ASEAN có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới

Với tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng, ngày càng có nhiều dự báo cho thấy, năm 2030, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Tàu vận tải container rời cảng, lưu thông trên sông Cấm, thành phố Hải Phòng tiến ra biển Đông. Ảnh: Thanh Trúc

Tàu vận tải container rời cảng, lưu thông trên sông Cấm, thành phố Hải Phòng tiến ra biển Đông. Ảnh: Thanh Trúc

GDP tăng 51%

Truyền thông quốc tế dẫn nguồn thống kê cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN năm 2015 là 2.500 tỷ USD, đến năm 2023 đã đạt 3.800 tỷ USD, tăng 51%. Đây là mức tăng vọt ấn tượng.

Đầu tuần này, tại Hội nghị Tầm nhìn 2045: Kỷ nguyên ASEAN, Phó Tổng thư ký Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) Satvinder Singh khẳng định, ASEAN đang nằm trên quỹ đạo để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Điều này ngày càng được củng cố hơn nữa nhờ sự tăng trưởng ấn tượng giao dịch thương mại khu vực, giúp tăng đáng kể thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, giao dịch thương mại khu vực vào năm 2015 ở mức 2.300 tỷ USD, đến năm 2023 đã tăng lên 3.500 tỷ USD.

Ông Satvinder Singh khẳng định, mức tăng trưởng ấn tượng này phản ánh cam kết bền bỉ của ASEAN trong việc trở thành một khu vực kinh tế mở cho thương mại và đầu tư toàn cầu, vốn đã được cải thiện đáng kể.

Phó Tổng thư ký AEC chỉ ra rằng, điều quan trọng là ASEAN nằm trong số rất ít khu vực trên thế giới có giao dịch thương mại gần bằng GDP. Giá trị giao dịch thương mại lớn nhất không phải là sự trao đổi thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc hay Mỹ mà là thương mại nội khối, đạt khoảng 800.000 tỷ USD. Trên thực tế, ASEAN đã tăng tốc để trở thành khu vực thương mại lớn nhất trên thế giới, cũng như đẩy mạnh giao dịch với khu vực khác trên thế giới.

Ông Satvinder đánh giá, các nền kinh tế trong khối ASEAN có sự độc đáo, không giống Liên minh châu Âu (EU) hay Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ. Điển hình là Canada, Mexico và EU, hầu hết các quốc gia đều giao thương với nhau chứ không phải với các khu vực khác trên thế giới. Ông Singh cho biết, ở Nam bán cầu, ASEAN cũng là nơi tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với tổng giá trị khoảng 230 tỷ USD hiện nay.

Theo dự báo trong những năm tới, chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty có lượng khí thải carbon thấp và các hoạt động có giá trị cao nhiều khả năng sẽ nằm ở các nước ASEAN. Một số ngành sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể bao gồm chất bán dẫn, nông nghiệp, thiết bị dữ liệu cũng như khoáng sản và các ngành công nghiệp kim loại. Bên cạnh đó, điểm hấp dẫn đối với ASEAN là chuyển đổi công nghệ và các công nghệ tiên tiến như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật sẽ tạo ra thêm 8.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, ASEAN nên nỗ lực giảm chi phí công nghệ và đảm bảo các nền kinh tế trong khu vực có thể tiếp cận các thiết bị và giải pháp công nghệ. Ông Singh cũng bày tỏ lo ngại rằng, lực lượng lao động trẻ của khu vực dự kiến giảm, trong khi lực lượng lao động lớn tuổi ước tính sẽ tăng nhẹ. Cùng với đó, tự động hóa cũng sẽ ảnh hưởng đến các loại nghề nghiệp khác nhau trong số 10 nước thành viên.

Từ thực tế với những thách thức, việc đào tạo lại kỹ năng cho lao động trẻ về công nghệ và đổi mới thông qua các trung tâm quản lý công nghệ, nền tảng giáo dục trực tuyến về khoa học, công nghệ, đổi mới và nâng cao kỹ năng cho người cao tuổi sẽ thúc đẩy năng suất và giúp các ngành công nghiệp chiến lược phát triển. Cùng với đó, ASEAN cần nỗ lực giảm chi phí công nghệ trên toàn nền kinh tế của mình và đảm bảo các nền kinh tế thành viên có thể tiếp cận các thiết bị và giải pháp công nghệ.

ASEAN thu hút FDI ấn tượng

Một trong những tín hiệu phản ánh rõ nét đà tăng trưởng mạnh mẽ của ASEAN là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, trong bối cảnh thế giới hiện hữu làn sóng chuyển hướng đầu tư nhanh hơn thời gian việc xây dựng chuỗi cung ứng, lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, khu vực ASEAN đã vượt Trung Quốc về thu hút FDI.

Công nhân Công ty đóng tàu Phà Rừng thi công hoàn thiện trước ngày hạ thủy tàu chở dầu, hóa chất trọng tải 13.000 tấn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Trúc

Công nhân Công ty đóng tàu Phà Rừng thi công hoàn thiện trước ngày hạ thủy tàu chở dầu, hóa chất trọng tải 13.000 tấn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Trúc

Báo cáo mới về tình hình đầu tư trong khu vực do Angsana Council, Bain & Company và DBS Bank công bố vào đầu tháng này dự báo, tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm thứ hạng hàng đầu trong 10 năm tới, đảo ngược tình trạng đầu tư giảm tại khu vực này trong 3 thập kỷ qua.

Theo Báo cáo Vượt qua sóng gió: Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034, năm 2023, vốn FDI chảy vào 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á (SEA-6), gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đạt 206 tỷ USD, so với 43 tỷ USD FDI vào Trung Quốc. Báo cáo cũng cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2022, FDI vào SEA-6 tăng 37%, trong khi FDI vào Trung Quốc chỉ tăng 10%.

Ông Charles Ormiston, đối tác tư vấn tại Bain & Company và Chủ tịch Hội đồng Angsana cho biết, do nhiều yếu tố, bao gồm tăng trưởng nội địa mạnh mẽ, ngày càng lạc quan rằng, Đông Nam Á sẽ vượt qua Trung Quốc về cả tăng trưởng GDP và FDI trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, những khoản đầu tư đa quốc gia sẽ có tính cạnh tranh cao, khi các nước trong khu vực đẩy mạnh cải thiện kết quả cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cũng theo ông Charles Ormiston, cùng với ASEAN, FDI cũng đang tăng trưởng nhanh chóng ở Ấn Độ và nhanh hơn Trung Quốc trong thập kỷ qua, dù vậy vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng và quy mô ở Đông Nam Á.

Trong số các nước SEA-6, Singapore giữ vị trí dẫn đầu với lượng vốn FDI bình quân theo đầu người cao nhất. Trong khi đó, Malaysia cam kết nỗ lực đảo ngược xu hướng này, đặc biệt là việc thúc đẩy lợi ích trong các ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử và trung tâm dữ liệu.

Theo giới chuyên gia kinh tế, FDI ở Đông Nam Á đã thu hút được nguồn vốn nước ngoài lớn vào các lĩnh vực mới nổi quan trọng là sản xuất xe điện (EV), sản xuất pin EV, sản xuất chất bán dẫn và cung cấp trung tâm dữ liệu. Với lĩnh vực sản xuất xe điện, Thái Lan và Indonesia đang thu hút được nhiều FDI nhất, khoảng 14 tỷ USD trong 5 năm qua, nhờ vào ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ cùng nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ phía chính phủ. Indonesia thống trị trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện nhờ vào trữ lượng nickel dồi dào với FDI đạt 26 tỷ USD rót đều đặn trong 5 năm qua. Trong cuộc đua chất bán dẫn, Malaysia và Singapore đứng đầu danh sách với việc thu hút 38 tỷ USD từ vốn FDI. Singapore chuyên chế tạo tấm bán dẫn silicon (wafer) hoặc chuyển đổi nguyên liệu thô thành chip nhỏ, trong khi Malaysia dẫn đầu về đóng gói và thử nghiệm.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, giới chuyên gia vẫn cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng FDI, ASEAN cần tiếp tục cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ và liên tục đổi mới - hai khâu được đánh giá là còn tụt hậu so với Trung Quốc.

Ông Peng T. Ong - đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý của Monk’s Hill Ventures nhận định, khu vực Đông Nam Á đang ở thời điểm chuyển giao, có cơ hội để cân nhắc về việc tận dụng công nghệ một cách có ý nghĩa, sử dụng công nghệ để thúc đẩy nhiều đổi mới hơn trong khu vực tư nhân của khu vực.

Theo giới chuyên gia, với những lợi thế đặc biệt và hiếm thấy so với các thị trường phát triển hơn, điều quan trọng của ASEAN là phải củng cố hơn nữa tính cạnh tranh liên tục của chuỗi logistic, tối ưu chi phí lao động, tăng cường lực lượng nhân tài kỹ thuật và nghiên cứu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-co-the-se-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-tu-the-gioi-post479311.html