuất kinh doanh. “Và tới đây là khai phá khả năng đưa ra các chính sách phù hợp để có thể đưa nền kinh tế trở nên bền bỉ, các cơ chế phải bền vững và bao trùm, đảm bảo mọi mảng của nền kinh tế đều có được sức chống chịu cao, thậm chí khai phá mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế", Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.
Theo đó, để doanh nghiệp và người dân có cuộc sống thịnh vượng, khai phá được tiềm năng phải nhận thức rằng đảm bảo được những người yếu thế nhất và duy trì tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu ESG – môi trường, xã hội và quản trị là hoàn toàn phù hợp.
“Những triểt lý căn bản của ESG cũng tương đồng với tầm nhìn của ASEAN thời gian tới đây. Chúng tôi mong muốn bao hàm ESG vào mọi hoạt động phát triển mang tính tầm nhìn của chúng tôi. Từ tháng 10/2019, chúng tôi đã thúc đẩy sự kiện tham gia của các bên vào việc đưa các yếu tố ESG vào vun trồng môi trường kinh doanh thuận lợi”, Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin nói.
“Covid-19 với sự đứt gãy đòi hỏi tất cả chúng ta phải sát cánh vì một khu vực ASEAN bền vững bao trùm và có tính bền bỉ cao, thuận lợi và tự do thương mại”, ông Tan Sri Muhyiddin Yassin nhấn mạnh.
Thích ứng, vượt qua thách thức
Bà Kanni Widnaraja - Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc khu vực châu Á, Thái Bình Dương đánh giá cao vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Khi nhiều quốc gia ASEAN đã thành công vượt qua các tác động của dịch bệnh, nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết như sinh kế, việc phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, ô nhiễm không khí, môi trường.
Hiện nay chúng ta thấy đối với các quốc gia thì các nhà lãnh đạo luôn có thông điệp rất rõ ràng là hãy đầu tư vào 3 trụ cột: môi trường, duy trì sự ổn định xã hội, trách nhiệm quản trị ( ESG) đây chính là cách giúp doanh nghiệp phát triển.
Thảo luận về vấn đề tăng cường mức độ, tác động hoạt động đầu tư xác định được chúng ta cần phải làm gì và gợi vai trò của ông ở Thái Lan, ông Vichien Phongsathorn - Chủ tịch Tập đoàn Premier Group đánh giá dịch bệnh như “cú” thức tỉnh cho mọi người, dịch bệnh đã “đánh thức” tất cả chúng ta phải phục hồi kinh tế xã hội chuyển dần sang có tính bao trùm.
Để phục hồi được theo ông sẽ không ý nghĩa nếu làm theo cách cũ mà phải học được từ sự thức tỉnh này xem điều gì đang xảy ra với môi trường, xã hội, những điểm yếu trong hệ thống quản trị.
Theo ông, đầu tiên chúng ta phải tìm ra những cơ hội hợp tác, cần nỗ lực sát cánh nhau để tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ sinh thái ESG. Cần đầu tư tổng thể để chúng ta tiến lên phía trước trong bối cảnh hiện nay.
Nhìn nhận đúng vai trò của ESG
Bà Shuyin Tang - Đại diện quỹ đầu tư Patamar Capital cho biết, Quỹ đầu tư Patamar đóng góp cho việc phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải là những mục tiêu bên lề. Vừa qua, Patamar đã cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn, thông qua các chương trình xúc tiến kết nối với các định chế tài chính và các đối tác.
“Trong tương lai, hi vọng các nhà đầu tư sẽ có quan điểm toàn diện hơn về ESG. Những yếu tố rủi ro yêu cầu các nhà quản lý quỹ phải xác định được những yếu tố quan trọng tác động đến rủi ro. Sau nhiều thập niên làm việc chúng tôi đã có được điều này”, bà Shuyin Tang nói.
Tham gia vào phiên thảo luận, ông Hugh Young - Giám đốc điều hành, Aberdeen Standard cho biết, ESG có vai trò quan trọng ngay từ giai đoạn đầu của đầu tư. Bởi đầu tư vào dự án đảm bảo được vấn đề môi trường, quản trị và xã hội là đúng đắn.
“Ở giai đoạn đầu chúng tôi đầu tư vào ASEAN người ta không nói nhiều đến ESG mà chỉ nói đến đạo đức trong kinh doanh. Chúng tôi cũng đã có nhiều hoạt động đầu tư theo tiêu chuẩn này suốt 20-30 năm qua. ESG rõ ràng là chủ trương đúng đắn, theo quan điểm của châu Âu chính là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn đầu tư, thể chế châu Âu mà đi đầu là Đức đã thúc đẩy đầu tư vào ESG từ rất lâu”, ông Hugh Young nói.
Đồng thời thẳng thắn rằng, ESG vẫn còn chậm ở ASEAN, vẫn còn khoảng cách lớn nhưng đang có tốc độ nhanh.
Ông Vichien Phongsathorn - Chủ tịch, Tập đoàn Premier Group cho biết, công nghệ số là rất quan trọng trong tương lai để tạo ra được cách thức chúng ta tiến về phía trước; trong đó vai trò của một số doanh nghiệp SMEs chỉ chuyên về công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng là rất quan trọng.
Những đổi mới sáng tạo có sự tham gia của nhiều bên chính là những điều chúng ta có thể nhìn thấy. Đơn cử như chúng ta có thể thấy trong chống dịch Covid-19 việc truy vết người bệnh hoàn toàn dựa vào người bệnh và đang hiệu quả.
Bà Shinta Widjaja Kamdani, Giám đốc Sintesa Group (Indonesia) nhấn mạnh vẫn còn nhiều thách thức để các nước có thể vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo đó, thách thức đầu tiên chính là huy động nguồn lực của tư nhân.
Cũng theo bà Kamdani, Covid-19 đã thúc đẩy cơ hội đầu tư mới, nhưng phải hướng tới công nghệ xanh. Hiện, Indonesia đang phát triển dự án biến thủy triều thành năng lượng 550 triệu USD có thể mang lại điện năng cho 2.500 hộ gia đình.
“Trước đây chúng tôi dựa vào điện hóa thạch, đến năm 2025 chúng tôi đặt mục tiêu có 23% đạt mục tiêu năng lượng tái tạo. Với bối cảnh hiện nay chúng tôi cũng đang phải trợ giá cho năng lượng hóa thạch, do đó, Chính phủ đang thúc đẩy hơn nữa năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững”, bà Shinta Widjaja Kamdani chia sẻ.
Trong khi đó, ông Vichien Phongsathorn cho rằng, giới trẻ không thể đứng quan sát, mà phải tham gia vào quá trình này: “Chúng ta cần trao thêm quyền cho các bạn trẻ để họ tham gia vào quá trình phát triển bền vững”.
Chia sẻ về những công cụ ESG sẽ được đưa ra như thế nào cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đang phát triển, bà Shuyin Tang cho biết, điều cần tập trung là mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Nói về điều mong muốn được thấy ở tương lai năm 2050, bà Shinta Kamdani khẳng định, “giáo dục là cách chúng ta biến chuyển nhanh nhất, cần bổ sung những đánh giá về biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục tương lai. Để chúng ta có chuẩn bị cho các kịch bản sắp tới. Hyvọng các quốc gia đã chuẩn bị cho điều này, hướng tới con người, tính đa dạng và bền vững thay vì chỉ tập trung vào cạnh tranh. Đồng thời, thế hệ tương lai cũng phải hướng vào hợp tác thịnh vượng lâu dài. Hy vọng năm 2050 khi nhìn lại giáo dục chuyển đổi đúng nền tảng”.
Trong khi đó, ông Vichien Phongsathorn hy vọng, thế hệ tương lai có được tương lai bền vững hơn, xã hội bền vững rõ hơn hiện nay, không có gánh nặng thiên tai như chúng ta đang hứng chịu tại thời điểm này. Đồng thời, chúng ta sẽ có những công dân trách nhiệm, thực hiện ESG sâu rộng, có những mục tiêu xa hơn, sinh kế tốt hơn và các xu hướng bùng nổ hơn thời điểm hiện tại.