ASEAN lại rơi vào tình huống khó xử về Myanmar
Các nước ASEAN đang cân nhắc và nhiều khả năng người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar sẽ không được mời tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các cấp cao liên quan, dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến từ 26 đến 28/10.
Động thái trên diễn ra sau khi Đặc phái viên ASEAN về Myanmar, ông Erywan Yusof cho biết chính quyền quân sự nước này tỏ ra thiếu tích cực đối với “Đồng thuận 5 điểm” mà họ từng nhất trí hồi tháng 4 với ASEAN.
Ông Yusof nêu rõ cho đến nay, chính quyền quân sự Myanmar không thực hiện lộ trình hòa bình đã nhất trí với ASEAN, không trực tiếp phúc đáp yêu cầu của ông về việc gặp cựu lãnh đạo đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi và "đây được xem như một bước thụt lùi".
Tình hình an ninh ngày càng xấu
Lộ trình hòa bình của ASEAN bao gồm cam kết đối thoại với tất cả các bên, qua đó cho phép tiếp cận nhân đạo và chấm dứt các hành động thù địch. Tuy nhiên, hội nghị trực tuyến giữa ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 4/10 đã bày tỏ thất vọng đối với sự thiếu tiến bộ của Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC), tên gọi khác của chính quyền quân sự Myanmar.
Bình luận trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng nếu không có tiến triển, “Chủ tịch SAC sẽ khó có thể tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN”. Một số nguồn tin thân cận với Chính phủ Malaysia cho rằng, Đặc phái viên ASEAN nhiều khả năng sẽ không đến được Myanmar trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh. Ngoại trưởng Malaysia thậm chí còn tỏ ra hết kiên nhẫn khi tuyên bố nước này sẵn sàng làm việc với phe đối lập hiện nay ở Myanmar.
Trong báo cáo đầu tháng 10 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo cơ hội để ngăn quân đội Myanmar kéo dài thời gian nắm quyền có thể đang bị thu hẹp. Mặc dù hoan nghênh việc bổ nhiệm Đặc phái viên Erywan Yusof, nhưng với tiến độ chậm chạp của ASEAN, ông Guterres kêu gọi các nước trong khu vực và quốc tế cần phối hợp hành động nhằm ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng tại Myanmar biến thành một cuộc xung đột quy mô lớn, có thể dẫn đến "thảm họa" trên nhiều phương diện ở trong và ngoài Đông Nam Á.
Các cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự ở Myanmar dẫn tới hàng nghìn người thiệt mạng đã dần biến thành cuộc nổi dậy ác liệt trên toàn quốc. Đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) đối lập ở Myanmar đã phát động “cuộc chiến tranh phòng vệ nhân dân” chống lại chính quyền quân sự và thuyết phục binh sĩ cũng như các quan chức chính phủ đứng về phe mình.
Trang tin tức Irrawaddy.com cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) trên khắp Myanmar đã tuyên bố đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội để hưởng ứng lời kêu gọi của NUG. Không những vậy, Lực lượng Phòng vệ Chinland (CDF) ở thị trấn Mindat, Lực lượng phòng vệ các dân tộc người Karen (KNDF) ở bang Kayah và nhiều nhóm kháng chiến ở các vùng Mandalay, Sagaing, Magwe và Bago cũng như các bang Mon và Karen cũng tuyên bố sẽ sát cánh và nằm dưới sự chỉ đạo của NUG.
Nhiều cuộc đọ súng đã xảy ra giữa các lực lượng quân đội, PDF và các nhóm sắc tộc vũ trang trên khắp đất nước. Theo báo cáo, hàng chục binh sĩ của quân đội chính phủ đã thiệt mạng. Chính quyền quân đội đang phải đối mặt với các cuộc tấn công dữ dội từ các nhóm sắc tộc vũ trang và sự phản kháng ngày càng tăng của PDF ở các vùng Sagaing, Mandalay và Magwe cũng như tại bang Chin và bang Kayah. Mặc dù ban đầu các nhóm này thường sử dụng súng săn thô sơ và súng cao su để thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu đánh rồi rút, nhưng nhiều người hiện đã sở hữu súng trường tự động và đang gây ra thương vong nặng nề cho quân đội.
Một số vũ khí của các lực lượng phản kháng đã bị cảnh sát và quân đội thu giữ; trong khi những vũ khí khác được các phiến quân sắc tộc, cụ thể là người Kachin ở phía Bắc và người Karen và Karenni ở biên giới Thái Lan phía Đông, cung cấp. Nhiều cuộc nổi dậy sắc tộc kéo dài ở Myanmar cũng đã được hồi sinh kể từ sau cuộc đảo chính.
Tại bang Kachin, Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đã tiến hành tấn công và thậm chí còn mở rộng địa bàn hoạt động sang các vùng Sagaing và Mandalay, nơi lực lượng này đang hợp tác với các PDF địa phương. Tình hình an ninh ngày càng xấu đi trên toàn quốc đã khiến Đại sứ quán Mỹ tại Yangon ngày 25/9 đăng cảnh báo trên trang web của mình về “các cuộc tấn công tiềm tàng” có thể xảy ra không chỉ ở thủ đô cũ mà còn ở Mandalay và thủ đô mới Naypyitaw “trong những tháng tới”.
Bế tắc chính trị kéo dài
Trong khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép với chính quyền quân sự, thì ASEAN vẫn nỗ lực để đạt được một giải pháp ngoại giao, nhưng một số thành viên của khối - bao gồm Indonesia, Singapore và Malaysia đều thất vọng trước kế hoạch hòa bình mà chính quyền quân sự Myanmar từng nhất trí không đạt được tiến triển.
Quân đội Myanmar ngày càng bộc lộ tham vọng tiếp tục nắm quyền sau khi gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến ít nhất là tháng 8/2023. Tổng Tư lệnh Quân đội Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing đã tự phong làm Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước và Thủ tướng Myanmar, theo đó tiếp tục dẫn dắt chính quyền do ông thành lập. Thống tướng Min Aung Hlaing nắm cả ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp theo quy định về tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, được ban bố khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1/2/2021.
Tại cuộc họp lần thứ 14 của Hội đồng Hành chính Nhà nước vào ngày 23/8 ở Naypyidaw, Thống tướng Min Aung Hlaing công bố chương trình bầu cử và lập pháp. Nhưng liệu chính quyền quân sự có chuyển giao quyền lực cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo như cam kết hay không? Căn cứ vào tuyên bố của ông Min Aung Hlaing hôm 23/8, có vẻ như tình hình đang đi theo một kịch bản khác.
Thống tướng Min Aung Hlaing cáo buộc có sự bất bình đẳng trong quyền biểu quyết của Hạ viện với 440 ghế và Thượng viện với 224 ghế, khi hai viện nhóm họp và tổ chức bỏ phiếu để thành lập cơ quan lưỡng viện phụ trách về luật và các vấn đề khác. Quân đội chiếm 1/4 số ghế ở cả hai viện, nhưng đang tìm cách cân bằng số ghế ở hai viện. Điều này sẽ có tác động đáng kể đến khả năng kiểm soát phiếu bầu của Quốc hội trong tương lai.
Ông Min Aung Hlaing cũng cho rằng, Myanmar cần một hệ thống bầu cử cân đối hơn là hệ thống chuyên chính hiện nay. Một số người cho rằng hệ thống hiện nay là nguyên nhân dẫn đến 2 thất bại lớn của đảng cầm quyền trước đây là Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) trong năm 2015 và 2020. Một hệ thống bầu cử cân đối hơn chưa chắc sẽ giúp USDP hoặc các đảng dân tộc lớn và phổ biến giành thắng lợi, nhưng có thể tạo cơ hội cho các đảng dân tộc nhỏ hơn và có mức phổ biến tương đối.
Ý kiến của ông Min Aung Hlaing phản ánh niềm tin của quân đội và USDP - được nhiều đảng chính trị nhỏ ủng hộ, rằng hệ thống chuyên chính là nguyên nhân dẫn đến những chiến thắng vang dội của NLD vào năm 2015 và 2020. Vì vậy, quân đội có thể tìm cách thành lập hoặc tài trợ cho các đảng chính trị nhỏ hơn để giành quyền kiểm soát nhiều ghế hơn theo tỷ lệ đại diện. Việc ông Min Aung Hlaing bổ nhiệm nhân vật Khin Maung Swe của Đảng Mặt trận Dân chủ Quốc gia vào Hội đồng Quản lý Nhà nước là ví dụ minh họa cho ý định này.
Theo quan điểm của ông Min Aung Hlaing, số ghế của các đảng chính trị liên minh với quân đội, khi kết hợp với số ghế không qua bầu cử của quân đội trong Quốc hội, có thể trở thành một khối bỏ phiếu quyền lực. Họ có thể ngăn các đảng được nhiều người ưa thích như NLD thống trị Hạ viện, Thượng viện hoặc lưỡng viện một lần nữa. Thậm chí, NLD có thể sẽ không nằm trong danh sách bầu cử như mong muốn của ông Min Aung Hlaing, vì ông biết NLD sẽ không tham gia cuộc bầu cử vào tháng 8/2023 ngay cả khi ông không giải tán đảng này.
Bế tắc chính trị kéo dài tại Myanmar đang đẩy ASEAN vào tình thế khó xử. Nguyên tắc truyền thống của ASEAN là không can thiệp nội bộ của các nước thành viên nhưng việc mời người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới của khối có thể gây ra phản ứng trong nội bộ Myanmar và dư luận quốc tế.
Chắn chắn ASEAN không muốn rơi vào tình huống như vậy. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự ở Myanmar. Hiện Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp có mối liên hệ với chính quyền quân sự Myanmar và cắt các gói viện trợ phát triển cho Myanmar.
Đức Dũng - Văn Hà