ASEAN chọn nhà ngoại giao Brunei làm đặc phái viên tại Myanmar
Các Ngoại trưởng Đông Nam Á hôm thứ Tư (4/8) đã chọn Thứ trưởng Ngoại giao Brunei Erywan Yusof làm đặc phái viên tại Myanmar, đánh dấu một bước đột phá sau nhiều tháng trì hoãn hòa giải khu vực nhằm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc tại nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Brunei Erywan Yusof được cử làm đặc phái viên ASEAN tại Myanmar - Ảnh: AP
Bài liên quan
Mỹ bác bỏ kế hoạch bầu cử của Myanmar, thúc giục ASEAN gây sức ép
Sáu tháng sau cuộc đảo chính ở Myanmar: Nghèo đói và bất ổn
Thống tướng Aung Hlaing làm thủ tướng Myanmar, tuyên bố hợp tác với ASEAN
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp thường niên, các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cho biết, ông Erywan sẽ bắt đầu công việc của mình tại Myanmar để “xây dựng lòng tin và sự tự tin với khả năng tiếp cận đầy đủ với tất cả các bên liên quan”.
Ông Erywan được giao nhiệm vụ chấm dứt bạo lực ở Myanmar, mở ra cuộc đối thoại giữa các nhà cầm quyền quân sự và các đối thủ của họ ở đất nước đang bị khủng hoảng tàn phá. Ông cũng sẽ giám sát một gói viện trợ nhân đạo, mặc dù không có thông tin chi tiết về khoản hỗ trợ được công bố.
Nhà ngoại giao Brunei Erywan nằm trong số ít nhất bốn ứng cử viên được ASEAN đề xuất và Myanmar được cho là ưu tiên một cựu quan chức ngoại giao Thái Lan. Quyết định tuân theo các yêu cầu của Hiệp hội của Myanmar cho thấy các nhà cầm quyền quân sự vẫn hy vọng dựa vào sự hỗ trợ của ASEAN khi họ phải đối mặt với sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết các ngoại trưởng đã chọn ông Erywan tại cuộc họp vào thứ Hai (2/8), nhưng không thể thông báo vì Myanmar chưa đồng ý. Sau đó, các bộ trưởng đã tổ chức một phiên họp khác vào thứ Tư (4/8) và cuối cùng đã thuyết phục được chính phủ quân sự, nhà ngoại giao này tiết lộ.
Song các nhà ngoại giao cho biết, ngay cả khi đã bổ nhiệm đặc phái viên, vẫn không chắc liệu các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar có cho phép đại diện của ASEAN tiếp cận với bà Aung San Suu Kyi, người đã bị giam giữ cùng với các nhà lãnh đạo chính trị khác, hiện đang bị đưa ra xét xử với nhiều tội danh.
Hơn 900 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giam kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự hồi tháng Hai. Thương vong cũng đang gia tăng trong quân đội và cảnh sát Myanmar khi họ phải đối đầu với sự phản kháng gia tăng từ người biểu tình và các lực lượng du kích ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar đang ngày càng trở nên trầm trọng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Sự gia tăng tồi tệ nhất của các ca nhiễm virus Corona đã lấn át hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bị tê liệt của nước này.
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực và bắt đầu đối thoại giữa các bên do một phái viên ASEAN làm trung gian. Nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar Min Aung Hlaing đã lặp lại cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới trong hai năm và hợp tác với ASEAN để tìm ra một giải pháp chính trị.