ASEAN giữa tâm bão Mỹ - Trung: Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ ra sao?

Theo chuyên gia, các nước ASEAN tỏ ra thận trọng sau khi Mỹ bác yêu sách Trung Quốc, đồng thời thúc giục đẩy nhanh quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

ASEAN thận trọng giữa tâm bão Mỹ - Trung

Các nhà quan sát nhận định các nước ASEAN có nhiều lo lắng về sự phân nhánh trong trường hợp xảy ra đụng độ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau tuyên bố của Mỹ hôm 13/7.

Washington và Trung Quốc thời gian qua bị cuốn vào các căng thẳng liên quan tới COVID-19, Biển Đông, Hong Kong và những đối đầu âm ỉ từ cuộc chiến thương mại kéo dài 2 năm qua.

Ông Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương cho rằng các nước ASEAN cần duy trì mối quan hệ với Trung Quốc để đảm bảo phục hồi kinh tế giữa đại dịch.

“Trong bối cảnh thương mại và đầu tư từ Trung Quốc rất quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế vốn bị vùi dập sau nhiều tháng sống dưới lệnh phong tỏa, sự thận trọng khiến các nước ASEAN trở nên tốt hơn”, ông Lucio phân tích.

Mỹ hôm 13/7 ra tuyên bố bác hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: EPA)

Mỹ hôm 13/7 ra tuyên bố bác hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: EPA)

Chuyên gia Lucio lưu ý rằng bình luận của ông Pompeo cho thấy, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, vốn bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyên gia Benjamin Ho tới từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) đánh giá hầu hết các nước ASEAN sẽ diễn giải ý kiến của Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11.

Họ (các nước ASEAN) nhiều khả năng sẽ không đưa ra các biện pháp tích cực để đứng về phía Mỹ. Họ có thể sẽ chờ đợi cho tới khi chính quyền Mỹ tiếp theo được xác nhận”, ông Ho phân tích.

Vấn đề lợi ích kinh tế - chính trị

Theo báo cáo của Tổng cục hải quan Trung Quốc hôm 14/7, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, chiếm 14,7% tổng kim ngạch thương mại của nước này.

Trong tuyên bố hôm 14/7, ông Harry Roque - phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines cho biết nước này sẽ tiếp tục quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh khăng khăng khẳng định sẽ không tuân thủ phán quyết của năm 2016.

“Chúng tôi đồng ý chấp nhận có bất đồng đối với phán quyết và sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc. Trung Quốc nhất quán quan điểm của họ và Philippines cũng vậy. Những vấn đề không thể giải quyết được sẽ được đặt sang 1 bên”, ông này nói.

Ông Harry Roque, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines. (Ảnh: Rapler)

Ông Harry Roque, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines. (Ảnh: Rapler)

Không lâu sau cuộc trao đổi mới đây với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr khẳng định các nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cần nhau để khôi phục sau ảnh hưởng của đại dịch và Manila cùng Philippines sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết những khác biệt trên Biển Đông.

Theo chuyên gia Benjamin Ho, về lâu dài, Manila sẽ mất nhiều hơn so với Washington, nếu quan hệ của họ với Bắc Kinh tan vỡ. “Về mặt kinh tế, Philippines sẽ gặp rắc rối lớn”, ông nói.

Ông Ho nhận định Washington với tuyên bố mới đây đưa ra những chỉ trích rõ ràng hơn thay vì các thuật ngữ trung lập trong quá khứ khi đề cập tới Biển Đông hoặc những tuyên bố chỉ trích ngầm Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhận định, các khẳng định trên của ông Pompeo sẽ cho phép các nước ASEAN được hưởng vị trí chính trị và pháp lý mạnh mẽ hơn Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Lê Hồng Hiệp phân tích, mặc dù Washington nhiều lần không công nhận yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng tuyên bố mới đây là cuộc tấn công trực tiếp và mạnh mẽ nhất vào Trung Quốc cho tới nay của Mỹ.

“Tuyên bố của ông Pompeo có thể mở đường cho những hành động mạnh mẽ hơn để thách thức những động thái khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông trong tương lai”, ông Hiệp nói.

Tương lai của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia Lucio cho rằng các nước Đông Nam Á nên đẩy nhanh các cuộc đàm phán để đi tới Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và có ràng buộc với Trung Quốc.

ASEAN không nên ngồi yên và trở thành người ngoài cuộc khi sự cạnh tranh giữa hai đối thủ địa chính trị nóng lên trong khu vực của họ”, ông cho hay.

Cuộc họp giữa quan chức ASEAN và Trung Quốc năm 2016 về các vấn đề trong khu vực.

Cuộc họp giữa quan chức ASEAN và Trung Quốc năm 2016 về các vấn đề trong khu vực.

Tiến sĩ Chheang Vannarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á nhận định, trước căng thẳng Mỹ -Trung, vai trò của ASEAN trong vấn đề cạnh tranh giữa 2 cường quốc gia sẽ khá hạn chế.

Về việc liệu tuyên bố mới đây của Mỹ ảnh hưởng tới cuộc đàm phán với ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông hay không, một số nhà phân tích cho rằng sẽ khó để thúc đẩy vấn đề này ở thời điểm hiện tại trong bối cảnh đại dịch như hiện nay. Ông Chheang thậm chí còn lo ngại các cuộc thảo luận sẽ phải dời lại sau năm 2021.

Chuyên gia Peng Nian, từ Viện nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ tin rằng, Washington “thường tỏ ra công bằng” khi ngăn chặn một cuộc chiến ở vùng biển tranh chấp. Ngoài ra Mỹ từ lâu đã gây áp lực buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

“Vì vậy, các bình luận của ông Pompeo, chỉ đơn thuần là cố gắng công khai hơn nữa điều đó và để tăng áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc", ông Peng nhận định.

Song Hy (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/asean-giua-tam-bao-my-trung-bo-quy-tac-ung-xu-tren-bien-dong-se-ra-sao-ar557812.html