ASEAN: Thách thức và bản lĩnh

Nhìn lại năm 2019 đầy ắp sự kiện, tình hình thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương biến động nhanh với nhiều nhân tố bất ngờ và bất định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt khiến quan hệ giữa nhiều nước nhỏ hơn như các nước ASEAN với chính các đối tác này gặp khó khăn.

Đi liền với đó là những rung lắc, đảo lộn, va đập giữa chủ nghĩa bảo hộ với toàn cầu hóa, giữa chính trị cường quyền với thượng tôn luật pháp, giữa hành động đơn phương với chủ nghĩa đa phương... Giữa muôn vàn thách thức và cơ hội đó, các nước ASEAN cần thể hiện bản lĩnh với tầm nhìn chiến lược.

Giữa cuộc cạnh tranh chiến lược chưa có hồi kết

Năm 2020 có thể được xem như năm đặc biệt quan trọng với nhiều nước ASEAN. ASEAN được dự báo có thể sẽ bị ảnh hưởng trước những diễn biến địa chính trị ở quy mô rộng lớn hơn. Trước hết là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc chưa có hồi kết. Một số “điểm nóng” của châu Á có thể nóng hơn, ví dụ như Bán đảo Triều Tiên hay Biển Đông hoặc những rủi ro an ninh hàng hải trải dài Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, trên quy mô toàn cầu cũng ẩn chứa hàng loạt nguy cơ từ khủng bố, xung đột, di cư, phong trào dân túy hay chủ nghĩa bảo hộ vẫn mạnh mẽ trong thế giới phương Tây.

Thực tế diễn ra cho thấy Washington ngày càng công nhận tầm quan trọng của Đông Nam Á. Nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đây sẽ là khu vực diễn ra sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh. Mỹ chắc chắn sẽ đẩy mạnh các hình thức ngoại giao để quảng bá chiến lược của họ ở Đông Nam Á. Mỹ muốn khẳng định họ là một bên tham gia mạnh mẽ ở Đông Nam Á bất chấp các vấn đề trong nước. Ở phía bên kia, sự hiện diện và vai trò của Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng luôn không ngừng mở rộng.

Lãnh đạo các nước ASEAN trong cuộc họp tháng 6-2019. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo các nước ASEAN trong cuộc họp tháng 6-2019. Ảnh: Reuters.

Trong khi Mỹ bị sa lầy tại Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố, sức mạnh của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân. Năm 2000, GDP của Trung Quốc là 1.210 tỷ USD, đến năm 2011 đã tăng lên 7.570 tỷ USD, gấp 6 lần chỉ trong hơn một thập niên. Năm 2018, con số này là 13.600 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ vào đầu những năm 2030 tính theo đồng USD danh nghĩa.

Xét về sức mua tương đương (PPP), nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên vị trí số một thế giới vào năm 2014. Trung Quốc cũng đạt được những tiến bộ nhanh chóng về sức mạnh quân sự. Những diễn biến này báo hiệu ưu thế chiến lược của Mỹ phải điều chỉnh theo. Không chỉ vì sức mạnh của Trung Quốc gia tăng mà quan trọng hơn là các ý đồ của Trung Quốc dưới góc nhìn của Mỹ đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng Trung Quốc đã nổi lên như một đối thủ cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ. Đây là điều mà ASEAN cần tỉnh táo nhận ra để xây dựng chính sách chiến lược phù hợp.

Sẽ phải là một ASEAN gắn kết hơn

Đông Nam Á đã nhận ra điểm mạnh và cả điểm yếu của cả Mỹ và Trung Quốc. Chính vì thế các nước Đông Nam Á hiểu rằng họ cần một sự cân bằng và tất nhiên là mỗi nước sẽ cân bằng theo cách riêng của mình để tránh tối đa tác động ngược.

Năm 2019 các nước Đông Nam Á đã làm rất tốt điều này. Các nền kinh tế trong khối ASEAN tiếp tục tăng trưởng vừa phải nhưng đều đặn. ASEAN đã tăng trưởng nhanh hơn Ấn Độ trong năm 2019 và không có nhiều người biết rằng ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3.000 tỷ USD. Đáng chú ý hơn, ASEAN đã thực hiện một trong những hành động táo bạo nhất trong lịch sử kinh tế gần đây bằng cách tuyên bố họ đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Thực tế RCEP có ý nghĩa hơn cả một thỏa thuận kinh tế. Đó là một tín hiệu chiến lược cho phần còn lại của thế giới rằng khu vực này của châu Á tiếp tục tin tưởng vào việc duy trì một trật tự thương mại toàn cầu, đa phương. Quyết định không gia nhập của Ấn Độ vào phút chót đã được thay thế bằng sự khôn ngoan của công thức “ASEAN trừ X” đã phát huy tác dụng một cách tuyệt vời.

Năm 2020 được dự báo là sẽ có thêm nhiều sáng kiến hợp tác khu vực được các nước khác đề xuất hợp tác lấy ASEAN làm trung tâm. ASEAN sẽ gắn kết hơn thay vì chia rẽ. Trong một động thái chiến lược, các nước ASEAN đã công bố “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để tránh việc mỗi nước có quan điểm khác nhau về chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ có thể chia rẽ khu vực.

Đồng thời với đó, các nhà hoạch định chiến lược của khu vực cũng dự báo vấn đề Biển Đông từng ít nhiều gây chia rẽ sẽ có những tiến triển mới khi khối ASEAN từng bước cùng nhau hoàn thành nội dung bản dự thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử (COC). Tránh được sự khó xử với hai cường quốc trong những vấn đề đặc biệt nhạy cảm chính là chìa khóa giúp ASEAN ổn định để phát triển một cách bền vững.

Chỉ khi nào các nhà lãnh đạo ASEAN đoàn kết vượt qua những thách thức này mới có thể đảm bảo cho sự ổn định và phát triển an toàn, bền vững và thịnh vượng đối với tương lai của tất cả người dân ASEAN.

Cờ của các nước ASEAN trang trọng trong một buổi lễ tại Ấn Độ. Ảnh: hindustantimes.

Cờ của các nước ASEAN trang trọng trong một buổi lễ tại Ấn Độ. Ảnh: hindustantimes.

Loại bỏ tư tưởng cục bộ

ASEAN đã ý thức rất rõ việc chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết nội khối để phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời mở rộng hợp tác với bên ngoài thông qua các cơ chế hợp tác quốc phòng, quân sự do ASEAN dẫn dắt. Phải giữ vững vai trò trung tâm và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác tại khu vực mới có thể ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên như vấn đề khủng bố, mặt trái của sự phát triển của công nghệ, an ninh mạng.

ASEAN cũng ý thức rất rõ rằng phải lấy tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề còn khúc mắc. Đây là công cụ hữu hiệu điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc không tuân thủ luật pháp quốc tế, diễn giải hoặc chỉ áp dụng luật pháp quốc tế khi có lợi cho mình sẽ gây ra sự nghi kỵ, mất lòng tin với nhau và thậm chí còn dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng, đối đầu.

Tuy nhiên, có một thực tế, chính căng thẳng Mỹ-Trung đã gây áp lực, từ đó tạo ra nhiều danh sách đen và các biện pháp thuế quan khác nhau khiến hệ thống thương mại của ASEAN trong năm 2020 bị xáo trộn. ASEAN lo ngại cuộc cạnh tranh sẽ vượt ra khỏi phạm vi kinh doanh. Vì thế, ở cấp độ chiến lược, để cân bằng chiến lược với hai cường quốc, ASEAN phải cân bằng cả hai khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Điều quan trọng hơn với ASEAN trong bối cảnh quan hệ với các nước lớn là phải xem xét các lựa chọn về mặt phát triển kinh tế nói chung. ASEAN không nên chọn giữa phe này hay phe kia mà nên tiếp tục gắn kết với cả hai. Trong ngắn hạn, các chính phủ đang “lắc lư” giữa Mỹ và Trung Quốc nên đưa ra lựa chọn theo từng trường hợp cụ thể. Điều này có nghĩa là họ đưa ra lập trường về một vấn đề, chứ không phải về một quốc gia. Gắn kết với cả Mỹ và Trung Quốc vẫn là chính sách ưu tiên của ASEAN.

Cần phải biết cách biến những nguy cơ và rủi ro thành cơ hội cho ASEAN. Trong khối ASEAN, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam là thành viên chuỗi cung ứng toàn cầu nên thường bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại; trong khi các nước như Myanmar, Campuchia và Lào tương đối phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Trung Quốc lại không bị ảnh hưởng. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho rằng cuộc chiến thương mại trong ngắn hạn sẽ tác động đến lượng hàng hóa trung gian của ASEAN xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng cũng dẫn đến việc Mỹ gia tăng nhập khẩu hàng hóa tương đối rẻ của ASEAN để thay thế hàng hóa của Trung Quốc.

Trong dài hạn, hiện tượng này sẽ đẩy nhanh quá trình khu vực hóa chuỗi cung ứng toàn cầu ở châu Á, giúp thúc đẩy chu kỳ kinh tế khu vực có tính liên tục. Vì thế, cuộc chiến thương mại có khả năng sẽ giúp ASEAN leo lên những bậc cao hơn trong “nấc thang giá trị gia tăng toàn cầu”, trở thành nhà cung ứng lắp ráp chính trong tương lai.

Cuộc chiến thương mại trong ngắn hạn sẽ làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế của ASEAN nhưng lại mang lại hai cơ hội dài hạn; là cơ hội chuyển dịch dây chuyền sản xuất, làm xuất hiện việc tái tập hợp chuỗi cung ứng có lợi cho ASEAN. Có thể nói, cuộc chiến thương mại sẽ dẫn đến xu hướng kinh tế khu vực trong ngắn hạn chậm lại nhưng trong trung và dài hạn vẫn có triển vọng tốt, dẫn đến sự tái liên kết chuỗi cung cấp toàn cầu, đồng thời khu vực hóa ở châu Á. ASEAN cần phải nâng cao công nghệ, nguồn nhân lực và tố chất cơ bản thì mới có thể tận dụng cơ hội "vàng" này.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/asean-thach-thuc-va-ban-linh-577938/