ASEAN - Cộng đồng thành công, khu vực năng động và tự cường

Vì sao ASEAN được xem là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất? Giá trị nào làm nên sức mạnh ASEAN và Việt Nam có vai trò, vị thế như thế nào trong 'ngôi nhà chung' bao dung và đùm bọc ấy?

ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất với nhiều thành tựu đạt được qua 55 năm phát triển. (Nguồn: Thai PBS World)

ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất với nhiều thành tựu đạt được qua 55 năm phát triển. (Nguồn: Thai PBS World)

Cuộc trò chuyện với Phó Tổng thư ký ASEAN Trần Đức Bình nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (1967-2022) giúp chúng ta phần nào có câu trả lời toàn diện.

Xin Phó Tổng thư ký đánh giá về những thành tựu nổi bật của ASEAN trong việc xây dựng và phát triển Cộng đồng trên 3 trụ cột, bao gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội?

Trước hết, phải khẳng định ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất với nhiều thành tựu đạt được qua 55 năm phát triển. Xuyên suốt quá trình phát triển, ASEAN cho thấy thông qua hợp tác ASEAN đã đem lại một môi trường khu vực hòa bình, an ninh và ổn định, kinh tế thịnh vượng, xã hội phát triển và tiến bộ.

Thông qua các mối liên kết kinh tế nội khối và với bên ngoài ngày càng sâu rộng, ASEAN đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, có mức độ liên kết sâu.

ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới và điểm thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn thứ ba trên thế giới. Thương mại hàng hóa của ASEAN năm 2021 tăng 20,2% đạt 3,21 nghìn tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN cũng tăng 28,3% năm 2021 đạt 176,2 tỷ USD.

Hiện nay cùng với việc đẩy nhanh thực hiện Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF), ASEAN và các đối tác cũng đang tích cực triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn hơn về phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư.

Phó Tổng thư ký ASEAN Trần Đức Bình. (Ảnh: Ban thư ký ASEAN)

Phó Tổng thư ký ASEAN Trần Đức Bình. (Ảnh: Ban thư ký ASEAN)

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, ASEAN đã phát huy vai trò quan trọng duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Chính hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực đã cho phép các nước ASEAN có một không gian và cơ hội để tập trung phát triển kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống cho hơn 660 triệu người dân ở khu vực.

Cùng với đó, trong quan hệ với với các nước đối tác, vai trò của ASEAN luôn được coi trọng và đánh giá cao. Ngày càng nhiều nước ngoài khu vực bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ chính thức và mở rộng hợp tác thực chất với ASEAN.

Gần đây nhất, Vương quốc Anh trở thành đối tác đối thoại đầy đủ thứ 11 của ASEAN năm 2021, Italy và Pháp trở thành đối tác phát triển của ASEAN vào năm 2020. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trước sự gia tăng căng thẳng do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ASEAN tiếp tục khẳng định được vai trò và giá trị của mình thông qua vai trò trung tâm trong các thể chế khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hợp tác ASEAN+3… để thúc đẩy đối thoại và hợp tác, duy trì ASEAN là khu vực mở, bao trùm, năng động và tự cường.

Đặc biệt trong 2 năm, ASEAN tiếp tục khẳng định được vai trò và giá trị của mình vừa là một tổ chức khu vực và vừa là một cộng đồng bao dung và đùm bọc, trong việc phối hợp chặt chẽ ứng phó với đại dịch Covid-19, với việc thành lập Quỹ ứng phó với Covid-19, Kho dự phòng về y tế, lập Trung tâm ứng phó dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp.

Phó Tổng thư ký nhận định như thế nào về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong việc xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN cũng như trong việc ứng phó với các thách thức đặt ra?

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn là nước thành viên tích cực, có nhiều đóng góp hiệu quả và quan trọng cho quá trình liên kết và xây dựng cộng đồng ASEAN.

Khi đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998, 2000-2001, 2010 và 2020, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, năng lực lãnh đạo quyết đoán và hiệu quả để thúc đẩy tất cả các nước thành viên cùng chung tay thực hiện các mục tiêu và ưu tiên quan trọng về xây dựng cộng đồng.

Bản thân Việt Nam luôn là nước có tỷ lệ cao trong thực hiện các cam kết. Việt Nam luôn là một nhân tố quan trọng thúc đẩy mở rộng các liên kết kinh tế và thương mại của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Việt Nam cũng là nước đóng góp rất nhiều cho các chương trình hợp tác về kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, bổ trợ cho các nỗ lực xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững và phát triển hài hòa.

Ngoài kinh tế, Việt Nam cũng luôn quan tâm phát huy và nâng cao hình ảnh và vị thế của ASEAN ở quốc tế. Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2020-2021, Việt Nam đã ưu tiên thúc đẩy, tăng cường hợp tác và phối hợp giữa Liên hợp quốc và ASEAN, gia tăng sự tham gia của phụ nữ trong hoạch định chính sách, kiến tạo hòa bình và an ninh.

Trước đại dịch Covid-19, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN và phối hợp chặt chẽ xử lý dịch bệnh ngay từ đầu năm 2020.

Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến và quyết định quan trọng nhằm giúp khu vực và các nước thành viên ứng phó với các tác động của đại dịch như lập Quỹ ứng phó Covid-19, Kho dự trữ khu vực về vật tư y tế (RRMS), Trung tâm khu vực ASEAN về các tình huống khẩn cấp về y tế và dịch bệnh (ACPHEED), thông qua khung Thỏa thuận về hành lang đi lại ASEAN (ATCAF), Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) cũng như Kế hoạch hành động Hà Nội tăng cường hợp tác kinh tế và kế nối chuỗi cung ứng…

Các sáng kiến và quyết định nêu trên đã không chỉ giúp các nước thành viên xử lý các tác động tức thời của dịch bệnh mà còn tiếp tục giúp ASEAN vượt qua dịch bệnh hiệu quả hơn, phục hồi mạnh mẽ và bền vững hơn trong những năm tới.

Có thể khẳng định, chính trị ổn định, thành công phát triển kinh tế, vai trò lãnh đạo của Việt Nam, và sự năng động, thân thiện của người dân Việt Nam, là những tài sản quý báu của ASEAN, đã và sẽ tiếp tục góp phần xây thành công dựng Cộng đồng ASEAN.

ASEAN cần phải hướng tới xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN với những giá trị thật sự cho người dân khu vực. (Nguồn: asean.org)

ASEAN cần phải hướng tới xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN với những giá trị thật sự cho người dân khu vực. (Nguồn: asean.org)

Phó Tổng thư ký có thể cho biết các thách thức đặt ra đối với ASEAN hiện nay và ASEAN cần làm gì để vượt qua?

Mặc dù kinh tế khu vực ghi nhận những phát triển tích cực trong quá trình phục hồi, song các nước ASEAN cũng phải đồng thời vừa thực hiện các kế hoạch về liên kết kinh tế vừa ưu tiên xử lý các nguy cơ như đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, chi phí vận tải và liên vận tăng, suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn, cũng như áp lực lạm phát tăng cao…, xuất phát từ những diễn biến gần đây trên thế giới.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh quốc tế và khu vực với cạnh tranh chiến lược gia tăng đòi hỏi sự sáng suốt và sáng tạo của ASEAN, được tiếp nối trên cơ sở những kinh nghiệm và các nguyên tắc quan trọng của ASEAN là đối thoại, đa phương, khu vực mở, bao trùm và nhất là luật pháp quốc tế.

Một thách thức lớn đối với ASEAN có lẽ là sự thống nhất và đoàn kết về mục tiêu, cam kết và quyết tâm chính trị chung trong triển khai. Đạt được điều này sẽ là chìa khóa quan trọng để ASEAN tiếp tục phát triển là một tổ chức liên chính phủ khu vực hiệu quả, một cộng đồng khu vực gắn kết chặt chẽ, đủ năng lực để vượt qua các thách thức trong một môi trường chiến lược bất định.

Lịch sử phát triển của các khu vực cho thấy thành công của ASEAN cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng một ý thức về bản sắc chung khu vực, nhất là trong thế hệ trẻ ở các nước thành viên. ASEAN cần phải nỗ lực hơn nữa trong tăng cường đối thoại, gắn kết sự tham gia và đóng góp của người dân và doanh nghiệp nhằm xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN với những giá trị thật sự cho người dân khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-cong-dong-thanh-cong-khu-vuc-nang-dong-va-tu-cuong-193437.html