ASEAN tăng cường liên kết phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo
ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ tăng cường hợp tác trong trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo… hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tập huấn Truyền thông về Hội nhập, ASEAN và UNESCO, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 25/4.
Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (thường trực Ủy ban Quốc gia về UNESCO Việt Nam), lãnh đạo Ban thư ký Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An… đều thống nhất rằng việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN không hề dễ dàng. Các thách thức như cạnh tranh nước lớn, sự ra đời của các cơ chế đa phương mới, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như khó khăn nội tại đòi hỏi ASEAN phải củng cố đoàn kết, thống nhất và có những chiến lược linh hoạt và hiệu quả hơn nữa.
Tuy nhiên, với vị thế và tiềm lực ngày càng tăng của ASEAN, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt vẫn đang tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong đối thoại và hợp tác đa phương tại khu vực, và vẫn được các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác lớn hết sức coi trọng. Vì vậy, ASEAN vẫn có lợi thế lớn và vai trò trung tâm của ASEAN vẫn đang tiếp tục được củng cố từng ngày, không dễ dàng bị lung lay như suy luận của một số nhà nghiên cứu.
Việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ đem lại lợi ích cho khối mà còn đối với các quốc gia thành viên, chính vì vậy, việc các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Nhìn về tương lai, ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần nâng cao khả năng tự cường và các liên kết nội khối, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác, nhất là trong trong các lĩnh vực mới, các động lực phát triển mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo… hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Với những thành tựu đạt được trong quá khứ và tinh thần đoàn kết, hợp tác, ASEAN hoàn toàn có khả năng vượt qua các thách thức, tiếp tục củng cố vai trò trung tâm và góp phần định hình một khu vực phát triển hòa bình, an ninh, ổn định, phồn vinh và thịnh vượng.
Hội nghị Tập huấn Truyền thông về Hội nhập, ASEAN và UNESCO thu hút sự quan tâm của đại diện các cơ quan báo chí.
Vấn đề về đấu tranh và xử lý tin giả cũng thu hút sự quan tâm tại Hội nghị Tập huấn Truyền thông, hướng đến nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.
Các hoạt động trong giai đoạn này mới dừng lại ở việc chia sẻ chính sách và kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa mở rộng cho các cơ quan báo đài (tham gia với vai trò tăng cường thông tin chính thống, phát hiện, công bố và cải chính tin giả...) hay các cơ quan nghiên cứu/đơn vị truyền thông (tham gia với vai trò như các tổ chức nghiên cứu và kiểm chứng độc lập) hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới.
Do đó, việc tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm tạo không gian trao đổi mở giữa các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, nền tảng xuyên biên giới và các bên liên quan nhằm khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN trước việc giảm thiểu tác hại của tin giả, hướng đến nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.
“Các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng một Cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, nơi mà mọi người dân được hưởng quyền con người và quyền tự do cơ bản, có cuộc sống chất lượng hơn, và gắn kết với nhau bởi ý thức đoàn kết và bản sắc chung”, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.