ASEAN chuyển trọng tâm từ khủng hoảng Covid-19 sang thúc đẩy kinh tế
Các quốc gia Đông Nam Á đang gấp rút thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi ghi nhận thành tích kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào quý II/2020. Trong khi một số nước tiếp tục ghi nhận số lượng đáng báo động về các ca nhiễm mới Covid-19, các nước đang tìm cách cân bằng việc ngăn chặn sự lây lan mới của virus cùng với phục hồi kinh tế và các sáng kiến thương mại, khi các biện pháp kích thích lớn đang tạo áp lực tài chính cho các chính phủ.
Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới trước đại dịch, với nền kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 5% mỗi năm. Tuy nhiên, việc cấm cửa nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới đã nhanh chóng bóp nghẹt tiêu dùng tư nhân, đầu tư công và doanh thu từ du lịch, dẫn đến sự suy giảm sâu sắc.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia giảm 17,1% so với cùng kỳ trong quý II/2020, trong khi Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,2% và Thái Lan giảm 12,2% - những kết quả tồi tệ nhất được ghi nhận trong hơn 20 năm qua. Indonesia cũng ghi nhận con số tồi tệ nhất kể từ năm 1999, với mức giảm 5,3%, trong khi Việt Nam đạt mức tăng nhẹ 0,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% được thấy trước cuộc khủng hoảng.
Những con số này đưa các nước Đông Nam Á vào giữa các nền kinh tế lớn khác. Mức tăng trưởng kém hơn so với Trung Quốc, tăng 3,2%. Các nước đứng sau sự sụt giảm 9,5% đối với Mỹ và 9,9% đối với Nhật Bản. Nhưng hoạt động tốt hơn so với mức giảm 19% của Pháp và mức giảm 21,7% của Anh. Tuy nhiên, cảm giác khủng hoảng của khối Đông Nam Á có thể lớn hơn. Trong nhiều năm, các quốc gia này đã trông chờ vào thành quả của toàn cầu hóa - dòng vốn đầu tư và khách du lịch vào trong nước. Và trong nhiều trường hợp, sức khỏe tài chính của các chính phủ tương đối yếu.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi trong một phiên họp trực tuyến ngày 20/8 của Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức đã nhận định “ASEAN thực sự đang ở trong một cuộc khủng hoảng không giống ai”. Mối đe dọa trước mắt của đại dịch Covid-19 khác nhau giữa các quốc gia. Indonesia và Philippines tiếp tục báo cáo hàng nghìn trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trong kiềm chế đại dịch nhưng cũng đã có một làn sóng bất ngờ nhiễm mới kể từ tháng trước. Malaysia từng có hơn 100 trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày, đang có tình trạng gia tăng số người nhiễm bệnh ở mức một hoặc hai chữ số. Nhưng bất kể các nước đang ở giai đoạn nào của đại dịch, các nước ASEAN đang thúc đẩy ít nhất một số hoạt động kinh tế khởi động lại. Hầu hết đã nới lỏng việc đóng cửa, bao gồm cả Philippines, đã nới lỏng các biện pháp ở Manila và các tỉnh lân cận vào ngày 19/8. Thái Lan, nơi gần như đã ngăn chặn được virus, đang thúc đẩy du lịch trong nước.
Các đường biên giới cũng đang dần mở lại. Singapore và Malaysia hôm 17/8 đã khởi động một cặp chương trình qua biên giới có đi có lại cho người lao động và hoạt động kinh doanh thiết yếu, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước. Một số "làn xanh" khác đã được thiết lập giữa các đối tác chính - chẳng hạn như Singapore và Trung Quốc, hoặc Indonesia và Hàn Quốc - cho phép đi lại kinh doanh với những điều kiện hạn chế. Các quốc gia ASEAN đã cố gắng duy trì nền kinh tế bằng các gói kích thích trị giá tới 20% GDP, đồng thời ưu tiên các biện pháp giãn cách và các nỗ lực khác để ngăn chặn Covid-19. Nhưng những khoản chi tiêu công khổng lồ này không thể tiếp tục lâu dài. Các cơ quan xếp hạng lớn đã cắt giảm triển vọng của một số quốc gia Đông Nam Á kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Fukunari Kimura, giáo sư tại Đại học Keio của Nhật Bản và là Nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, đã cảnh báo các nước ASEAN “thực sự phải cẩn thận”. Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng quan hệ đối tác kinh tế sẽ là yếu tố cần thiết cho sự phát triển trở lại của khu vực trong dài hạn. Một trọng tâm là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, hay RCEP - một hiệp định thương mại tự do được đề xuất bao gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Các Bộ trưởng RCEP dự kiến sẽ họp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, từ ngày 26-28/8 để thúc đẩy các cuộc đàm phán với kỳ vọng RCEP sẽ được ký kết vào cuối năm nay và hy vọng sớm có hiệu lực, điều này sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và niềm tin của các nhà đầu tư trong thời gian rất cần thiết để phục hồi. Tuy nhiên, sự tham gia của một quốc gia lớn là Ấn Độ - vẫn chưa chắc chắn vì New Delhi không muốn mở cửa cho các sản phẩm nông nghiệp nước ngoài có thể cạnh tranh với ngành nông nghiệp trong nước.