ASEAN cho rằng cần nối lại thương lượng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông
Các nước ASEAN cho rằng cần thúc đẩy nối lại thương lượng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982.
Ngày 19/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cùng đoàn quan chức ngoại giao Việt Nam đã tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) trực tuyến, hoạt động ASEAN đầu tiên trong năm 2021 do Brunei chủ trì.
Hội nghị lần này có nhiệm vụ chuẩn bị các mặt cho Hội nghị Hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao (AMMR) tổ chức trực tuyến ngày 21/1/2021. Tham dự Hội nghị là các Trưởng SOM các nước ASEAN cùng Phó Tổng thư ký ASEAN.
Tại Hội nghị, các nước cho rằng tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi ASEAN duy trì đoàn kết, nhất trí, cam kết đóng góp cho hòa bình, ổn định tại Biển Đông và trong khu vực nói chung.
Các đại biểu cũng cho rằng các bên cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy nối lại thương lượng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông(COC) hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.
Các nước cũng đã trao đổi về những công việc cần triển khai từ Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị liên quan, trong đó có Báo cáo kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, tăng cường phối hợp liên trụ cột và liên ngành, hướng tới xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.
Trong ứng phó Covid-19, các nước cam kết sẽ khẩn trương triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, tận dụng Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19 và thúc đẩy lập Khuôn khổ hành lang đi lại ASEAN.
Các nước nhất trí với đề xuất của Brunei cần có cách tiếp cận chiến lược và tổng thể trong quản lý thảm họa và các trường hợp khẩn cấp trong tương lai để bảo vệ các nền kinh tế, xã hội và đảm bảo phát triển rộng lớn hơn.
Các đại biểu tiếp tục phát biểu đề cao chủ nghĩa đa phương và tái khẳng định cam kết của ASEAN đối với thúc đẩy hợp tác đa phương để đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Trên cơ sở đó, các nước đánh giá ASEAN tiếp tục có vai trò quan trọng trong khu vực, ngày càng trở thành lực lượng trung tâm, tập hợp các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Đáng chú ý, những giá trị cốt lõi của ASEAN, nêu trong các văn kiện chủ chốt ngày càng được đánh giá cao, phát huy và áp dụng trong quan hệ giữa các nước trong khu vực và trong quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Nhóm 3 khinh hạm Ba Trung (625), Quảng Nguyên (552) và Hán Trung (520) tập trận ở Biển Đông vào ngày 4/1/2021
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề nghị sử dụng Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19 để mua vaccine, trước mắt để phục vụ nhân viên y tế ở tuyến đầu. Việt Nam kêu gọi ASEAN vận hành đầy đủ Kho dự phòng vật tư y tế khu vực (RRMS). Về thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam nhấn mạnh ASEAN cần tận dụng các kết quả năm 2020.
Trên nền tảng Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị ASEAN sớm xác định lộ trình để kịp thời xây dựng Tầm nhìn sau 2025. Thúc đẩy triển khai rà soát Hiến chương ASEAN và tăng cường vai trò chủ động và vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác tiểu vùng sẽ góp phần vào thành công quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường liên kết ASEAN.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết nội khối, chủ động ứng phó với thách thức mới nổi, đảm bảo đời sống của người dân và phục hồi bền vững hậu dịch bệnh, đồng thời ASEAN cần tiếp tục là lực lượng trung tâm, đi đầu trong khu vực, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định bền vững của khu vực và thế giới.