ASEAN và Bắc Kinh đồng ý tự kiềm chế ở Biển Đông

Trong một tuyên bố chung, Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí không leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra sau một số hành vi xâm nhập gần đây của Trung Quốc tại các vùng biển mà Philippines và Malaysia tuyên bố chủ quyền.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại một sự kiện tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/4/2021 - Ảnh: AFP

Bài liên quan

ASEAN kêu gọi Trung Quốc hợp tác về Myanmar

Trung Quốc-ASEAN họp bàn về hộ chiếu vắc xin và ngăn chặn xung đột ngoài lãnh thổ

Nhiều nước ASEAN đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19

Theo tuyên bố chung sau cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ở Trùng Khánh, hai bên nhất trí “tăng cường và thúc đẩy an ninh hàng hải”, “tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, cũng như theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp".

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Philippines mô tả là "căng thẳng" khi các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và ASEAN diễn ra tại Trùng Khánh vào ngày thứ Hai (7/6), trước khi hai bên đưa ra tuyên bố chung vào cuối ngày hôm đó. Các nhà ngoại giao cho biết Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng đứng về một phía phản đối Trung Quốc, trong khi các quốc gia thành viên ASEAN khác giữ thái độ im lặng.

Tuyên bố chung cũng nói rằng bất kỳ cuộc tranh cãi nào với Trung Quốc sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, hay UNCLOS.

Tuyên bố chung không đề cập tới thực tế là UNCLOS không công nhận các yêu sách lịch sử, chẳng hạn như của Trung Quốc, trong tuyến đường thủy đang tranh chấp. Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế đối với các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của họ ở Biển Đông.

Một tuyên bố riêng từ Trung Quốc về kết quả cuộc họp cho biết hai bên đã đồng ý “xử lý và quản lý các khác biệt thông qua tham vấn”. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết trong một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, “các nước láng giềng gặp phải vấn đề là điều tự nhiên”.

Lực lượng tuần duyên Philippines giám sát các tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi cạn Sabina, một mỏm trên Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền - Ảnh: Lực lượng tuần duyên Philippines / AFP

Biển Đông - vùng biển bất ổn

Nhưng những vấn đề mà ông Vương nói đã trở nên tồi tệ hơn gần đây. Tuần trước, Malaysia nói rằng 16 máy bay quân sự của Trung Quốc đã xâm phạm không phận hàng hải của nước này trên vùng biển Biển Đông gần đảo Borneo.

Malaysia cho biết họ sẽ triệu tập phái viên Trung Quốc và đệ đơn phản đối ngoại giao với Bắc Kinh về “mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia của Malaysia”. Trung Quốc cho biết các máy bay đang thực hiện "hoạt động bay thường lệ" và không vi phạm không phận của Malaysia.

Tại Trùng Khánh hôm thứ Hai (7/6), Malaysia nói với Trung Quốc rằng họ “phản đối sự hiện diện của các khí tài quân sự nước ngoài trái với quyền tự do hàng hải và hàng không / qua lại theo luật pháp quốc tế, cũng như không có sự chấp thuận trước của Chính phủ Malaysia”.

Vào tháng 4, Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông. Việt Nam cho rằng lệnh cấm này vi phạm chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa, UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông đã nhất trí vào năm 2003.

Ở những khu vực hàng hải khác, Bắc Kinh và Manila đã xảy ra một cuộc tranh chấp kể từ tháng 3 khi Philippines cho biết họ đã phát hiện hơn 200 tàu do lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc điều khiển tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) của Việt Nam mà Philippines chiếm đóng.

Bắc Kinh tuyên bố rằng bãi Đá Ba Đầu này là một phần của “Quần đảo Nam Sa” - tên gọi của Trung Quốc cho quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Kể từ đó, Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện ở các vùng biển của Philippines, khiến Manila phải gửi công hàm phản đối ngoại giao với Bắc Kinh hàng ngày kể từ tháng 4 và cho đến ít nhất là vào tuần trước.

Những người biểu tình chống đảo chính đứng tại một chướng ngại vật khi họ đụng độ với lực lượng an ninh trên cầu Bayint Naung ở Mayangone, Yangon, Myanmar - Ảnh: REUTERS

Lập trường của Trung Quốc về Myanmar

Các cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc tại Trùng Khánh, có sự tham dự của Wunna Maung Lwin, ngoại trưởng được quân đội Myanmar bổ nhiệm sau khi quân đội lật đổ một chính phủ dân cử vào ngày 1 tháng 2.

Ngoại trưởng Vương đã có cuộc gặp với Wunna Maung Lwin hôm thứ Ba (8/6) và nói với ông này rằng “Trung Quốc sẽ luôn hỗ trợ Myanmar trong việc lựa chọn con đường phát triển phù hợp nhất với điều kiện quốc gia của mình”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Ông Vương cũng nói với Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin rằng “chính sách thân thiện của Bắc Kinh đối với Myanmar không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đối với tình hình đối nội và đối ngoại của Myanmar”, CGTN đưa tin.

Trong cuộc họp hôm thứ Hai (7/6), Singapore, Malaysia và Indonesia cho biết họ rất thất vọng khi ASEAN thiếu tiến bộ trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm về Myanmar.

Sự đồng thuận - được thống nhất bởi lãnh đạo chính quyền Myanmar Min Aung Hlaing trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN ở Jakarta vào cuối tháng 4 - bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức bạo lực, đối thoại giữa tất cả các bên trong nước và bổ nhiệm một đặc phái viên từ khối tới Myanmar. Nhưng quân đội đã bỏ qua tất cả và cả sự đồng thuận.

Bình luận của ông Vương được đưa ra một ngày sau khi Indonesia nói rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc là rất quan trọng trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar.

Ngoại trưởng Trung Quốc hôm thứ Ba (8/6) cho biết Bắc Kinh ủng hộ ASEAN “đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết đúng đắn các vấn đề trong nước của Myanmar”. Ông cũng cho biết Trung Quốc ủng hộ việc “từng bước thực hiện đồng thuận 5 điểm” và kêu gọi tất cả các nước “tránh các biện pháp trừng phạt đơn phương và can thiệp quá mức” vào Myanmar.

Phan Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/asean-va-bac-kinh-dong-y-tu-kiem-che-o-bien-dong-post138208.html