ASEAN ở đâu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden?
Mặc dù đặt châu Á vào trung tâm của chính sách đối ngoại của mình như một phần của nỗ lực nhằm hạn chế tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa cho thấy nỗ lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chính quyền Biden cho đến nay vẫn chưa chú trọng đến khu vực Đông Nam Á trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc - Ảnh: Facebook
Bài liên quan
Ngân sách quốc phòng Biden đình trệ khi chuyển trọng tâm sang Trung Quốc
Tổng thống Biden kêu gọi Mỹ phải cạnh tranh hơn trước một Trung Quốc "nghiêm túc đến tột cùng"
Trung Quốc cảnh báo Mỹ sau phát biểu của Tổng thống Biden
Những dấu hiệu
Nói cách khác, những hy vọng hồi sinh mối quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN đã trở nên lạnh nhạt của dưới thời Donald Trump vẫn chưa thành hiện thực sau gần nửa năm ông Joe Biden lên nắm quyền.
Quả thật, trong khi các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden đã tiến hành một loạt cuộc họp với các cường quốc châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ - Thái Bình Dương vào những tháng gần đây, thì các quốc gia Đông Nam Á hầu như không được nhắc tới. Trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời vào tháng 3, chính quyền Biden cũng bỏ qua hoàn toàn các đồng minh lâu năm ở Đông Nam Á là Philippines và Thái Lan.
Hơn nữa, một trục trặc kỹ thuật đã làm hỏng cuộc họp trực tuyến được mong đợi nhiều giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và những người đồng cấp ASEAN vào cuối tháng Năm, càng khiến những suy đoán trên có cơ sở.
Cụ thể, các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á đã phải chờ đợi 45 phút trước màn hình trống, trong khi Ngoại trưởng Blinken, người đang thực hiện chuyến công du dài từ Ireland đến Trung Đông, phải vật lộn để đăng nhập vào cuộc họp có vẻ như được tổ chức vội vàng với các đối tác trong khu vực. Tình tiết này, khiến các nhà ngoại giao ASEAN không hài lòng, chỉ củng cố cảm giác khó chịu rằng chính quyền Biden đang bỏ qua khu vực quan trọng vốn đã bị các cường quốc khác, mà đặc biệt là Trung Quốc gia tăng tiếp cận. Bằng chứng là các bộ trưởng ASEAN sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong tháng này.
Trong một nỗ lực để thay đổi hình ảnh, Washington đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tham dự một loạt các cuộc họp cấp cao ở Campuchia, Thái Lan và Indonesia trong tuần này. Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng phát đi tín hiệu cam kết sẽ đích thân tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tại Brunei trong bối cảnh những bất ổn còn kéo dài về quan hệ quốc phòng và chiến lược với các đồng minh lâu năm trong khu vực như Philippines.
Tuy nhiên, sự bất an của ASEAN đối với cam kết của Mỹ đối với khu vực đã có cả một chặng đường dài trải nghiệm. Chính quyền George W Bush trong quá khứ phần lớn phớt lờ khu vực này trong suốt nhiệm kỳ tại vị, dành hầu hết nguồn vốn chiến lược của mình để khởi động nhiều cuộc chiến tranh ở Trung Đông và xây dựng mối quan hệ thân tình với Trung Quốc và Ấn Độ.
Gần đây, cựu Tổng thống Donald Trump liên tiếp bỏ qua hai hội nghị cấp cao hàng năm của ASEAN, trong khi các cường quốc đối thủ lớn như Trung Quốc và Nga vẫn duy trì đại diện cấp cao tại sự kiện khu vực.
Có thể nói, quan hệ ngoại giao song phương Mỹ - ASEAN cho đến nay chưa đáp ứng được những kỳ vọng đó. Nhận xét một cách công bằng, chính quyền Biden đã cố gắng liên hệ sớm với các đối tác ASEAN khi Ngoại trưởng Blinken tổ chức các cuộc đàm phán song phương với bảy thành viên ASEAN.
Sau đó, Tổng thống Biden mời ba nhà lãnh đạo ASEAN tham gia sự kiện Ngày Trái đất, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vừa bị hủy ở Singapore do đại dịch bùng phát. Về phần mình, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cũng tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các đại sứ ASEAN tại Washington.
Dẫu vậy, chính quyền Biden dường như bận tâm hơn đến các đồng minh và các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến châu Âu, Trung Đông và củng cố mối quan hệ với các cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.
Do đó, các quốc gia trong khu vực ngày càng có ý kiến cho rằng Mỹ đang có ý định xây dựng một "NATO châu Á" với các cường quốc cùng chí hướng, ngay cả khi điều này phải trả giá bằng vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình kiến trúc an ninh của khu vực.
Tổng thống Joe Biden (trái) từng làm phó Tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama, người đã có mối quan hệ rất tốt đẹp với ASEAN - Ảnh: AFP
Triển vọng lạc quan
Có một thực tế rằng, sau cuộc bầu cử năm 2020, rất nhiều người đã lạc quan về mối quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ được hồi sinh dưới thời chính quyền Biden. Trong cuộc khảo sát hàng năm về các nhà lãnh đạo tư tưởng và hoạch định chính sách trong khu vực, Viện ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở tại Singapore phát hiện ra rằng, có tới 61,5% người được hỏi ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Dân chủ hơn là với Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo này, “sự ủng hộ của khu vực dành cho Washington có thể đã tăng lên do triển vọng của chính quyền mới”, cũng như sự hoài nghi về sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng làm sâu sắc căng thẳng trong khu vực.
Một lý do cho sự lạc quan là sự trở lại của các quan chức cấp cao nhất của chính quyền Obama để lãnh đạo việc thiết lập chính sách đối ngoại của Mỹ, như Ngoại trưởng Blinken và Thứ trưởng Sherman, những người đều từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao dưới chính quyền Dân chủ cũ và cả chính ông Joe Biden.
Bất chấp sự hoài nghi về cam kết của chính quyền Obama trong việc giám sát chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ khi đó đã tạo ra một thời kỳ vàng son trong quan hệ ngoại giao với ASEAN.
Dưới sự lãnh đạo của ông Obama, Hoa Kỳ đã cử sứ mệnh thường trực đầu tiên của mình tới cơ quan khu vực; nâng cấp quan hệ với các quốc gia như Việt Nam, Myanmar và Campuchia; thúc đẩy vai trò lớn hơn của Indonesia trong các thể chế toàn cầu như G20; ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN; và thiết lập một số dự án khu vực quan trọng, bao gồm Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông, nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực.
Thông qua hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đề xuất, sau đó bị Trump phủ quyết, chính quyền Obama cũng tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với một số quốc gia Đông Nam Á - Singapore, Brunei và Malaysia - với Philippines, Thái Lan và Indonesia là các thành viên tương lai.
Lý do thứ hai cho sự lạc quan là chính quyền Biden đã tuyên bố tập trung vào châu Á như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm xây dựng một liên minh các cường quốc cùng chí hướng chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy. Là một khu vực trọng điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn và là nơi có nhiều đối tác quân sự của Mỹ, Đông Nam Á dường như là một ưu tiên tự nhiên của tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Có điều, mối quan hệ chưa thật hài hòa giữa Mỹ và một số quốc gia thành viên chưa thể thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - ASEAN lên tầm cao mới. Đối với Mỹ, xích mích ngoại giao với những người theo chủ nghĩa dân túy ở các quốc gia đồng minh như Philippines và Thái Lan, cả hai quốc gia đã xích lại gần Bắc Kinh trong những năm gần đây, có những vấn đề phức tạp.
Do những bất đồng về các vấn đề nhân quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn chưa khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Philippines-Hoa Kỳ, một thỏa thuận quốc phòng có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường sức mạnh của Mỹ ở các vùng biển lân cận của Trung Quốc, bao gồm cả ở Biển Đông.
Ngoài ra, Mỹ và ASEAN cũng chưa đạt được sự thống nhất về cách xử lý cuộc khủng hoảng tại Myanmar, sau cuộc đảo chính quân sự chống lại chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi hồi tháng 2 năm nay.
Mong muốn xóa tan những lời chỉ trích về chính sách ngoại giao ASEAN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói với Foreign Policy rằng: “Chính quyền Mỹ cam kết hướng tới vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò thiết yếu của ASEAN trong cấu trúc Ấn Độ - Thái Bình Dương”, trong khi người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nhắc lại: “Chính quyền Biden cam kết mở rộng sự tham gia của Hoa Kỳ với ASEAN”.
Trong chuyến thăm tới khu vực, sau các cuộc đàm phán trước đó ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman có nhiệm vụ quan trọng là giành được sự ủng hộ và hâm nóng mối quan hệ với các đồng minh và đối tác bị “ghẻ lạnh” trong khu vực. Bà cũng sẽ cần khám phá các bước cụ thể, để hướng tới hợp tác thực chất về các mối quan tâm chung về an ninh khu vực, từ khủng hoảng của Myanmar đến chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Với sự nhạy cảm về địa chính trị của các nước ASEAN, có thể sẽ mất nhiều hơn một chuyến đi dừng chân của một quan chức cấp cao của Mỹ để truyền sức sống thời Obama vào các mối quan hệ. Điều này phần lớn phụ thuộc vào việc Tổng thống Biden sẽ tiến lên như thế nào để tận dụng sức mạnh của Mỹ và chính sách ngoại giao cá nhân nổi tiếng của ông để gắn kết với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đang có cảm giác bị bỏ ở bên lề…