ASEAN quan tâm tuyến đường vận chuyển quốc tế xuyên Caspi
Các nước ASEAN tìm kiếm những tuyến đường vận tải mới để vận chuyển hàng hóa sang châu Âu, thay thế cho con đường vận chuyển xuyên Sibiri trước đây.
Sáng 7/5, tại khách sạn Rixos Water World, thành phố Aktau, Kazakhstan đã diễn ra tọa đàm “Con đường thương mại quốc tế và logicstic xuyên Trans Caspi: Những cơ hội về thương mại và hàng hóa cho các nước ASEAN” với sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam, Thái Lan, Indonesia cùng đại diện các sở, ban, ngành chính quyền tỉnh Mangystau, cảng Aktau và Kuryk.
Đây là sáng kiến của Ủy ban ASEAN tại Astana, Kazakhstan nhằm thảo luận về triển vọng tham gia của các nước ASEAN trong việc phát triển tuyến hành lang vận chuyển từ Trung Quốc qua Kazakhstan tới các nước Trung Á và châu Âu.
Trong bối cảnh tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay, các nước ASEAN đều tìm kiếm những tuyến đường vận tải mới để vận chuyển hàng hóa từ ASEAN sang châu Âu, thay thế cho con đường vận chuyển xuyên Sibiri trước đây.
Kazakhstan hiện là nước dẫn đầu tại Trung Á, trong khi Thái Lan, Việt Nam và Indonesia là những nước hàng đầu ở Đông Nam Á, hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông và logicstic.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Kazakhstan đạt 4,5 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là Singapore đạt 2 tỷ USD, Việt Nam 970 triệu USD, Indonesia 700 triệu USD, Kazakhstan xuất sang các nước ASEAN dầu ăn, bột mỳ, dầu mỏ, các sản phẩm hóa dầu và nhập từ các nước ASEAN nông sản, thực phẩm, điện thoại, hàng tiêu dùng…
Hiện tại Singapore, Malaysia và Indonesia đều có các dự án đầu tư tại Kazakhstan, trong đó có dự án đầu tư vào cảng Kuryk tại thành phố Aktau.
Hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng có nhiều triển vọng. Thái Lan ước tính đến cuối năm 2024 sẽ có hơn 250 nghìn du khách Kazakhstan tới Thái Lan. Việt Nam cũng thu hút được hàng trăm nghìn du khách Kazakhstan và các nước Trung Á, đặc biệt số lượng khách tăng mạnh sau khi có đường bay thẳng Astana/Almaty với Nha Trang và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng khi sắp tới visa vào Việt Nam sẽ được miễn cho khách Kazakhstan.
Tại tọa đàm, nhiều triển vọng hợp tác và đầu tư đã được giới thiệu. Các cảng Aktau và Kuryk hoạt động trên tuyến đường vận tải quốc tế xuyên Caspi, cho phép tăng cường hợp tác vận tải không chỉ với các nước Trung Á, mà còn giúp tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa đến các nước ASEAN trong thời gian tới. Việc thu hút đầu tư của các nước ASEAN sẽ góp phần tăng cường tiềm năng vận chuyển và logicstic của Kazakhstan.
Về hợp tác du lịch, chính quyền tỉnh Mangystau mong muốn đề xuất mở các đường bay thẳng mới giữa Aktau và các thành phố của Việt Nam, Thái Lan và Indonesia để tăng cường thu hút các du khách tới Mangystau chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của biển Caspi và những nét văn hóa của người dân Kazakhstan, đồng thời tạo thêm điều kiện thuận lợi cho du khách Kazakhstan đến du lịch các nước ASEAN.
Giám đốc Sở Du lịch Mangistau Nuradin Imangaliev cho biết, tỉnh sẽ mở rộng quy mô lễ hội ẩm thực quốc tế tại Aktau trong thời gian tới nhằm tăng cường quảng bá với người dân những nét độc đáo, phong phú của ẩm thực các nước.
Các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí thiết lập các cuộc đối thoại và trao đổi thông tin về tiềm năng thế mạnh của mỗi bên và tiếp tục nghiên cứu các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giao thông, logicstic và du lịch.
Chiều cùng ngày, tại Công viên giải trí Tetys Blu ở thành phố Aktau, tỉnh Mangystau, đại sứ quán các nước Việt Nam, Thái Lan và Malaysia tại Kazakhstan đã phối hợp tổ chức lễ hội các món ăn đường phố của các nước ASEAN.
Mặc dù thời tiết tại Aktau vào đầu tháng Năm còn lạnh và có mưa nhỏ, nhưng có khá đông người dân thành phố Aktau và du khách đã đến tham quan các gian hàng và thưởng thức nhiều món ăn độc đáo của ASEAN.
Tại lễ hội, Đại sứ quán Việt Nam đã đem đến giới thiệu những món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam như phở bò, nem rán, phồng tôm… Nhiều thực khách đã từng đi du lịch Việt Nam đã đưa cả gia đình tới thưởng thức, bày tỏ những ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam.