ASEAN-Trung Quốc hướng tới tầm cao mới trong quan hệ sau 3 thập kỷ
Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1991, quan hệ ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực; đem lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Trong bối cảnh mới, hai bên khẳng định tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị truyền thống lên tầm cao mới.
Dấu mốc trong 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc
Năm 1991, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu quá trình đối thoại song phương. Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia đối thoại đầu tiên của ASEAN tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tháng 10/2021, tròn 30 kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại, ASEAN và Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Kể từ đó đến nay, Trung Quốc luôn tham gia đầy đủ các cơ chế chính trị - an ninh khu vực do ASEAN sáng lập và dẫn dắt, ủng hộ một cấu trúc khu vực với ASEAN là trung tâm, đồng thời ủng hộ ASEAN phát huy vai trò lớn hơn tại các diễn đàn đa phương trên thế giới. Tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi cho rằng, quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN đã "phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược và cho thấy những tiến bộ to lớn trên mọi mặt". Đáp lại, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, trong ba thập kỷ qua, quan hệ hai bên đã có bước phát triển nhảy vọt và trở thành trụ cột quan trọng cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực.
Trong 30 năm qua, hai bên đã duy trì đối thoại và trao đổi thường xuyên ở các cấp để vượt qua khác biệt, thúc đẩy hợp tác. ASEAN và Trung Quốc tiến hành tham vấn về các vấn đề chính trị-an ninh mà hai bên cùng quan tâm thông qua các cơ chế như Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc… Đến nay, hai bên đã tổ chức 11 Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức ASEAN - Trung Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đang duy trì đối thoại và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên đã ký một loạt văn kiện quan trọng trong lĩnh vực chính trị và an ninh, trong đó có Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng (năm 2003), Tuyên bố chung ASEAN và Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống (năm 2002), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC, ký năm 2002)…
Trung Quốc cũng ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực do ASEAN khởi xướng như Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Hợp tác kinh tế - thương mại được xem là điểm sáng trong hợp tác và là động lực quan trọng trong hợp tác ASEAN - Trung Quốc suốt ba mươi năm qua. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 30 năm tăng tới 80 lần, từ 8,36 tỷ USD năm 1991 lên 685,28 tỷ USD vào năm 2020. Tính đến năm 2020, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp. Trong khi đó, kể từ năm 2020 đến nay, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Trung Quốc và ASEAN đã ghi nhận mức tăng trưởng thương mại tích cực và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) Trung Quốc-ASEAN ký kết năm 2002 và Hiệp định Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) hình thành năm 2010 là nhân tố thúc đẩy mở cửa thị trường hai chiều, đồng thời cũng giúp thúc đẩy sự phát triển thuận lợi hóa thương mại trong khu vực. Trung Quốc là một trong những nước Đối tác đầu tiên của ASEAN sớm hoàn tất chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP vào tháng 11/2020. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư chính trong khu vực ASEAN. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc sang ASEAN tăng 175% từ 3,6 tỷ USD năm 2010 lên 9,9 tỷ USD năm 2019.
Trong bối cảnh cả ASEAN và Trung Quốc đang cùng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới và đặc biệt là những thách thức do đại dịch Covid-19, hai bên đã thể hiện tinh thần chia sẻ và tương trợ lẫn nhau, tiếp tục hợp tác toàn diện về ứng phó với Covid-19, thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch.
Các nước ASEAN đã quyên góp vật tư y tế để hỗ trợ Trung Quốc khi nước này đang trải qua giai đoạn dịch bệnh cao điểm năm 2020. Trong khi Trung Quốc đã kịp thời ứng phó giúp các nước ASEAN về vật tư y tế và vaccine; giúp kiềm chế dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi bền vững sau đại dịch. Nước này đã triển khai đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, đề xuất lập cơ chế ứng phó tình huống y tế công cộng khẩn cấp, cam kết trích 5 triệu USD từ Quỹ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc tài trợ các chương trình, dự án hợp tác y tế công cộng với ASEAN...
Hướng tới tầm cao mới trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc
Đứng trước dấu mốc lịch sử mới tiếp tục chặng đường 30 năm tiếp theo, Tổng thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi khẳng định, ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác vơíTrung Quốc để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và nâng cấp mối quan hệ hai bên lên một tầm cao mới trên cơ sở hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và xây dựng lòng tin.
Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc bao gồm hơn 200 khía cạnh trên tất cả các trụ cột cộng đồng. Hai bên đã xây dựng Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược đến năm 2030. Đây là bản kế hoạch trung và dài hạn đầu tiên giữa Trung Quốc và khối ASEAN, được đề ra nhằm hướng dẫn phát triển quan hệ đối tác và hợp tác đa phương trong tương lai
Tuy nhiên theo Tổng thư ký ASEAN, trước mắt, ưu tiên hàng đầu của ASEAN là cải thiện và triển khai hiệu quả các quy định trong Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên trao đổi thương mại-đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khắc phục tác động của dịch bệnh. ASEAN bày tỏ kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc để triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), phát triển kinh tế số, hợp tác phát triển bền vững theo chủ đề hợp tác năm 2021, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ nâng tầm quan hệ với ASEAN trong ba thập kỷ tới. Trong đó, tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN trong việc kiểm soát dịch bệnh, cung cấp thêm vaccine và hợp tác liên quan đến nghiên cứu và sản xuất, mua sắm, giám sát và tiêm chủng vaccine Covid-19.
Ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN theo Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN và hợp tác thực tế với ASEAN trong các lĩnh vực chính được xác định trong Khuôn khổ. Trung Quốc cam kết xây dựng quan hệ đối tác kinh tế xanh, khám phá và đổi mới những điểm nổi bật mới của hợp tác công nghệ và làm phong phú thêm quan hệ hai bên.
Tựu chung lại, vượt qua những thử thách, sau 30 năm thiết lập quan hệ, trong đó có 18 năm nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác ASEAN - Trung Quốc đã phát triển toàn diện, mạnh mẽ, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực, đồng thời duy trì củng cố vai trò trung tâm của ASEAN. Đây là nền tảng vững chắc để tiếp tục hành trình đưa quan hệ hữu nghị truyền thống ASEAN-Trung Quốc lên một tầm cao mới như mong muốn của hai bên./.